(VnMedia) - Hà Nội đề xuất xây dựng khu đô thị hai bên trục đường Nhật Tân - Nội Bài với tổng mức đầu tư ước tính khoảng 500.000 tỷ đồng, trong đó riêng tiền GPMB và xây dựng hạ tầng là 33.000 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý về chủ trương...
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nghe báo cáo về dự án khu đô thị hai bên trục đường Nhật Tân - Nội Bài |
Xây khu đô thị 500.000 tỷ
Sáng 5/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với TP Hà Nội về quy hoạch, cơ chế đầu tư trục Nhật Tân- Nội Bài.
Báo cáo Thủ tướng, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo cho biết, tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài có vị trí đặc biệt quan trọng, cùng với cầu Nhật Tân tạo nên kết nối giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội và Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Hiện Thành phố Hà Nội đã lập quy hoạch chi tiết phát triển đô thị hai bên tuyến đường theo hướng đồng bộ, hiện đại. Việc tổ chức đầu tư thực hiện quy hoạch hoàn thành sẽ tạo nên điểm nhấn cho không gian, kiến trúc khu vực cửa ngõ Thủ đô, tạo động lực thúc đẩy phát triển đô thị khu vực Bắc Sông Hồng và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Theo đề xuất của Hà Nội về cơ chế đặc thù đầu tư phát triển đô thị hai bên đường Nhật Tân – Nội Bài, có hai phương án, một là toàn bộ khu vực phát triển đô thị được xác định là 1 dự án tổng thể phát triển đô thị và do một chủ đầu tư xây dựng và quản lý đồng bộ.
Theo phân tích của Hà Nội, phương án này có ưu điểm là việc triển khai quản lý dự án do một nhà đầu tư chủ trì thực hiện, việc triển khai dự án sẽ được thực hiện đồng bộ theo tiến độ chung của dự án và quy hoạch chi tiết được duyệt. Ngoài ra, việc quản lý của cơ quan nhà nước đối với khu vực và đối với 1 nhà đầu tư sẽ thuận lợi hơn.
Cùng với đó, Thành phố cho rằng, với phương án này, việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật có thể áp dụng cơ chế nhà đầu tư ứng trước và thực hiện theo phân kỳ đầu tư, do đó sẽ giảm gánh nặng về cân đối nguồn vốn Ngân sách đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng.
Tuy nhiên, phương án này có hạn chế là quy mô dự án lớn (khoảng 2000ha và tổng mức đầu tư ước tính khoảng 500.000 tỷ đồng), vì vậy việc xác định được nhà đầu tư có đủ năng lực, nhất là năng lực về tài chính sẽ khó khăn. Số lượng nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu ít, tính cạnh tranh trong việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ hạn chế.
Ngoài ra, việc triển khai dự án phụ thuộc vào một nhà đầu tư, quá trình thực hiện dự án nếu nhà đầu tư gặp khó khăn, gặp rủi ro trong kinh doanh sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án phát triển khu đôi thị.
Phương án 2 được Thành phố đưa ra, đó là toàn bộ khu vực hai bên đường được phân chia thành 8 dự án thành phần, mỗi dự án thành phần do một chủ đầu tư xây dựng và quản lý.
Ngược lại với phương án 1, phương án này có ưu điểm là không phụ thuộc vào nhà đầu tư duy nhất của dự án; các dự án được phân chia ở quy mô đủ lớn, tính chất của các dự án theo chức năng chính trong các phân đoạn của sơ đồ tổ chức không gian theo quy hoạch chi tiết được duyệt. Số lượng nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu nhiều hơn, tính cạnh tranh trong việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ tốt hơn.
Tuy nhiên, phương án này cũng có hạn chế là việc quản lý của nhà nước, nhất là kết nối đồng bộ hạ tầng giữa các dự án thành phần sẽ khó khăn hon phương án 1. Vì vậy phải lập Ban quản lý trực thuộc Thành phố để quản lý đầu tư xây dựng khu vực phát triển đô thị.
Qua phân tích, UBND thành phố Hà Nội lựa chọn phương án 2 để đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ.
Về cơ chế đặc thù về đầu tư hạ tầng kỹ thuật khung của dự án “khủng” này, thành phố Hà Nội phân tích, nhu cầu vốn đầu tư cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung ước tính cần 22.200 tỷ, trong đó giai đoạn đến 2020 cần 11.200 tỷ, tuy nhiên khả năng nguồn vốn ngân sách chủ yếu có thể huy động từ nguồn thu từ giá trị quyền sử dụng đất từ các dự án phát triển đô thị để đầu tư kết cấu hạ tầng.
Theo số liệu ước tính, dự kiến số tiền sử dụng đất thu được khoảng 26.000 tỷ đồng và có thể cân đối đảm bảo nhu cầu vốn đầu tư cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung.
