Mỹ "bội chi" cho dự án tàu sân bay mạnh nhất thế giới

17:13, 16/10/2015
|

(VnMedia) - Trong một bản báo cáo được đưa ra hôm 14/10 vừa qua, Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain cho biết, dự án chế tạo tàu sân bay hạt nhân lớp Gerald R.Ford mới nhất của Hải quân Mỹ đã “ngốn” mất một khoản tiền khủng, lên tới 6 tỷ USD. Theo đó, riêng với 2 con tàu đầu tiên, chi phí đã vượt hơn xa ngân sách dự kiến tới 4,7 tỷ USD.  

Mặc dù Bộ Quốc phòng Mỹ đã phải chi thêm một khoản tiền lớn như vậy cho dự án này, nhưng Thượng nghị sỹ John McCain vẫn cho rằng, khả năng và độ tin cậy của các hệ thống then chốt trên các tàu sân bay mới vẫn còn là những vấn đề đáng lưu tâm.

Tàu sân bay USS Gerald R. Ford
Tàu sân bay USS Gerald R. Ford

“Cho đến nay, tàu CVN-78 đã bội chi lên tới 2,4 tỷ USD so với dự kiến, và đã bị trì hoãn phát triển 8 tháng liền. Trong khi đó, tàu CVN-79 đã bị hoãn đóng 5 năm nay và đã ngốn thêm số tiền lên tới 2,3 tỷ USD”, ông McCain hôm 14/10 nhấn mạnh.

Trong bản báo cáo mới,  ông viết: “Chúng ta không thể tiếp tục đổ tiền vào một dự án thất bại nào khác như tàu sân bay Ford, đặc biệt là trong tình hình tài chính hiện nay. Chúng ta đơn giản là không thể chi ra một khoản tiền lên tới 12,9 tỷ USD cho đúng một con tàu”.

Được biết, khi hoạt động, chiến hạm Ford sẽ tiêu tốn chi phí khoảng 12,9 tỷ USD, khiến nó trở thành vũ khí quân sự đắt nhất từ trước đến giờ của Hải quân Mỹ.

Ông McCain đề xuất rằng, các nhà lập pháp của Bộ Quốc phòng Mỹ nên cân nhắc phát triển những loại tàu sân bay nhỏ hơn, có chi phí thấp hơn để có thể nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường vũ khí quốc tế.

USS Gerald Ford là tàu sân bay hạt nhân thế hệ mới của Mỹ. Lớp tàu sân bay này được đặt theo tên cố Tổng thống thứ 38 của Mỹ - Gerald Ford. Về cơ bản, thiết kế tổng thể của tàu sân bay lớp này trông khá giống các tàu sân bay lớp Nimitz hiện đang hoạt động nhưng sàn đáp của USS Gerald Ford cao hơn nhiều so với Nimitz. Tàu sân bay này được chế tạo với đích trở thành tàu sân bay lớn nhất, mạnh nhất thế giới.

Tàu Gerald R. Ford  được trang bị các hệ thống và công nghệ tiên tiến, đáp ứng yêu cầu hoạt động của các máy bay hiện tại, bao gồm hệ thống phóng máy bay sử dụng máy phóng điện từ, hệ thống vũ khí cải tiến, đường băng dài cho phép tăng tần xuất xuất kích của máy bay lên rất nhiều lần. Bên cạnh đó, con tàu cũng sẽ được trang bị những công nghệ tiên tiến trong tương lai, nâng cao khả năng tự động hóa, giảm yếu tố con người trong quá trình vận hành.

Tàu USS Gerald R. Ford có chiều dài khoảng 340 m và có lượng giãn nước khoảng gần 2 vạn tấn, chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Tàu có khả năng chở tới 90 máy bay các loại bao gồm: tiêm kích F-35C, F/A-18E/F, máy bay cảnh báo sớm E-2D, máy bay tấn công điện tử EA-18G, trực thăng MH-60R/S và có thể là cả máy bay không người lái trinh sát/chiến đấu.

Tính đa dạng trong tác chiến của hàng không mẫu hạm sử dụng máy phóng điện từ này chính là khả năng bảo đảm hoạt động bình thường cho tất cả các loại máy bay mà nó mang theo. Máy phóng sử dụng hệ thống động lực điện từ có tính năng ưu việt, dễ dàng kiểm soát chính xác lượng điện phát ra, có thể dễ dàng phóng luân phiên hoặc xem kẽ các loại máy bay không người lái và có người lái với trọng lượng cất cánh từ vài tấn đến vài chục tấn mà chỉ cần thay đổi một vài tham số điều khiển.

Về hỏa lực vũ khí phòng vệ, USS Gerald R. Ford (CVN-78) sẽ trang bị tên lửa phòng không RIM-116 và các tổ hợp pháo phòng không cao tốc Phalanx 20mm.

Con tàu sẽ được vận hành bởi đội ngũ thủy thủ đoàn và phi hành đoàn 4.660 người (ít hơn so với lớp tàu Nimitz). USS Gerald R. Ford và các tàu anh em của nó sau này sẽ tiếp tục giúp nước Mỹ giữ được ưu thế trên các vùng biển.

USS Gerald R. Ford dự kiến sẽ thay thế cho tàu USS Enterprise. Tàu dự kiến chính thức được đưa vào phục vụ trong biên chế quân đội Mỹ vào năm 2016.

Đan Khanh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc