(VnMedia) - Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về việc tăng giá cước 3G, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son giải thích: tăng giá cước 3G không chỉ thu lại lợi nhuận mà còn tạo nên môi trường cạnh tranh lành mạnh của thị trường viễn thông Việt Nam.
Chiều 20/11, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã đăng đàn trả lời chất vấn về các vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước đối với thông tin báo chí, xuất bản, phát thanh truyền hình và những giải pháp thúc đẩy thị trường viễn thông.
Mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, trong các kỳ họp thứ 2, thứ 3, thứ 4, thứ 5 và kỳ họp này, Bộ TT&TT đã nhận được các câu hỏi chất vấn của đại biểu về những nội dung thuộc thẩm quyền trách nhiệm về quản lý nhà nước của Bộ trên các lĩnh vực Báo chí, Xuất bản, Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin. Với trách nhiệm của mình, Bộ đã kịp thời gửi các câu trả lời đến các vị đại biểu theo đúng quy định của Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son trả lời chất vấn Quốc hội chiều 20/11 |
An ninh mạng là vấn đề thách thức lớn
Là người đâu tiên nêu câu hỏi chất vấn, đại biểu Ngô Đức Mạnh đặc biệt quan tâm đến vấn đề an toàn, an ninh mạng, việc nghe lén đe dọa an ninh chủ quyền Quốc gia “Tôi xin được hỏi Bộ trưởng 2 vấn đề: Đánh giá của Bộ trưởng về an ninh, an toàn mạng ở Việt Nam và giải pháp của Bộ để bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng” – Đại biểu Mạnh đặt câu hỏi.
Trả lời câu chất vấn này, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng khẳng định tình hình an toàn thông tin nói chung và an ninh mạng nói riêng là một thách thức lớn của Việt Nam cũng như của các nước.
“Việt Nam là một trong những nước sử dụng công nghệ thông tin phát triển tương đối nhanh trong khu vực, chính vì vậy, việc an toàn thông tin, an toàn mạng là một thách thức với Việt Nam… Trong thời gian vừa qua, đã có rất nhiều nguy cơ như hệ thống mã độc của các nước khác tấn công vào hệ thống của chúng ta, có khi chiếm lĩnh mạng, chiếm lĩnh trang web, một là lấy thông tin, hai là điều khiển trang web của chúng ta trở thành những nơi cung cấp ngược trở lại những mã độc, thông tin sai trái đến các máy chủ khác… Ngay trong tháng 7 vừa qua, 3 báo điện tử của Việt Nam cũng bị tấn công từ chối dịch vụ.” – Bộ trưởng dẫn chứng.
Khẳng định sự tấn công của các lực lượng bên ngoài vào làm ảnh hưởng an ninh mạng của chúng ta trong thời gian vừa qua là rất nhiều, Bộ trưởng cho biết, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) đã tham gia vào cùng với CERT của quốc tế ứng cứu thành công.
Phân tích về nguyên nhân, Bộ trưởng cho biết, không phải tất cả những người sử dụng máy tính của Việt Nam đều có trình độ sử dụng máy tính thành thạo nên dễ bị nhiễm mã độc. Ngoài ra, các mật khẩu rất đơn giản, dễ bị bẻ khóa để các mã độc tấn công làm chủ máy và ăn cắp thông tin, điều khiển máy của chúng ta từ server nước ngoài.
“Người ta có thể không dùng tên lửa bắn vào quốc gia được, hay vào lò hạt nhân được, nhưng dùng mã độc tấn công có thể phá hủy được lò phản ứng hạt nhân của một nước. Mã độc rất nguy hại, các cuộc tấn công ảnh hưởng đến an ninh của thế giới, trong đó có an ninh của Việt Nam.” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Để phòng chống, theo Bộ trưởng, có nhiều giải pháp. Thứ nhất, Bộ TT&TT đã ra thông tư số 27 về quy định điều phối ứng cứu khẩn cấp và thực tế đã có tổ chức VNCERT ứng cứu khẩn cấp máy tính, liên thông và hợp tác với Quốc tế, thường xuyên ứng cứu khẩn cấp cho máy tính ở Việt Nam, tham gia ứng cứu khẩn cấp máy tính quốc tế.
