(VnMedia) - Sáng nay (21/11), bên lề Quốc hội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã trao đổi với báo chí những thông tin xung quanh thiệt hại của do cơn bão số 15 gây ra cũng như thực tế về việc xả lũ tại các thủy điện khi ông vừa trực tiếp đi thị sát từ miền Trung trở về.
- Xin Phó Thủ tướng cho biết đánh giá tổng quát đợt kiểm tra tình hình mưa lũ ở miền Trung sau cơn bão số 15?
Bão số 15 vào gần bờ chuyển thành áp thấp nhiệt đới gây ra mưa lớn. Từ ngày 13/11, Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia đã cảnh báo mưa to đến rất to, ảnh hưởng đến các tỉnh miền Trung từ Huế đến Phú Yên. Mưa lớn từ 400 - 600mm và có những nơi cực đoan như ở tỉnh Quảng Ngãi, lượng mưa đo được lên đến 900mm. Đặc thù đợt bão này là mưa trên diện rộng và cường độ mưa tập trung, nên một số con sông đã vượt mức lũ lịch sử (từ 1999 đến 2009). Mưa lũ đối với một số địa phương, đặc biệt là các ngày 15, 16/11 vào thời gian triều cường nên nước không thoát được, làm mức ngập cao hơn dẫn đến một số nơi như Bình Định, Quảng Ngãi ngập sâu từ 6-8 mét.
Ngập như vậy cũng được coi là lịch sử, bởi bà con ở những nơi này nói, lũ năm 1999 và 2009 không ngập đến mức như vậy. Đặc điểm khác là đợt mưa bão lần này gây ra mưa lớn và ngập trên miền núi. Thường thì ngập dưới hạ du, rồi mới ngập ở vùng cao, nhưng vì mưa lớn trong thời gian ngắn nên các huyện miền núi ngập rất lớn. Một số huyện miền núi của các tỉnh Bình Định, Phú Yên như Sông Cầu, Đồng Xuân… ngập rất lớn.
Khi mưa trên miền núi, nước dồn về hạ du rồi lại tiếp tục mưa nên càng chồng thêm nước vào vùng hạ du. Mưa từ miền núi lan xuống đồng bằng nên lượng nước lớn hơn, làm cho nước dồn về rất siết và đặc biệt vào đêm 15 và 16/11, gây khó khăn cho công tác sơ tán dân vùng lũ. Bởi lẽ, đêm hôm như vậy, cộng thêm mưa lớn thì ra ngoài còn nguy hiểm hơn ở trong nhà. Do vậy, các phương tiện cứu hộ, cứu nạn và các lực lượng quân đội như Quân khu 5 rất vất vả.
Thực hiện được việc sơ tán dân và bảo đảm an toàn cho dân trong cơn lũ vừa qua là nỗ lực lớn của các địa phương và của nhân dân, đặc biệt là quân đội như Quân khu 5, Quân đoàn 3 đã dàn quân để giúp dân chống lũ, hạn chế thiệt hại. Tuy nhiên, thiệt hại do lũ vẫn rất lớn và cho đến nay đã có 43 người chết, 4 người mất tích, gần 70 người bị thương và trên 400 căn nhà bị sập, hàng trăm nghìn căn nhà bị ngập trong nước, gần 400 nghìn gia cầm và trên 30 nghìn gia súc bị chết. Ngoài ra, diện tích hoa màu bị ngập rất lớn.
Về nguyên nhân, qua đánh giá như vậy cho thấy các địa phương đối phó với lũ rất tốt. Lãnh đạo các địa phương đã bố trí đi các huyện, xuống các xã để kiểm tra, nắm tình hình. Miền Trung rất có kinh nghiệm trong lĩnh vực chống bão lũ, bởi nếu không bố trí trước lực lượng, thì mưa về không có cách gì để ứng cứu nhau vì bị chia cắt. Kể cả những phương tiện cứu hộ, cứu nạn với dòng nước lũ chảy siết thì không phù hợp.
Về đánh giá các hồ chứa, các địa phương có hồ chứa lớn như Bình Định (160 hồ chứa), Quảng Ngãi (120 hồ), Đà Nẵng (hơn 70 hồ) cho thấy các tỉnh, địa phương đều rà soát các hồ chứa trước khi mưa lũ về. Các hồ chứa yếu đều được tách ra và không tích nước. Do vậy, đợt này mưa rất lớn so với những lần trước, nhưng hiện tượng vỡ hồ chứa không xảy ra. Tôi cho đây là điều đáng mừng, do cách ứng phó của các địa phương tốt. Thứ hai là các địa phưong đã bám sát được các hồ thủy lợi lớn như hồ Phú Ninh (Quảng
Khi kiểm tra, tôi thấy các địa phương cũng như Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT đều nắm vững về lượng xả lũ và điều hành của các hồ chứa. Theo tôi biết, đến nay chưa có báo cáo nào nói rằng có hồ nào đó xả lũ sai quy trình và các địa phương có hồ chứa đều khẳng định như vậy. Trường hợp của An Khê tôi không đi, nhưng nghe các đồng chí trên đó báo cáo, thấy rằng thông báo của chủ hồ cho địa phương đều có đầy đủ, nhưng vấn đề này phải kiểm tra lại.
Từ trước đến nay, nước ta đã đầu tư xây dựng được 7.000 hồ chứa, vì chúng ta cần hồ chứa. Giờ cũng cần rất nhiều hồ chứa và tiếp tục phải đầu tư mới bảo đảm được cân bằng nước, bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt, đời sống, sản xuất. Tuy nhiên, khi sống chung với hồ chứa thì phải sống với nó một cách an toàn. Muốn như vậy phải quản lý chặt, vì hồ chứa xây trên cao và nếu xây trên cao cũng có thể tưởng tượng nó như một quả bom, và khi quản lý không tốt, để vỡ ra thì nguy hiểm vô cùng. Chính phủ nhiều lần nêu rõ trong các cuộc họp, chỉ cần một hồ chứa thủy lợi nhỏ, khoảng 20 nghìn khổi mà vỡ ra, đã đủ gây thiệt hại không chỉ về con người và hoa màu… Cho nên, phải quản lý chặt các hồ chứa.
Việc các hồ chứa xả lũ đúng quy trình và có tham gia cắt được lũ trong thời gian vừa qua là tốt. Ở đây có vai trò tích cực của các địa phương. Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão ở các địa phương thường xuyên phải nằm tại địa bàn. Do vậy, cần phải đầu tư để các địa phương bám sát hơn nữa các địa bàn có hồ chứa. Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương trước đây làm sao theo dõi được hết các hồ, chủ yếu tập trung vào các hồ lớn. Giờ đây, đã đưa được các thông số phòng chống lụt bão về tới Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương ở Hà Nội. Các địa phương có hồ chứa phải làm được những việc như thế, ngoài các hệ thống thông tin, báo cáo… thông qua fax, điện thoại, thì tất cả những thông tin ấy đều phải được đưa tới Trung tâm chỉ huy là hết sức quan trọng.
Nếu quản lý hồ chứa không khoa học, để lũ quá một tý là hồ vỡ, nưng điều hành theo cực đoan khác, sẽ không có nước dùng. Do vậy, đây là vấn đề cần phải khoa học và phải hoàn chỉnh dần. Qua cơn bão số 15 cho thấy, miền Trung có đặc thù địa hình dốc, ngắn, nên mưa lũ xuống tạo dòng nước chảy rất siết và nhanh. Đặc thù là ngập nhanh và rút nhanh. Chính vì thế, các hồ chứa không thể thiết kế được diện tích phòng lũ lớn như các hồ ở miền Bắc và miền Nam, chưa nói các hồ chứa này lại kết hợp với thủy điện, bắt buộc phải tính toán theo hiệu quả kinh tế, nên dung tích phòng lũ không lớn. Thậm chí các hồ chứa ở các miền Bắc lớn như Hòa Bình, Sơn La, trước mùa lũ đều được điều chỉnh lượng nước, đưa về mức phòng lũ. Khi lũ về thì cắt lũ và đến hết năng lực phòng lũ thì bắt xả.
Theo tôi, việc xả lũ là bình thường bởi mưa xối xuống lưu vực, nước chứa đầy hồ đương nhiên phải xả, bởi không chảy xuống lưu vực thì nước đi đâu? Không lẽ chảy ngược lên trời? Vấn đề là phải xả đúng, nếu xả lũ sai quy trình chỉ làm nghiêm trọng hơn cho tình hình hạ du. Khi xả sai thì lũ chồng lũ bởi không điều tiết chính xác mức nước hồ chứa để xả cao hơn cả đỉnh lũ để đảm bảo an toàn hồ chứa. Đây chính là vấn đề cần phải kiểm soát chặt. Chính phủ vẫn yêu cầu các Bộ Công thương và NN&PTNT cùng các địa phương phải theo dõi chặt chẽ và nếu các hồ không thực hiện đúng quy trình xả lũ, chủ quan, không phân công trực khi mưa lũ và không có những mệnh lệnh chính xác thì có thể xảy ra tại họa khôn lường. Những trường hợp đó phải kiểm tra và xử lý nghiêm thì những người vận hành và khai thác các hồ chứa mới thực hiện hết trách nhiệm của họ với vùng hạ du. Bởi phía hạ du còn bao nhiêu người hứng chịu.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 21/11 |
- Vậy có thể rút ra kinh nghiệm gì qua đợt lũ này, thưa Phó Thủ tướng?
Một là, rút kinh nghiệm ở hệ thống quan trắc. Để điều tiết chính xác hồ chứa và phát huy hết năng lực chống lũ của nó thì số liệu dự báo phải rất chính xác và chỉ được sai số thấp nhất. Khi chúng ta phải hứng chịu biến đổi khí hậu, có tình trạng mưa cục bộ, mưa cực đoan và thế giới cung phải công nhận dự báo thời tiết thì dự báo mưa là khó nhất. Trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, Chính phủ đã chỉ đạo đầu tư tăng dầy những Trạm Quan trắc. Sau vụ mưa lũ ở huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên (2009), mới thấy hệ thống quan trắc không phát huy hết tác dụng. Khi đó dự báo mưa rải rác không lớn, nhưng thực tế ở huyện miền Núi Đồng Xuân nước ngập lên tận nóc nhà, chứng tỏ mưa cục bộ lúc đó cỡ 1.000 mm, chứ không thấp như ở số liệu quan trắc. Chính vì vậy, tiếp tục đầu tư hệ thống quan trắc là điều kiện quan trọng, để đảm bảo phát huy hết năng lực chống lũ của các hồ chứa.
Qua kiểm tra ở các địa phương đều có sơ đồ quá trình lũ của từng hồ, từ lúc lũ về cho đến mức nước ra sao và xả lũ như thế nào… đều được vẽ biểu đồ quá trình lũ và trên cơ sở đó đánh giá được hiệu quả của việc cắt lũ. Các hồ mặc dù vận hành đúng quy trình, nhưng hiệu quả cắt lũ chưa cao. Do đặc điểm địa hình dung tích cắt lũ không lớn, nên không cắt lũ nhiều được. Khi cắt lũ thì quan trọng nhất là dự báo chính xác đỉnh lũ về lúc nào vì quan trọng phải cắt lũ đúng đỉnh, nếu không hiệu quả sẽ thấp mặc dù không làm trầm trọng thêm hạ du, nhưng không phát huy được hết năng lực lũ.
Hai là, tiếp tục theo dõi việc thực hiện các hồ chứa để thấy những bất hợp lý và điều chỉnh. Vì không có quy trình nào được coi là bất di bất dịch.
Ba là, vấn đề thông tin mưa lũ rất quan trọng. Tôi đi kiểm tra xuống tận xã và biết người dân được thông báo đã đi sơ tán bởi khi lũ về chỉ một lúc là nước dâng trên cả đầu người. Người dân sau khi có thông báo đã tự giác sơ tán. Miền Trung người dân tự giác tránh lũ hơn và họ sơ tán ngay. Tuy vậy, vẫn có nơi người dân nói không biết có lũ, nhưng địa phương lại vẫn nói đã thông báo đầy đủ. Tôi vào mấy nhà dân bị sập vào ban đêm, hỏi được biết đồng bào chạy ra ngoài rồi, hoặc lúc đó lên ủy ban ngồi. Tôi đã giao cho các Bộ chức năng và ủy ban các địa phương kiểm tra xem thông tin có vấn đề gì không? Hiện nay Chính phủ giao cho Bộ NN&PTNT phải kiểm soát được luồng thông tin từ lãnh đạo, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và từ các hồ đập. Phải hoàn thiện hệ thống thông tin về mưa bão lũ.
- Nếu nói thông tin đã truyền đạt đến người dân, nhưng tại sao số người chết vẫn nhiều, thưa Phó Thủ tướng?
Khi phân tích các trường hợp chết, tôi yêu cầu các địa phương làm rõ và biết những vùng ngập sâu, lũ nặng lại không chết nhiều bằng những vùng ngập ít hơn, lũ nhẹ hơn. Chết sau lũ lại nhiều hơn vì khi lũ xuống, người dân đi làm đồng, nhặt cá, tôm, giúp đỡ nhau như có trường hợp tôi đến thăm nói ông ngoại gọi, con gái dắt cháu nhỏ sang giúp bố qua cánh đồng bị nước siết cuốn đi. Có nhiều trường hợp chết rất đáng tiếc.
Từ đó phải tăng cường tuyên truyền chống bão lũ và tăng cường công tác cộng đồng, đầu tư vào các hệ thống cơ sở hạ tầng. Vì rất nhiều đường cấp huyện, quốc lộ chưa bảo đảm yêu cầu chống lũ. Đồng bào sơ tán chậm là không kịp đi vì ngập. Phải đầu tư những con đường cứu nạn, cứu hộ chống bão lũ. Cần điều chỉnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng, tránh tạo thành vật cản dòng lũ vì như vậy dòng lũ sẽ tìm đường mới để đi và đánh vào các vùng dân cư đang ổn định, trước đây chưa từng bị lũ. Tại Quảng Ngãi và Bình Định đã xảy ra vấn đề này. Chúng ta đang ở thời kỳ biến đổi khí hậu, nên những tính toán thoát lũ trước đây không còn phù hợp nữa, cần thay đổi. Phải đánh giá đúng tình hình mưa lũ để sơ tán dân cho phù hợp.
Thủ tướng đã yêu cầu Bộ NN&PTNT đánh giá tình hình bão lũ ở Philippin vừa qua để có những đối phó phù hợp chống bão ở nước ta.
- Theo Phó Thủ tướng, vai trò của các hồ chứa thủy điện có phải là nguyên nhân tác động đến bão lũ không?
Các Thủy điện đều vận hành đúng quy trình, các địa phương đều đánh giá như vậy.
- Với những công trình thủy điện không hợp lý, có nên đình chỉ không, thưa Phó Thủ tướng?
Phải rà soát và đình chỉ các công trình không hợp lý. Ban hành các quy trình liên hồ chứa mùa lũ và mùa cạn. Phải đặt ra các giải pháp và các thủy điện phải bảo đảm môi trường, cung cấp nước. Chính phủ sẽ chỉ đạo xử lý những thông số tài chính liên quan vì phải đặt mục tiêu bền vững lên trên hết. Không vì lợi ích tài chính mà để ảnh hưởng đến hạ du, sẽ không phát triển bền vững.
- Phó Thủ tướng đánh giá như thế nào về vấn đề quy hoạch các thủy điện?
Chính phủ chịu trách nhiệm đầu tiên và Chính phủ đã rà soát, loại bỏ hơn 400 dự án thủy điện. Chính phủ sẽ đánh giá từ các nhà tư vấn, trước hết phải xem nhà tư vấn nào làm chất lượng thấp và loại. Năng lực của các địa phương như thế nào và cơ quan quản lý Nhà nước cấp bộ như Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp…
Thủ tướng quy định không phân cấp phê duyệt các dự án thủy điện. Thủ tướng trực tiếp phê duyệt các dự án hạng A. Trước đây, Thủ tướng chỉ phê duyệt hạng Quan trọng quốc gia (Hạng A hoa), nhưng giờ Thủ tướng sẽ duyệt và thành lập Hội đồng để đánh giá và phê duyệt. Hạng B, C cũng vậy, việc đó sẽ phải làm kỹ hơn và các dự án còn lại vẫn phải rà soát, thấy chưa được, không cần thiết thì phải dừng.
- Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!
Ý kiến bạn đọc