(VnMedia) - Sáng nay (20/11), các đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình. Nhiều câu hỏi được tập trung vào vấn đề tăng biên chế, chất lượng đội ngũ công chức viên chức cũng như thi tuyển công chức.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 20/11 |
Biên chế tiếp tục tăng mạnh
Trong phiên chất vấn sáng nay, một vấn đề được đại biểu Hải Phòng Trần Ngọc Vinh đặc biệt quan tâm, đó là tình trạng tăng biên chế công chức trong khi Chính phủ đang kêu gọi tinh giản biên chế.
“Xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ Nội vụ về vấn đề số lượng công chức, viên chức không hề giảm mà thậm chí còn tăng. Thời gian tới Bộ có kế hoạch gì để tiếp tục tinh giản số lượng cán bộ, công chức, viên chức hay không?” – đại biểu Trần Ngọc Vinh đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Ngọc Vinh, Bộ trưởng khẳng định chính sách tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, nâng cao chất lượng cán bộ công chức viên chức để hoàn thành nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị là một trong những chủ trương lón của đảng, nhà nước đã thực hiện trong nhiều năm qua.
“Cụ thể, đã thực hiện Nghị quyết 16 năm 2000 của Chính phủ, Nghị quyết 09 thay thế Nghị quyết 16, Nghị định 132… trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu đội ngũ cán bộ công chức viên chức…” – Bộ trưởng nói.
Tuy nhiên, con số mà Bộ trưởng đưa ra về kết quả thực hiện tinh giản biên chế lại cho thấy, biên chế đang thực sự tăng mạnh trong thời gian qua.
Theo đó, biên chế năm 2007 là 238.668 người, 2012 là 274694, tăng 35.90034 người (tăng 15,09%.); Viên chức 2007 là 1.490.544 người, năm 2012 là 1.872.044, tăng 381.497 người (tăng 25,59%.)
Bộ trưởng khẳng định, cán bộ công chức năm 2013 và năm 2014 sẽ không tăng, còn viên chức thì Bộ Nội vụ phối hợp với các ngành, địa phương để cân đối.
Nguyên nhân tăng biên chế trong thời gian qua, theo người đứng đầu Bộ Nội vụ, chủ yếu cho các dơn vị mới thành lập, hoặc các đơn vị cũ được bổ sung vì chức năng nhiệm vụ, các đơn vị đã có nhưng cần một lực lượng đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được giao. Một số lĩnh vực tăng trong thời gian qua là môi trường, đất đai, biển và hải đảo, du lịch, ngoại vụ, dân số - kế hoạch hóa gai đình, quản lý thị trường, thanh tra giao thông, thanh tra xây dựng, thanh tra lao động, thuế hải quan, kiểm lâm, y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm, y tế dự phòng, quản lý dược, khám chữa bệnh, quản lý y tế, một số địa phương được chia tách theo quyết định của các cơ quan có thẩm quyền.
Về việc tăng viên chức, Bộ trưởng cho biết chủ yếu tăng do thành lập mới, nâng cấp các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, do tăng quy mô trường lớp, học sinh tiểu học, mầm non, thành lập mới bệnh viện, các đơn vị sự nghiệp…
“Kể từ năm 2003, việc quản lý viên chức đã được phân cấp cho các bộ, ban ngành Trung ương, các tỉnh thành trực thuộc Trung ương. Bộ Nội vụ chỉ quản lý các cán bộ công chức trong các đơn vị hành chính khi luật Viên chức có hiệu lực. Chúng tôi đang tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có các văn bản quy định quản lý đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. “ – Bộ trưởng nói.
Về giải pháp tinh giản biên chế, Bộ trưởng cho biết, trước mắt, từ nay đến 2016, về cơ bản không tăng thêm biên chế công chức, viên chức trừ trường hợp thành lập mới các cơ quan đơn được các cấp có thẩm quyền cho phép hoặc phát sinh nhiệm vụ mới.
“Từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ phủ khóa 13 đến nay, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, cơ bản không có chia tách đơn vị hành chính, chỉ trừ liên quan đến quốc phòng, an ninh chính trị.” – Bộ trưởng khẳng định.
Giải pháp tiếp theo, Bộ trưởng cho biết, đó là đổi mới cơ chế quản lý cán bộ công chức, viên chức trên cơ sở xác định vị trí việc làm.
