(VnMedia) - Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc hôm qua (16/12) đã cho đăng một bài xã luận trong đó lớn tiếng dọa sẽ bắn máy bay của Australia nếu nó tiếp tục tiến hành các cuộc tuần tra ở Biển Đông.
Ảnh minh họa |
Tờ Thời báo Hoàn cầu là một tờ báo của nhà nước Trung Quốc nổi tiếng với những bài viết thể hiện quan điểm cứng rắn, diều hâu và hiếu chiến trong các cuộc tranh chấp biển, đặc biệt là Biển Đông.
Trong bài xã luận của mình, tờ Thời báo Hoàn cầu dường như đã cảnh báo Australia rằng máy bay của họ có thể bị bắn rơi nếu tiếp tục thực hiện các chuyến bay tuần tra, do thám ở Biển Đông.
"Australia đừng nên hy vọng sẽ được đón chào hay chấp nhận” nếu họ có mặt ở không phận xung quanh các vùng lãnh hải, lãnh thổ tranh chấp, tờ Thời báo Hoàn cầu tuyên bố.
"Người dân Trung Quốc không thể hiểu tại sao quân đội Australia lại can dự vào việc này và nói thật, họ ngày càng có ít kiên nhẫn hơn trong việc ngăn cản để cho tình hình không bùng nổ”, tờ báo có quan điểm diều hâu của Trung Quốc đã viết như vậy.
Chưa dừng lại ở đó, bài xã luận trên Thời báo Hoàn cầu còn cảnh báo rằng, “các máy bay quân sự của Australia tốt hơn hết là đừng nên thường xuyên đến Biển Đông để ‘can dự’ vào đây, và đặc biệt đừng nên thử thách lòng kiên nhẫn của Trung Quốc bằng cách bay sát các đảo của Trung Quốc”.
"Tất cả mọi người đều luôn thận trọng nhưng sẽ là một nỗi xấu hổ nếu một ngày nào đó một chiếc máy bay rơi từ trên trời xuống và hóa ra nó là của Australia”, tờ Thời báo Hoàn cầu lạnh lùng tuyên bố.
Những cảnh báo đầy ớn lạnh trên được báo Trung Quốc tung ra sau khi Bộ Quốc phòng Australia hôm 15/12 xác nhận thông tin được đăng tải trên BBC về việc máy bay chiến đấu của nước này đang tiến hành các hoạt động tuần tra ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đang hung hăng muốn biến thành “ao nhà”.
Australia đang tăng cường các chuyến bay do thám, giám sát ở Biển Đông. Trong mấy tuần gần đây, Autralia đã phái máy bay P-3 Orion đi thực hiện những cuộc tuần tra liên tục ở Biển Đông, khiến Hải quân Trung Quốc phải đưa ra yêu cầu đòi phía Australia giải thích về hành động của mình. “Thực thi quyền tự do hàng hải” là câu trả lời mà Australia gửi cho Bắc Kinh. Đây rõ ràng là hành động thể hiện sự thách thức của Australia đối với Trung Quốc trong bối cảnh cường quốc Châu Á đang gây căng thẳng ở Biển Đông bởi đòi hỏi chủ quyền phi lý và những hành động hung hăng, hiếu chiến nhằm đạt được mục đích.
Hành động của Australia được hiểu là một thông điệp được tính toán cẩn thận mà nước này muốn gửi đến Bắc Kinh, theo đó Australia không chấp nhận đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở những khu vực thuộc Biển Đông mà nước này đang cấp tập xây dựng trái phép hàng loạt đảo nhân tạo kèm theo nhiều công trình phi pháp khác. Australia cũng muốn phát đi thông điệp khẳng định nước này không cho phép Trung Quốc thực hiện tham vọng đơn phương chiếm lĩnh Biển Đông chiến lược. Gần đây, Australia còn tham gia tập trận hải quân chung với Singapore và Malaysia ở Biển Đông.
Biển Đông đang là nơi chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa Trung Quốc với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Vùng lãnh thổ Đài Loan.
Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Trung Quốc gần đây đã và đang đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo và các công trình trái phép trên Biển Đông. Hoạt động bồi đắp làm thay đổi thế nguyên trạng ở Biển Đông của Trung Quốc hiện nay đang gây ra sự lo ngại, bất bình rất lớn trong khu vực nói riêng và cộng đồng thế giới nói chung. Trong thời gian qua, Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối, đối phó và đáp trả một cách quyết liệt và mạnh mẽ chưa từng có của các nước láng giềng cũng như của các cường quốc lớn trên thế giới.
Điều gây quan ngại hơn nữa là những công trình mà Trung Quốc đang cấp tập xây dựng trái phép ở Biển Đông có khả năng được dùng cho mục đích quân sự. Động thái của Trung Quốc được tin là một bước tiến dài táo tợn để nước này tiến tới tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Ý kiến bạn đọc