Căn cứ quy định của nhà nước, thực tiễn triển khai, khả năng nguồn vốn và các phương án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khung được Hà Nội đề xuất giao nhà đầu tư cá dự án thành phần phát triển đô thị ứng vốn để đầu tư và được khấu trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp.
Theo phân tích, phương án này có ưu điểm là tiến độ thực hiện nhanh, gắn trách nhiệm của các nhà đầu tư được giao các dự án phát triển đô thị trong việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật khung của toàn bộ khu vực và không phải cân đối ngân sách để đầu tư hạ tầng kỹ thuật khung trong khi chưa thu được tiền sử dụng đất.
Tuy nhiên, phương án này cũng có nhược điểm là đòi hỏi nhà đầu tư phải có khả năng về nguồn vốn. Việc quản lý, giám sát nhà đầu tư thực hiện dự án hạ tầng kỹ thuật khung gặp khó khăn, phức tạp hơn.
Về cơ chế bồi thường, giải phóng mặt bằng, Hà Nội đề xuất thực hiện theo phương thức nhà nước thực hiện thu hồi và giải phóng mặt bằng sau khi đã lựa chọn được Nhà đầu tư và kinh phí giải phóng mặt bằng do Nhà đầu tư ứng, sẽ được hoàn trả hoặc trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp.
Đặc biệt, để thực hiện cải cách hành chính, rút ngắn thời gian các thủ tục để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình triển khai, lãnh đạo Thành phố đề xuất với Thủ tướng Chính phủ ủy quyền toàn bộ cho UBND Thành phố trong việc thẩm định, phê duyệt và chấp thuận đầu tư đối với các dự án thành phần phát triển đô thị có quy mô từ 20ha đến dưới 100ha và từ 100ha trở lên không phải xin ý kiến Bộ Xây dựng.
Đối với các dự án hạ tầng khung, Thành phố cũng đề nghị Thủ tướng ủy quyền cho Chủ tịch UBND thành phố thực hiện.
Ngoài ra, Hà Nội cũng đề nghị được thành lập Ban chỉ đạo thực hiện khu vực phát triển đô thị, do Chủ tịch UBND Thành phố làm trưởng ban.
Cả Chính phủ và Hà Nội cùng quyết tâm
Trước đề xuất của Hà Nội, tại cuộc họp ngày 5/3, nhiều ý kiến đã đồng ý với phương án đấu thầu hạn chế hoặc chỉ định thầu. Việc thu hồi đất tạo mặt bằng hai bên trục đường phải do nhà nước thực hiện, không thể giao cho doanh nghiệp bởi mức độ rủi ro cao.
Với số tiền xây dựng hạ tầng là 22.000 tỷ, GPMB là 11.000 tỷ, cộng lại là 33.000 tỷ, nguồn vốn này nếu chia đều cho thời hạn 5 năm thì có thể xây dựng cơ chế để thực hiện.
Cho ý kiến chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, đây là một đồ án quy hoạch chứ không phải là một dự án đầu tư. Chính phủ đồng ý về chủ trương, về nguyên tắc phát triển khu đô thị này, đề nghị Hà Nội tiếp thu ý kiến đóng góp của các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, các đại biểu và có thể lấy ý kiến thêm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể để hoàn thiện quy hoạch, phê duyệt quy hoạch theo thẩm quyền và đặc biệt phải quản lý cho tốt để sau 15 hoặc 20 năm nữa, khu đô thị Bắc Hà Nội trở thành đô thị văn minh, hiện đại, xứng tầm với Thủ đô.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý giao TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch theo thẩm quyền khu đô thị 2 bên đường Nhật Tân - Nội Bài, để trong tương lai, Hà Nội có một khu đô thị bắc sông Hồng văn minh, hiện đại.
“Trách nhiệm của Chính phủ cùng các Bộ, ngành chức năng và Hà Nội là phải tính cho ra được nguồn vốn dự kiến phục vụ giải phóng mặt bằng khoảng 11 nghìn tỷ; tiếp đó tiến tới xây dựng hạ tầng theo nguyên tắc đa dạng nguồn vốn…” – Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, về nguyên tắc, giá đất là giá thị trường nhưng phải linh hoạt, tùy dự án. Chẳng hạn khu trung tâm nông nghiệp thì không thể tính giá thị trường mà phải tính theo mục đích sử dụng để kêu gọi được đầu tư. Về tổ chức thực hiện phải có Ban quản lý khu đô thị này, còn Ban chỉ đạo thì phải cân nhắc thêm.
“Cả Chính phủ, Hà Nội cùng quyết tâm thực hiện bằng được Khu đô thị này”. Thủ tướng khẳng định và cho biết, trong dự án này, nhà nước sẽ đứng ra thu hồi đất, thực hiện tốt chính sách đền bù, tái định cư, với tinh thần là tái định cư tại chỗ.
Ý kiến bạn đọc