(VnMedia) - Theo luật sư, hành vi phạm tội của đối tượng đã được chủ cửa hàng đưa cho xem điện thoại iPhone 6plus (trị giá khoản 6 triệu đồng) đã lợi dụng sự lơ là, không để ý bỏ chạy để chiếm đoạt đã cấu thành tội cướp giật tài sản.
Trước đó, vào tối ngày 20/9, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh nam thanh niên lấy trộm điện thoại tại của hàng mua bán điện thoại cũ ở phố Quan Nhân, Trung Hòa, Hà Nội.
Theo hình ảnh đoạn clip cho thấy, nam thanh niên trong trang phục áo phông, quần đùi cầm iPhone lên ngắm nghía và chụp ảnh "tự sướng" với gương mặt hết sức rạng rỡ.
Nhân lúc chủ cửa hàng đang sửa điện thoại cho khách, nam thanh niên này cầm chiếc iPhone bỏ chạy. Thấy khách hàng cầm điện thoại của cửa hàng bỏ chạy, chủ cửa hàng chạy theo nhưng không kịp.
Sau khi đoạn clip trên được chia sẻ, nhiều người dùng mạng xã hội bày tỏ bất ngờ bởi thủ đoạn của tên trộm quá xảo quyệt và khó lường. Điều đáng nói, đối tượng thực hiện hành vi một mình và không bịt mặt
Lãnh đạo Công an phường Trung Hòa cho biết, sau khi xảy ra sự việc chủ cửa hàng mất điện thoại đã tới công an trình báo.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, qua quá trình rà soát, công an P. Trung Hòa đã phát hiện đối tượng trú tại phố Bùi Xương Trạch (phường Khương Đình, Thanh Xuân).
Sáng 22/9, đối tượng thực hiện vụ trộm iPhone 6S Plus táo tợn ở phố Quan Nhân đã tới trụ sở CAP Trung Hòa đầu thú. Danh tính đối tượng được xác định là Đào Văn Long (SN 1988, trú tại Bùi Xương Trạch, Khương Đình, Thanh Xuân).
Tại cơ quan công an, đối tượng Long khai rằng, do trước đó có uống rượu tại nhà nên thiếu tự chủ về hành vi, dẫn tới việc ăn trộm chiếc điện thoại. Long bày tỏ sự ăn năn, hối cải và mong muốn được khắc phục hậu quả của hành vi mà mình đã gây ra.
Về vụ việc trên, trao đổi với VnMedia, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, hành vi phạm tội của đối tượng đã được chủ cửa hàng đưa cho xem điện thoại iPhone 6plus đã lợi dụng sự lơ là, không để ý bỏ chạy để chiếm đoạt đã cấu thành tội cướp giật tài sản.
Luật sư Thơm viện dẫn luật: Tội cướp giật tài sản là công khai chiếm đoạt tài sản một cách nhanh chóng để tránh sự phản kháng của chủ sở hữu tài sản.
Hành vi giật tài sản của người phạm tội được thực hiện một cách công khai, tức là không có ý thực che dấu hành vi của mình với chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản và những người khác.
Đây cũng là một đặc trưng để phân biệt với những trường hợp phạm tội khác như: hành vi trộm cắp, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản không có tính công khai, trắng trợn.
Hành vi chiếm đoạt ở tội cướp giật tài sản có 2 dấu hiệu bắt buộc để phân biệt với những hành vi chiếm đoạt ở các tội phạm khác là “công khai” và “nhanh chóng tẩu thoát”.
"Để thực hiện hành vi cướp giật tài sản, người phạm tội có thể sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau như: lợi dụng chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản vướng mắc, không để ý, không có khả năng đuổi bắt hoặc giành giật lại tài sản để chiếm đoạt tài sản như: giả vờ vào Salon ô tô xem xe, lợi dụng người bán hàng không để ý đã nổ máy xe rồi bỏ chạy; hoặc trường hợp chủ sở hữu đưa điện thoại cho đối tượng xem nhờ chỉ dẫn và đối tượng đã cầm điện thoạt bỏ chạy...
Tội phạm hoàn thành kể từ khi người phạm tội giật được tài sản từ người khác, kể cả trường hợp người phạm tội bỏ lại tài sản đã cướp giật được để tẩu thoát", luật sư Thơm khẳng định.
Cũng theo luật sư Thơm, người phạm tội thực hiện hành vi một cách nhanh chóng với mong muốn chủ tài sản không kịp phản ứng và ngăn cản việc chiếm đoạt, và do vậy họ không có khả năng bảo vệ tài sản.
"Xét hành vi phạm tội của đối tượng đã được chủ cửa hàng đưa cho xem điện thoại iPhone 6plus đã lợi dụng sự lơ là, không để ý bỏ chạy để chiếm đoạt đã cấu thành tội cướp giật tài sản. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Khoản 1 Điều 136 BLHS. Điều 136", luật sư Thơm nói.
Tội cướp giật tài sản 1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm; đ) Hành hung để tẩu thoát; e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%; g) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; h) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng |
Khánh Công
Ý kiến bạn đọc