Về việc đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo an ninh mạng, Bộ trưởng cho biết, Bộ TT&TT đã xây dựng đề án trình Chính phủ phê duyệt và hiện nay đã có khoa đào tạo an ninh thông tin mạng ở Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông. Ngoài ra còn có 5 đề án an toàn an ninh thông tin, trên cơ sở đó vận hành tốt hơn công nghệ thông tin phục vụ cho đất nước.
Bộ trưởng cũng khuyến cáo, các cơ quan cần báo cáo các cơ quan chức năng khi có sự cố khẩn cấp để khắc phục kịp thời. Ngoài ra, người dùng không nên tải những phần mềm có nguy cơ chứa chất hóa độc. Đối với trò chơi điện tử miễn phí cũng nên sử dụng các sản phẩm cấp phép, không nên sử dụng các trò chơi miễn phí trên mạng để phòng tránh an toàn an ninh thông tin trên mạng...
Năm 2015 sẽ triển khai mạng 4G
Trong phiên chất vấn, một số đại biểu đã quan tâm đến việc tăng giá cước 3G. Đại biểu Nguyễn Thanh Hải đặt câu hỏi: Trong thời gian gần đây, sự bùng nổ các dịch vụ OTT như viber, skype, facebook đã cung cấp cho người dùng các tiện ích như nhắn tin hay các dịch vụ gọi điện thoại nội địa, quốc tế miễn phí qua internet. Do số người dùng smarphone tăng nhanh, kết hợp với cước 3G trong thời gian qua hợp lý nên số người dùng tăng mạnh. Tuy nhiên xem xét vấn đề này ở một góc độ khác thì nhận thấy, nếu các dịch vụ OTT này càng mang lại lợi ích cho người dùng thì lại càng làm giảm doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông (Vietell 1500 tỷ, Mobifone 1000 tỷ và VNPT là 9-10% doanh thu). Xin hỏi, trước thực tế này, Bộ đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch hành động gì, thực hiện các giải pháp nào để bù đắp phần doanh thu bị giảm này và việc tăng giá cước 3G trong thời gian qua có phải là một trong những giải pháp?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói: Việc điều chỉnh cước 3G được dư luận xã hội rất quan tâm. Giá cước của ta từ khi phát triển đến nay không tăng. Thời gian qua tăng giá cước là chủ trương chung của nhà nước, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, phù hợp với các Nghị định ban hành, trong đó có luật giá, luật cạnh tranh…
Dịch vụ 3G khi ra đời có các giai đoạn tăng trưởng, bão hòa, suy thoái… nên phải giảm giá, rồi tăng giá dần lên, nhưng từ năm 2010 đến nay chưa tăng giá lần nào. Vì thế, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định 32, trong đó có nội dung từng bước nâng giá viễn thông để thị trường cạnh tranh lành mạnh. Thời gian qua, giá của ta thấp hơn giá thế giới nhiều lần.
“Tăng giá cước 3G là việc bình thường để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh. Mặt khác các nhà mạng đều thuộc nhà nước, nên sẽ góp phần đóng góp cho ngân sách nhà nước. Các thiết bị đều nhập từ nước ngoài, nhà mạng không thể thanh toán giá cao bán với giá thấp được. Chúng ta phải hết sức chia sẻ điều này.” – Bộ trưởng nói.
Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Hải về lộ trình triển khai mạng di động 4G, Bộ trưởng cho biết, 4G là công nghệ mới ra đời, nếu chúng ta đủ điều kiện sẽ tiếp cận. Nhưng hiện công nghệ này mới chỉ là tiền 4G. Thái Lan đã sử dụng 3G mới đây và đã chuẩn bị 4G vào 2015, nhưng mới chỉ là tiền 4G. Hiện chúng ta vẫn đang khảo sát.
“Theo quy hoạch viễn thông đến 2020, chúng ta từng bước áp dụng công nghệ mới vào Việt Nam. Đến 2015 chúng ta sẽ ứng ụng 4G vào Việt Nam. Bộ hiện đã cấp phép cho một số đơn vị ứng dụng sử dụng dịch vụ này” – Bộ trưởng khẳng định.
Thông tin cần được kiểm chứng
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Minh về việc thực hiện Nghị định 72 về quản lý Internet, trong đó có việc quản lý trên 300 mạng xã hội đang hoạt động và trên 60 báo điện tử, Bộ trưởng thừa nhận, thời gian qua có những hạn chế trong kiểm chứng thông tin; Nhiều tin chưa đầy đủ đã đưa lên mà chưa xác minh; Nhiều phần tử xấu lấy thông tin sai lệch. Nhiều trang mạng đưa hình ảnh sai trái, sai lệch gây mất đoàn kết, phá hoại nội bộ, nói xấu đến Đảng, nhà nước chúng ta…
“Để quản lý việc này, Bộ đã tham mưu và Chính phủ đã ban hành nghị định 97 vào năm 2008 trong việc quản lý internet. Sau một thời gian internet đã phát triển mạnh, việc ra đời nghị định 72 là để khắc phục những bất cập hiện nay. Nghị định còn có một chương riêng về an toàn thông tin. Theo đó, những trang thông tin điện tử tổng hợp trước đây đã cấp phép, còn các trang mạng xã hội bây giờ cũng phải đăng ký. Tuy nhiên, những người dùng blog đăng ký bên ngoài đang là một thách thức.” – Bộ trưởng chia sẻ.
Theo Bộ trưởng, trong chuyên trang mạng còn có một phần báo điện tử nhưng chưa có chế tài nên cần phải sửa đổi bổ sung trong Luật Báo chí.
“Để thực hiện tốt việc này, chúng ta phải thực hiện tốt việc cung cấp thông tin cho báo chí. Chính phủ đã ban hành về quy chế người phát ngôn, kịp thời cung cấp thông tin chính thống cho báo chí. Ngoài ra chúng ta cũng phải có kế hoạch phản bác những thông tin sai trái trên mạng, bảo vệ an ninh quốc gia. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tăng cường thanh kiểm tra các trang mạng. Nếu các trang mạng được cấp phép mà có vi phạm sẽ bị thu hồi giấy phép. Những trang thông tin cá nhân đưa tin chưa chính xác, thậm chí sai trái hoàn toàn thì khi phát hiện thông tin sai, địa phương phải thông tin lại cho các cơ quan chức năng. Ngoài ra, chúng ta phải giáo dục tuyên truyền để cộng đồng nêu cao ý thức, không vào những trang mạng có thông tin sai trái.” – Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khuyến cáo.
Nói về việc chắt lọc, lựa chọn thông tin khi đưa lên mặt báo, Bộ trưởng nói: "Khi có nhiều thông tin tốt thì sẽ có điều kiện đẩy lùi thông tin xấu ở trên các trang mạng, trên các trang báo của chúng ta. Khi lúa tốt thì không còn cỏ dại, khi ánh sáng tỏa khắp mọi nơi thì bóng tối không còn nữa... Khi đưa thông tin mặt trái thì phải phân tích và cảnh báo cho người dân, cho doanh nghiệp, cho các cơ quan đơn vị để phòng tránh chứ không phải đưa lên để làm ảnh hưởng đến dư luận xã hội, làm cho xã hội thành một màu u ám, gây hoang mang, nhất là đối với lớp trẻ… "
Ý kiến bạn đọc