Ukraine ra tối hậu thư kỳ lạ với Nga

15:03, 16/10/2015
|

(VnMedia) - Chính quyền Ukraine hôm qua (15/10) đã đưa ra một tối hậu thư kỳ lạ, theo đó nước này cho Nga thời hạn hai tuần để xoá nợ một phần khoản vay mà Kiev nhận được từ Moscow trước đây. Động thái này diễn ra trong bối cảnh các chủ nợ quốc tế khác của Ukraine đã đồng ý xoá nợ cho Kiev. Vấn đề xoá nợ rõ ràng đã mở ra một mặt trận mới trong cuộc đối đầu quyết liệt và căng thẳng giữa hai nước láng giềng Nga-Ukraine.

 Thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk
Thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk

Quan hệ giữa Nga và Ukraine đã xấu đi một cách nghiêm trọng, sau khi chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea và Moscow thể hiện sự ủng hộ dành cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine. Giới lãnh đạo ở Kiev liên tục cáo buộc Moscow đưa quân và vũ khí vào hỗ trợ, hậu thuẫn cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine trong cuộc chiến chống lại quân đội Kiev. Nga kiên quyết bác bỏ mọi cáo buộc như vậy.

Ukraine và các chủ nợ quốc tế của nước này hồi tháng 8 đã nhất trí với nhau về việc xoá 20% khoản nợ trái phiếu của chính phủ Ukraine, giảm số nợ của nước này từ 19 tỉ USD xuống còn 15,5 tỉ USD.

Trong một tuyên bố được phát đi ngày hôm qua, Thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk cho biết, tất cả những nước nắm giữ trái phiếu của Ukraine hôm 14/10 đã đồng ý cơ cấu lại khoản nợ tại một cuộc họp ở thủ đô London nhưng đại diện của Nga không xuất hiện.

Ông Yatsenyuk tuyên bố, ông này sẽ cho Moscow thời hạn 2 tuần, cho đến ngày 29/10 để đồng ý xoá khoản nợ 3 tỉ USD mà Nga cho Ukraine vay năm 2013.

Thủ tướng Yatsenyuk đe doạ sẽ kiện Nga nếu nước này không đồng ý xoá nợ cho Kiev mặc dù không rõ là Ukraine sẽ dựa vào cơ sở luật pháp nào để khởi kiện nước láng giềng.

Về phần mình, Moscow khăng khăng đòi Kiev phải trả lại đầy đủ khoản tiền vay nói trên trước hạn định vào cuối năm nay.

Ukraine lập luận rằng, khoản vay mà Nga cấp cho Ukraine thời Tổng thống Viktor Yanukovych thực chất là khoản hối lộ mà Moscow dành cho nhà lãnh đạo thân Nga. Khoản vay này được thực hiện vào năm 2013, chỉ vài tháng trước khi ông Yanukovych chạy khỏi đất nước sau khi đối mặt với làn sóng biểu tình rầm rộ và một cuộc đảo chính.

Phát biểu với các phóng viên trong ngày hôm qua, phát ngôn viên của Tổng thống Vladimir Putin – ông Dmitry Peskov cho hay, Nga không có ý định đồng ý với bất kỳ hình thức tái cơ cấu khoản vay nào.

"Đó là một khoản nợ của chính phủ và việc không có khả năng trả khoản nợ đó sẽ dẫn đến tình trạng vỡ nợ", phát ngôn viên Peskov cho biết khi được hỏi về việc liệu Nga có chuẩn bị sẵn sàng để có hành động pháp lý chống lại Ukraine hay không.

Ukraine có khả năng sẽ không trả nợ đúng hạn. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có cuộc tranh cãi giữa hai nước Nga, Ukraine vào cuối năm nay và kết cục có thể xảy ra hành động tịch thu tài sản.

Quan hệ Nga-Ukraine tiếp tục lao dốc

Quan hệ giữa Nga và Ukraine sẽ tiếp tục “lao dốc không phanh” khi vào ngày 25/10 tới các chuyến bay trực tiếp giữa hai bên Nga và Ukraine sẽ hoàn toàn chấm dứt sau khi Kiev tung đòn trừng phạt nhằm vào các hãng hàng không của Nga và Moscow tung đòn trả đũa bằng lệnh cấm mọi chuyến bay của Ukraine đến Nga.

Quan hệ vận tải hàng không trực tiếp giữa Nga và Ukraine sẽ bị cắt đứt vào ngày 25/10, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nga - ông Maxim Sokolov cho hay. Ông này cũng nói thêm rằng, các chuyến bay qua lại giữa hai nước Nga và Ukraine sẽ chấm dứt theo "sáng kiến" của Kiev.

"Những nỗ lực của chính phủ Nga trong việc đối thoại, đàm phán với phía đối tác Ukraine đã không thành công. Gần đây, chúng tôi đã nhận được thông báo chính thức rằng tất cả các hãng hàng không Nga sẽ bị cấm không được sử dụng không phận Ukraine”, Bộ trưởng Sokolov cho biết.

Ông Sokolov khẳng định, quyết định của phía Kiev đầu tiên và trước hết là một đòn giáng mạnh vào các công dân Ukraine bởi 70% hành khách đi trên các chuyến bay giữa hai nước là người Ukraine. Đây là con số thống kê do Cơ quan Vận tải Hàng không Liên bang Nga cung cấp.

"Kể từ cuối năm 2013, dòng hành khách đi lại giữa Nga và Ukraine đã giảm mạnh và trong 8 tháng đầu năm 2015, chỉ 800.000 người bay giữa hai nước, trung bình là 100.000 hành khách mỗi tháng. Vào ngày 25/10, nếu Ukraine không thay đổi quyết định thì dòng hành khách đi lại nói trên sẽ về con số 0. Về phía chúng tôi, chúng tôi sẽ tìm kiếm các cơ hội quá cảnh thông qua các nước khác".

Quan hệ giữa Nga và Kiev hiện nay giống như những “kẻ thù không đội trời chung”. Cuộc đối đầu giữa hai bên xuất phát từ cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng bùng lên ở Ukraine hồi cuối năm 2013. Cuộc khủng hoảng này xuất phát ban đầu từ làn sóng biểu tình phản đối quyết định của Tổng thống Yanukovych hồi cuối năm 2013 trong việc dừng ký kết các thỏa thuận với Liên minh Châu Âu (EU) để ưu tiên cho mối quan hệ gắn bó hơn với Nga. Bước đi này đã làm dấy lên làn sóng biểu tình của hàng nghìn người ở thủ đô Kiev. Kết quả là ông Yanukovych bị lật đổ và Crimea được sáp nhập vào Nga. Cùng với đó, cuộc nổi dậy ở miền đông Ukraine bắt đầu bùng lên.

Chính quyền Kiev hiện nay đang theo đuổi một chính sách chống Nga mạnh mẽ và quyết liệt. Trong suốt hơn 16 tháng qua, Kiev liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở đất nước của họ cũng như kích động cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông. Kiev tố cáo Moscow đưa quân và vũ khí vào hậu thuẫn cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine. Đáp lại, Nga bác bỏ mọi lời cáo buộc như trên, đồng thời tố cáo ngược lại rằng Kiev hoàn toàn không muốn thúc đẩy tiến trình hòa bình ở nước này và chỉ muốn đối đầu với Nga.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc