Tin nhắn rác, game độc hại sẽ bị đẩy lùi

11:39, 21/11/2013
|

(VnMedia) - Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với bộ ngành, địa phương, cơ quan báo chí... để từng bước đẩy lùi hiện tượng tiêu cực trong lĩnh vực game, thư rác, thông tin rác …. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cam kết trong phiên chất vấn sáng nay (21/11) .


Ảnh minh họa

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son trả lời chất vấn Quốc hội


Trong phần chất vấn sáng nay, các đại biểu tiếp tục quan tâm đến việc những thông tin độc, tin sai sự thật, tin không có lợi, trò chơi trực tuyến trái phép… vẫn được đưa lên mạng Internet, có tác động xấu đến nhiều lĩnh vực, đến đạo đức xã hội…
 
Đại biểu Huỳnh Thành nhận xét, quá trình phát triển CNTT bên cạnh sự đem lại lợi ích to lớn thì những tiêu cực, trong đó có trò chơi trực tuyến gây tiêu tốn tiền bạc và sa sút trí tuệ đối với trẻ em, xảy ra những câu chuyện đau lòng… ,
 
Đồng ý kiến với đại biểu Huỳnh Thành, đại biểu Nguyễn Hữu Hùng cũng đề nghị Bộ trưởng cho biết những biện pháp đột phá để bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên... khỏi tác động tiêu cực của internet.
 
Đại biểu Bùi Chí Dũng cũng phân tích, truyền thông lâu nay góp phần rất lớn cho xã hội, người dân tiếp cận thông tin bổ ích. Tuy nhiên, cũng có những thông tin gây khó, gây thiệt hại cho sản xuất kinh doanh, tạo tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng…

Trước đó, chiều 20/11, đại biểu Lê Như Tiến và một số đại biểu đã chất vấn về công tác quy hoạch và quản lý các cơ quan báo chí cũng như trách nhiệm của báo chí trong việc cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng.
 
Trả lời các câu hỏi trên, Bộ trưởng cho biết, quy hoạch báo chí là một trong những nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước các cấp đối với lĩnh vực báo chí, đứng đầu là Chinh phủ. Bộ TT&TT được Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng quy hoạch này.
 
“Để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ thông tin của nhân dân thì báo chí ngoài việc tuyên truyền còn là một kênh cùng bộ VH, TT&DL cung cấp hưởng thụ về văn hóa cho người dân như phim truyền hình, văn nghệ… Ngoài ra, chúng ta còn có 6 triệu ngư dân sống bằng nghề biển, trong đó có khoảng 1 triệu người đang hàng ngày hàng giờ sống trên mặt biển nên việc tuyên truyền phòng chống lụt bão qua hệ thống báo chí rất quan trọng…
 
“Để thực hiện nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn, nên thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi đã triển khai quy hoạch sắp xếp lại để cho báo chí vẫn đủ về số lượng nhưng đặc biệt là nâng cao chất lượng. Về báo in, sắp xếp theo mô hình một cơ quan có nhiều sản phẩm báo in… đến năm 2020, các cơ quan báo chí phải tự hạch toán, nhà nước chỉ đặt hàng, hỗ trợ với những ấn phẩm để phục vụ cho vùng sâu vùng xa, những yêu cầu thiết yếu của Đảng và Nhà nước.
 
Truyền  hình thì phải theo hướng hiện đại, tự xắp sếp chương trình của mình, tối thiểu phải 50% tự sản xuất, hạn chế lấy lại của truyền hình nước ngoài. Báo điện tử sẽ trở thành một trong những loại hình chủ lực của truyền thông đa phương tiện sắp tới. Với tinh thần đó, hiện nay chúng tôi đã thực hiện xong quy hoạch báo chí trình Thủ tướng Chính phủ…” Bộ trưởng nêu rõ.
 
Về ý kiến của đại biểu Lê Như Tiến liên quan đến sửa đổi điều 7 Luật báo chí - điều về trách nhiệm cung cấp thông tin của báo chí, của nhà báo đối với các cơ quan chức năng, Bộ trưởng giải thích: trong điều 7 đã ghi rất rõ, trong điều kiện của mình, các cơ quan tổ chức phải có trách nhiệm và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí, để báo chí thông tin một cách chính xác, kịp thời và chịu trách nhiệm trước nguồn tin đó. Các vụ án, vụ việc trong quá trình điều tra thì cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng không có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí, nhưng báo chí có quyền đưa những thông tin mà mình có và chịu trách nhiệm trước nguồn tin đó. Báo chí cũng có quyền, nghĩa vụ không tiết lộ thông tin về người cung cấp thông tin cho mình, chỉ cung cấp cho Viện trưởng Viện KSND cấp tỉnh cũng như tòa án nhân dân cấp tỉnh trở lên đối với những vụ việc nghiêm trọng cần phải được cung cấp thông tin.
 
“Đến giờ phút này, chúng ta chưa có thể nói được điều gì về việc có sửa đổi Luật Báo chí nói chung cũng như Điều 7 nói riêng, bởi trong chương trình Xây dựng pháp luật khóa 13 chưa có chương trình sửa đổi Luật Báo chí. Tuy nhiên, trong thời gian tới, chắc sẽ phải sửa đổi vì Luật báo chí đã qua 24 năm rồi.” – Bộ trưởng cho biết thêm.
 
Liên quan đến vấn đề sim rác, Bộ trưởng cho biết, hạn chế tin nhắn rác, quảng cáo rác, thông tin độc hại thông qua hệ thống internet là một nhiệm vụ quan trọng mà Bộ cần phải xử lý.
 