“Xác định vị trí việc làm là vấn đề mới, khó, lần đầu tiên thực hiện ở nước ta, mong các ban ngành,đp, tập trung chỉ đạo xem xét mô tả công việc, xác định vị trí việc làm, trên cơ sở đó bố trí đội ngũ công chức trong các đơn vị hành chính, đội ngũ viên chức trong các đơn sự nghiệp công lập cho phù hợp với chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của từng cơ quan, đơn vị, bộ ngành, địa phương.” – Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng thông tin, Bộ Chính trị đã giao cho Bộ Nội vụ xây dựng đề án tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức. Bộ sẽ cố gắng trình Bộ Chính trị trong quý IV năm 2013, ban hành chính sách tiếp tục tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức.
“Nhưng chờ đề án lâu nên chúng tôi tham mưu cho Chính phủ thay thế Nghị định 132 để có thể giải quyết trong trước mắt, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức.” – Bộ trưởng nói.
30% cán bộ công chức không làm được việc chỉ là dư luận
Thời gian qua, thông tin về con số 30% cán bộ công chức “sáng cắp ô đi tối cắp ô về” đã được dư luận đặc biệt quan tâm. Tại phiên họp sáng nay, một lần nữa các đại biểu Danh Út (Kiên Giang) và Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đã chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình về thực trạng và trách nhiệm của Bộ trưởng trong vấn đề này.
Trả lời những câu hỏi đó, Bộ trưởng cho biết, con số 30% chỉ là dư luận chưa được kiểm chứng. “Trong tổng kết ngành Nội vụ năm 2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân PHúc có ý kiến, dư luận cho rằng có mấy chục % đó, nhưng thực ra đó không phải là ý kiến của Phó Thủ tướng. Ngày hôm qua, trước khi đi nước ngoài, Phó Thủ tướng còn nói, nếu đại biểu có hỏi, thì Bộ trưởng nói rằng, Phó Thủ tướng chỉ nói là có dư luận như thế…” – Bộ trưởng phân trần.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, đây là những phản ánh, kiến nghị, đòi hỏi, mong muốn cần phải đổi mới, cải cách công vụ, công chức nhiều hơn. “Muốn tìm được tiếng nói chung trong vấn đề này cần phải có những biện pháp mang tính chất tương đối toàn diện, đồng bộ để tổ chức thực hiện.” – Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, ý thức được điều đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020, trong đó có những nội dung liên quan đến tổ chức bộ máy, đến cán bộ công chức nhà nước. Năm 2012, Thủ tướng ban hành Quyết định 1557 phê duyệt đề án công vụ công chức từ nay đến năm 2015.
“Phần đánh giá về cán bộ công chức viên chức trong thời gian qua đã được phân cấp cho bộ ngành, địa phương, nhưng đứng về mặt quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ thì cũng có trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.” – Bộ trưởng thẳng thắn thừa nhận.
Về giải pháp, Bộ trưởng cho biết, các địa phương phải tập trung hoàn thiện tổ chức tinh giản bộ máy, tập trung mô tả công việc, xác định vị trí việc làm trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, trên cơ sở đó định ra số công chức làm việc trong các cơ quan hànhc hính, định ra số người làm việc trong các đơn sự nghiệp công lập, đồng thời bổ sung tiêu chuẩn ngạch đối với công chức và tiêu chuẩn nghề nghiệp đối với viên chức; hoàn thiện bổ sung tiêu chí đánh giá cán bộ công chức viên chức hàng năm và phương pháp đánh giá, trên cơ sở đó thực hiện từ trung ương đến địa phương…
Chưa thỏa mãn với phần trả lời của Bộ trưởng, Đại biểu Hà Minh Huệ (Bình Thuận) chất vấn: “Bộ trưởng có thay đổi ý kiến về kết luận là chỉ có 1% cán bộ công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ? Bộ có điều tra dư luận về con số 30% cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ như dự luận nêu hay không? Còn Đại biểu Chu Sơn Hà (TP Hà Nội) thì "truy": “Nếu cán bộ công chức không làm được việc không phải là 30% thì là bao nhiêu?"
Tuy nhiên, trà lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nói rằng, "đưa ra con số cụ thể là bao nhiêu là không có cơ sở vào thời điểm này. Còn biên chế tính dựa trên thực tiễn cơ sở xác định vị trí việc làm, bố trí đội ngũ cán bộ hợp lý".
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc