Điểm danh những vũ khí Nga có thể giúp Iran "bạt vía" Mỹ

16:10, 17/11/2015
|

(VnMedia) - Nga dự kiến sẽ bàn giao hệ thống tên lửa S-300 cho Iran không muộn hơn tháng 3/2016. Và trong khi chưa có thêm thông tin gì về thương vụ trên, tạp chí The National Interest của Mỹ đã đưa ra những phỏng đoán về các hệ thống vũ khí của Nga mà Iran đang “thèm muốn”.

Với S-300 và những loại vũ khí này, tạp chí trên cho rằng, Tehran hoàn toàn có thể đẩy lùi các cuộc tấn công của Mỹ và Israel nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran.

Sau đây là danh sách 3 loại vũ khí của Nga mà Iran có thể đang nhắm tới:

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 là một trong những loại vũ khí hiện đại nhất của quân đội Nga. Xe tăng T-90 là phiên bản cải tiến cuối cùng của xe tăng T-72B.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90

Thừa kế các ưu điểm của T-72, chiếc T-90 có cấu tạo kỹ thuật cao, cơ động và linh hoạt hơn nên rút ngắn thời gian huấn luyện, giảm thiểu chi phí đào tạo đội lái.

Một trong những khác biệt của T-90 so với T-72B là hệ thống phòng thủ thụ động Shtora-1-7. Hệ thống này nhằm bảo vệ xe trước vũ khí chống tăng điều khiển bằng laser (đạn, bom, hỏa tiễn...) của đối phương bằng cách gây nhiễu bức xạ. Đồng thời, hệ thống này có khả năng giúp đội lái xác định và tránh các loại tên lửa chống tăng phổ biến như TOW, HOT, MILAN, M47 Dragon, hay các vũ khí điều khiển bằng laser như Maverick, Hellfire, Copperhead. Ngoài ra, nó còn có hệ thống điều khiển hỏa lực 1A45 Yrtysh, súng máy điều khiển từ xa, đạn trái phá có độ chính xác cao.

Vũ khí chính của T-90 là pháo nòng trơn 125 mm, tầm bắn thẳng là 4.000 m, tầm bắn cầu vồng 10.000 m và tên lửa là 5.000 m.

Tiêm kích Su-35

Sukhoi Su-35 là máy bay tiêm kích hạng nặng, tầm xa, đa năng có khả năng chiếm ưu thế trên không và yểm hộ hỏa lực mặt đất. Bản thân chiến đấu cơ thế hệ 4++ này có dải công tác rất rộng, bao gồm cả khả năng độc lập tác chiến. Tính năng chiến đấu của Su-35 có thể tương đương với nhiều dòng máy bay thế hệ 5. Nó được ca ngợi là “máy bay tiêm kích thế hệ 4++ sử dụng công nghệ thế hệ thứ 5”.

Tiêm kích Su-35
Tiêm kích Su-35

Máy bay chiến đấu ưu việt Su-35 hoạt động bằng hai động cơ phản lực 117S có véc-tơ điều khiển cung cấp lực đẩy. Su-35 sở hữu khả năng tấn công hiệu quả vượt trội hơn so với rất nhiều loại chiến đấu cơ tối tân khác cùng loại của phương Tây khi có thể tấn công cùng lúc nhiều mục tiêu trên không bằng việc sử dụng cả các tên lửa và hệ thống vũ khí có điều khiển và không điều khiển. Cụ thể, máy bay tiêm kích Su-35 thế hệ 4++ có thể cùng một lúc theo dõi 30 mục tiêu, phát hiện mục tiêu ở cách xa 400km và tấn công đồng thời 8 mục tiêu trên không, hoặc cùng một lúc theo dõi 4 mục tiêu và tấn công 2 mục tiêu trên mặt đất.

Máy bay chiến đấu Su-35 được trang bị một khẩu pháo 30mm với 150 viên đạn, và có thể mang tới 8 tấn vũ khí trên 12 giá treo bên ngoài. Loại máy bay chiến đấu tối tân này có thể bay 6.000 giờ với thời gian sử dụng khoảng 30 năm.

Tiêm kích Su-35 có thế đạt tốc độ tối đa đạt 2,5 nghìn km/h và có tầm bay lên đến 3,4 nghìn km. Bán kính tác chiến của máy bay tiêm kích này đạt 1,6 nghìn km. 
 
Su-35 cất cánh lần đầu tiên vào ngày 19/2/2008 và bắt đầu được sản xuất hàng loạt từ ngày 3/5/2011.

Hệ thống tên lửa đạn đạo Iskander-M

Iskander-M (còn được NATO gọi dưới cái tên SS-26 Stone) là hệ thống tên lửa đạn đạo di động tầm ngắn tối tân của Nga, sử dụng nhiên liệu rắn. Loại vũ khí này bắt đầu được đưa vào biên chế của quân đội Nga từ năm 2006. Iskander hiện có 2 phiên bản chính là Iskander M (phiên bản cho quân đội Nga) và Iskander E (phiên bản để xuất khẩu), ngoài ra còn có phiên bản mới nhất Iskander K vẫn đang trong quá trình thử nghiệm.

Hệ thống tên lửa Iskander
Hệ thống tên lửa Iskander

Tên lửa Iskander có khả năng tự hành tàng hình. Kỹ thuật tàng hình áp dụng ở Iskander là kỹ thuật plasma. Nó tạo ra một lớp mây trung tính về điện bao quanh đạn khiến cho các sóng radar của đối phương bị mất khả năng phát hiện và đáp trả.

Tên lửa Iskander còn được lắp hệ thống điều khiển đặc biệt nên có thể hoạt động rất cơ động và linh hoạt. Vì thế, hệ thống phòng không của đối phương rất khó đánh chặn, thậm chí theo nhiều chuyên gia thì đây là hệ thống tên lửa "vô đối", không thể đánh chặn.

Loại tên lửa đạn đạo ưu việt nói trên có thể phóng với tốc độ siêu âm hơn 2km trên giây (Mach 6-7 - tức là 6 hoặc 7 lần so với tốc độ âm thanh) và tầm bắn lên tới gần 500km. Iskander có khả năng bắn trúng và phá hủy chính xác các mục tiêu có đầu đạn lên tới gần 700kg. Với những tính năng trên, tên lửa Iskander của Nga được ví là ác mộng đối với bất kỳ hệ thống lá chắn tên lửa nào.

Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự Mỹ, chỉ cần vài tổ hợp tên lửa Iskander cũng có khả năng thay đổi cán cân lực lượng trong bất kỳ cuộc xung đột khu vực nào. Hiện nay, tổ hợp tên lửa Iskander đã được xuất khẩu sang nhiều nước, trong đó có các nước Trung Đông. Mỹ đang lo sợ các nước được coi là “kẻ thù bất trị” của họ sẽ có trong tay loại tên lửa tàng hình “vô đối” này.

Nếu Iran có trong tay những loại vũ khí “khủng” trên, chắc chắn, nỗi lo sợ của Mỹ và Israel trước những mối đe dọa từ Iran sẽ tăng lên gấp bội.


Ý kiến bạn đọc