(VnMedia) - Nga chắc chắn sẽ vô cùng kinh ngạc khi Thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk bất ngờ lên tiếng đòi Moscow phải bồi thường một khoản tiền khổng lồ.
Thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk |
Hôm 15/10, Thủ tướng Yatsenyuk đã đòi Moscow phải bồi thường cho Kiev 1 nghìn tỉ vì vụ sáp nhập bán đảo xinh đẹp Crimea cũng như vì cáo buộc Nga can dự vào tình hình ỏ miền đông Ukraine.
Yêu cầu bồi thường trên gây khó hiểu. Sự mập mờ, không rõ ràng trong phát biểu của ông Yatsenyuk đã dẫn đến việc báo chí đưa ra kết luận ông này đang đòi Nga bồi thường bằng tiền đô la.
Trước tình huống trên, văn phòng báo chí của nội các Ukraine đã phải lên tiếng giải thích, Thủ tướng Yatsenyuk của họ đòi bồi thường bằng đồng tiền hryvnia của Ukraine. 1 nghìn tỉ hryvnia tương đương với 46 tỉ USD.
Điện Kremlin rõ ràng không khỏi kinh ngạc trước đòi hỏi của Kiev. "Crimea là lãnh thổ của Liên bang Nga. Donbass là lãnh thổ của Ukraine. Làm thế nào mà họ lại dám đòi con số 1 nghìn tỉ đó? Điều này không rõ ràng”, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga - ông Dmitry Peskov phát biểu trên tờ Itar-Tass. Ông này nói thêm rằng, nếu Ukraine không trả đầy đủ khoản nợ 3 tỉ USD cho Nga thì Moscow sẽ tuyên bố Kiev vỡ nợ.
Việc Thủ tướng Yatsenyuk đòi bồi thường 1 nghìn tỉ diễn ra trong bối cảnh ông này vừa có một hành động kỳ lạ khác khi ra tối hậu thư với chủ nợ của mình. Cụ thể, trong cuộc họp báo ngày 15/10, Thủ tướng Ukraine Yatsenyuk đã tuyên bố sẽ cho Nga thời hạn hai tuần, đến ngày 29/10 để chấp nhận thỏa thuận tái cơ cấu khoản nợ 3 tỉ USD. Nếu không Kiev sẽ kiện Moscow ra tòa.
"Chúng tôi sẵn sàng giải quyết mọi việc thông qua tiến trình pháp lý”, Thủ tướng Ukraine Yatsenyuk cho hay.
"Vào ngày 29/10, chúng tôi sẽ một lần nữa yêu cầu Nga quyết định xem liệu họ có sẵn sàng chấp nhận các điều kiện mà Ukraine đưa ra”, ông Yatsenyuk nói, đồng thời kêu gọi Nga “tham gia cùng với các nước thông thường khác đã quyết định tái cơ cấu khoản nợ cho Kiev”.
"Như dự đoán, chỉ một nước duy nhất không xuất hiện trong cuộc bỏ phiếu về tái cơ cấu nợ - đó là một quốc gia thú vị có tên là Liên bang Nga. Và khoản 3 tỉ USD mà Nga nên tái cơ cấu và xóa nợ một phần cho Ukraine vẫn chưa được giải quyết”, Thủ tướng Yatsenyuk kết luận.
Moscow liên tục nhấn mạnh, nước này không quan tâm đến việc tái cơ cấu nợ cho Kiev và có ý định đầu tư khoản tiền mà Kiev vay của Nga vào các dự án cơ sở hạ tầng ở trên lãnh thổ Nga.
Ukraine tuyên bố dùng Liên Hợp Quốc làm “mặt trận” chống Nga
Song song với việc đòi Nga xóa nợ và bồi thường, Ukraine tích cực tìm kiếm mặt trận mới để chống Nga và họ đã thành công bước đầu.
Hôm 15/10, Ukraine đã giành được một ghế thành viên trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Sau khi giành được chiến thắng này, Kiev ngay lập tức đưa ra lời cam kết sẽ sử dụng Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc làm “mặt trận” để phát động một cuộc chiến chính trị nhằm chống lại Nga vì vụ sáp nhập bán đảo Crimea, và vì cáo buộc Nga hậu thuẫn cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine.
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc gồm 193 thành viên vừa bỏ phiếu bầu chọn 5 thành viên không thường trực mới của Hội đồng Bảo an. Ngoài Ukraine, các nước khác giành được chiếc ghế trong cơ quan quyền lực nhất Liên Hợp Quốc gồm có Ai Cập, Nhật Bản Senegal và Uruguay. Tất cả 5 nước trên đều không vấp phải sự phản đối trong nỗ lực giành ghế thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an và họ sẽ bắt đầu nhiệm kỳ làm việc 2 năm từ ngày 1/1 năm tới.
Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin miêu tả ngày 15/10 là một ngày quan trọng cho Ukraine và Liên Hợp Quốc trong cuộc đấu tranh vì hòa bình “dưới sự gây hấn, xâm lược của Nga”, và cho cuộc đấu tranh “chống sự xâm lược của Nga”. Ông Klimkin bày tỏ, nước ông tự hào vì nhận được sự ủng hộ của 177 quốc gia, miêu tả đó là một sự ủng hộ mạnh mẽ - “một dấu hiệu thể hiện sự đoàn kết của thế giới với Ukraine”.
Trước đó, hồi đầu tuần, trong cuộc gặp gỡ với đại sứ các nước tại Liên Hợp Quốc, Ngoại trưởng Ukraine đã tuyên bố công khai rằng quan hệ giữa nước này với nước láng giềng Nga sẽ không có chuyện hòa giải.
Quan hệ giữa Nga và Kiev hiện nay giống như những “kẻ thù không đội trời chung”. Cuộc đối đầu giữa hai bên xuất phát từ cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng bùng lên ở Ukraine hồi cuối năm 2013.
Chính quyền Kiev hiện nay đang theo đuổi một chính sách chống Nga mạnh mẽ và quyết liệt. Trong suốt 18 tháng qua, Kiev liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở đất nước của họ cũng như kích động cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông. Kiev tố cáo Moscow đưa quân và vũ khí vào hậu thuẫn cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine.
Đáp lại, Nga bác bỏ mọi lời cáo buộc như trên, đồng thời tố cáo ngược lại rằng Kiev hoàn toàn không muốn thúc đẩy tiến trình hòa bình ở nước này và chỉ muốn đối đầu với Nga.
Việc chính quyền Kiev đối đầu không khoan nhượng với Moscow được cho là một chính sách không có lợi. Một số nhà phân tích tin rằng, nếu biết tạo sự cân bằng trong chính sách, Kiev sẽ được hưởng lợi từ cả mối quan hệ với phương Tây lẫn với Nga.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc