(VnMedia) - Triển lãm ảnh “Nước - Năng lượng - Cuộc sống” của tác giả Phạm Hoài Thanh sẽ được khai mạc vào lúc 16 giờ ngày 21/11 và kéo dài đến hết ngày 25/11, tại Nhà Triển lãm, 29 Hàng Bài, Hà Nội.
Triển lãm là những ghi chép dựa trên Nghiên cứu “Quy trình ra quyết định liên quan đến thủy điện” do Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Tài nguyên Nước thực hiện nhằm góp phần vào hoàn thiện quy trình ra quyết định và thực hiện các quy trình đó một cách bền vững, giảm thiểu tác động không đáng có.
Những ghi chép này được thực hiện trên địa bàn tỉnh Kon Tum, là một trong những tỉnh có mật độ thủy điện cao ở Việt Nam. Trong một thời gian hạn chế, các ghi chép này mới chỉ thể hiện được một phần nào kết quả nghiên cứu đã chỉ ra, đồng thời chỉ phản ánh góc nhìn định tính của tác giả Phạm Hoài Thanh.
Tác giả của bộ ảnh gửi muốn gửi đến người xem những quan sát cá nhân với hy vọng sẽ đóng góp tích cực vào quá trình phát triển thủy điện hiệu quả, bền vững cho sự nghiệp phát triển hài hoà của đất nước và giảm thiểu các tác động không mong đợi.
Những ngày này, khi miền Trung đang vật lộn với lũ dữ, trong đó có một phần nguyên nhân từ sự phát triển tràn lan của thủy điện; khi các đại biểu Quốc hội đang gay gắt chất vấn các thành viên Chính phủ về tác động xấu của thủy điện, của sự phá rừng thì những bức ảnh do nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Thanh trưng bày chắc chắn sẽ khiến người xem phải suy nghĩ.
Nhân sự kiện này, PGS.TS Lê Anh Tuấn – Viện phó Viện Biến đổi khí hậu khoa Môi trường, Đại học Cần Thơ chia sẻ: "Thủy điện có thể đem lại nhiều lợi nhuận cho nhà đầu tư nhưng lại gây ra những tổn thất cho nhiều đối tượng khác. Nguồn nước phải được phân bổ theo nguyên tắc chia sẻ lợi ích và chia sẻ rủi ro, kể cả việc buộc thủy điện phải dùng một phần lợi nhuận để bù đắp các ảnh hưởng xấu mà nó gây ra cho những người khác".
Tuệ Khanh
Ý kiến bạn đọc