Theo Bộ trưởng, Bộ TT&TT đã ra thông tư số 22 năm 2009, thông tư này đi vào cuộc sống nhưng kém hiệu quả, vì vậy, đến ngày 13/4/2012, Bộ tiếp tục ra thông tư 04 để chấn chỉnh và tăng hiệu quả quản lý nhà nước hơn về sim rác, có hiệu lực từ tháng 12/2012. Đó biện pháp hành chính. Còn biện pháp kinh tế, có thông tư số 14 ngày 12/10/2012 quản lý cước vào mạng. Theo đó, mỗi sim khi bán ra theo quy định không có tiền trong đó, như vậy 50 nghìn một sim chỉ có tiền cước hòa mạng và tiền sim, nếu muốn gọi điện phải có thẻ cào, muốn mua sim phải đăng ký danh tính, sau đó mua thẻ cào để nạp tiền vào mới gọi được. Như vậy, tránh tình trạng mua sim thay thẻ cào như trước
 
Dẫn chứng về hiệu quả của các văn bản trên, Bộ trưởng cho biết, thống kê tháng 12/2012 là 131 triệu thuê bao, sau 9 tháng triển khai 2 Nghị định và Thông tư trên, đến tháng 9 vừa qua thống kê lại còn 117 triệu thuê bao, giảm 14 triệu thuê bao.
 
“Tuy nhiên hiện nay vẫn còn sim rác trên thị trường, là những sim cũ mà không khai báo thông tin cá nhân, hoặc do một số nhà mạng, đại lý không thực hiện nghiêm chỉnh Thông tư 14. Trong đợt thanh tra vừa rồi của các sở địa phương và cơ quan công an các cấp đã thanh tra 29.264/48.420 điểm đăng ký thuê bao thông tin diện trả trước. phát hiện, thu hồi 28.815 sim thuê bao vi phạm quy định. Chúng tôi cũng đã xử phạt vi phạm hành chính của các cơ quan, nhà mạng và quản lý theo đúng quy định.” – Bộ trưởng cho biết.
 
Để giải quyết tình trạng tin nhắn rác, quảng cáo rác, Bộ trưởng đưa 4 giải pháp: tiếp tục thực hiện thanh tra kiểm tra, đánh giá kết quả các thông tư trên để quản lý sim rác tốt nhất, hạn chế việc dùng sim rác gây hại cho xã hội; Đề nghị các địa phương quản lý các thuê bao, đại lý, nhà mạng động trên địa phương, quản lý các đại lý, đặc biệt là đại lý ủy quyền, là những đại lý không thực hiện nghiêm túc; tiếp tục chấn chỉnh các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thương mại ra thị trường; đẩy mạnh công tác truyền thông xã hội để mọi người dân thực hiện mua sim theo đúng quy định.
 
Với câu hỏi về trò chơi trực tuyến, Bộ trưởng cho rằng, không phải tất cả game đều có hại, mà nhiều game thực sự vừa có tính giải trí, vừa tuyên truyền lịch sử văn hóa, kích thích sử dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy phát triển băng thông rộng... Tuy nhiên, game cũng có tác hại về đạo đức xã hội.
 
Theo Bộ trưởng, Thông tư liên tịch 60 đã đi vào cuộc sống, từng bước đưa quản lý game vào quy định.
 
“Những game được cấp phép (hiện nay còn 82 game) thì nội dung hoạt động rất tốt, nhưng có hàng trăm game nhập lậu. Vì thị trường game phát triển mạnh mẽ nhưng game trong nước thời gian qua dừng cấp phép trong khi nhu cầu chơi game vẫn còn khiến người dùng doawnload trên mạng nước ngoài vào. Vì vậy, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sắp tới chúng tôi sẽ xem xét cấp phép lại, nhưng phải làm sao đảm bảo quản lý được.” – Bộ trưởng cho biết.
 
Để quản lý chặt chẽ trò chơi trực tuyến, Bộ trưởng cho biết, trước khi cấp phép lại, cơ quan chức năng đã thành lập Hội đồng game gồm Bộ TT&TT, Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch, Bộ Công an và Bộ GD&ĐT, Viện Văn hóa văn Nghệ, viện Xã hội học, Viện Sử học… Ngoài ra, Nghị định 72 có 8 điều quản lý game, trong đó có những chế tài về quản lý game.
 
“Trong thời gian tới, về tiêu cực trong lĩnh vực game, thư rác, thông tin rác … Bộ sẽ phối hợp với bộ ngành, địa phương, cơ quan báo chí... để từng bước đẩy lùi. Đây là thách thức lớn, giải pháp của chúng tôi là sẽ tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật, tiếp tục xây dựng bổ sung, trong đó có dự án Luật an toàn thông tin và các văn bản khác, để phủ kín hành lang pháp lý. Tiếp tục tuyên truyền cho người dân để tự đề kháng với những thông tin sai trái. Tuyên truyền cho lực lượng thông tin trong nước, nhà báo cần đấu tranh không đưa thông tin sai trái;các cấp chính quyền, người dân, nhà trường, gia đình, đều phải vào cuộc để chống những hiện tượng sai trái. Chúng tôi tin tưởng, những hạn chế đó sẽ từng bước đẩy lùi.” – Bộ trưởng tin tưởng nói.
 
Liên quan đến câu hỏi về việc 3 nhà mạng cùng tăng giá cước 3G, Bộ trưởng cho biết, nếu có hiện tượng 3 nhà mạng cùng bắt tay để tăng giá thì đó là vi phạm luật. Tuy nhiên, nếu vô tình mà 3 nhà mạng cùng tăng vào một thời điểm, nhưng với những lý do về thị trường như Bộ trưởng đã nêu trong phiên chất vấn ngày 20, với mức tăng giảm theo từng gói dịch vụ khác nhau, số lượng tăng giảm tuyệt đối cũng khác nhau… thì không vi phạm.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc