(VnMedia) - Kết luận về phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, Bộ trưởng đã trả lời thấu đáo và có cam kết…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng |
Sáng nay (21/11), sau khi Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son kết thúc phần trả lời chất vấn của mình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhận xét, đây là một phiên chất vấn thành công, cả về câu hỏi của đại biểu và phần trả lời của Bộ trưởng.
“Có thể nói các vị đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi rất trúng vào vấn đề thông tin, truyền thông, về mặt thuận, mặt khó khăn, tác động đến xã hội cả tích cực và mặt tiêu cực, đặt ra nhiều câu hỏi và đòi hỏi Bộ trưởng phải có nhiều giải pháp để chúng ta giải quyết, để thúc đẩy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực… Bộ trưởng cũng đã giải quyết vấn đề một cách rất thấu đáo” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trong phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, có những vấn đề đã giải quyết, có vấn đề đang giải quyết và có vấn đề sẽ giải quyết. “Nhưng chung lại thì Bộ trưởng đều có một cam kết trước Quốc hội là sẽ báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền, sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan khác tích cực thúc đẩy hoạt động thông tin tuyên truyền tư tưởng của Đảng và nhà nước ta đến với nhân dân ta và cũng là thúc đẩy hoạt động thông tin để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ thông tin của người dân. Bộ trưởng cũng đã rất tích cực, đã rất cố gắng cũng cam kết với Quốc hội là sẽ thúc đẩy các mặt công tác quản lý nhà nước từ pháp luật cho tới tổ chức, cho tới cán bộ thanh tra, kiểm tra để làm tốt công tác, từng bước đẩy lùi các mặt tác động tiêu cực. Tôi cho là phiên chất vấn này rất thành công. Đây là một phiên chất vấn đầu tiên đối với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trong lĩnh vực rất quan trọng và như vậy, trong gần một buổi rưỡi chúng ta đã làm công việc này rất là thành công, rất cám ơn Bộ trưởng và các vị đại biểu Quốc hội.” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo về công tác thông tin, truyền thông, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải đánh giá vai trò của thông tấn báo chí, thông tin truyền thông là lực lượng mạnh, từ đó xây dựng cho được một lực lượng mạnh để làm công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền, tạo nhân tố tích cực để phát triển đồng thuận và tạo ra một lực lượng để góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước ta một cách lành mạnh, tích cực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son |
Mặt khác, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ đạo: “Cần đánh giá đầy đủ những mặt hạn chế, những mặt tác hại, mặt trái của thông tin, nhất là thông tin ngoài luồng để có biện pháp khắc phục, chống trả, biện pháp cần thiết để bảo vệ an ninh thông tin, an toàn thông tin cho đất nước ta, làm cho nền thông tin quốc gia của chúng ta, Tổ quốc chúng ta, người dân chúng ta lành mạnh. Một mặt phải quy hoạch và phát triển hệ thống thông tin đúng quy hoạch, đảm bảo sự phát triển về cơ sở vật chất của ngành này phải được hiện đại.”
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu phải bảo đảm đào tạo đội ngũ làm nhà báo thật căn cơ, thật đầy đủ, thật là hoàn thiện.
“Bây giờ chúng ta có 17.000 phóng viên, nhà báo được cấp phép nhưng cần phải có đào tạo và đảm bảo trang bị cho nhà báo của chúng ta, người làm báo của chúng ta, dù là báo viết, báo nói, báo mạng v.v... đều có đủ kiến thức, trình độ để tự mình có kháng thể, tự mình có sức chiến đấu và đấu tranh, công tác này phải tiếp tục phải tăng cường.” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Yêu cầu Bộ Thông tin và truyền thông – Bộ quản lý nhà nước về lĩnh vực này cần phải tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước về xây dựng trang bị cơ sở vật chất quy hoạch, đảm bảo đáp ứng yêu cầu về tổ chức bộ máy và hoạt động của các cơ quan, tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, “đào tạo đội ngũ phóng viên mới là quan trọng, là ruột, là linh hồn của các tờ báo, các cơ quan báo chí.”
“Công tác này phải được tăng cường và trách nhiệm thuộc Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, tuy trường thì nằm rất nhiều nơi, còn có Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng Bộ Thông tin và truyền thông là nơi cấp thẻ cho lực lượng báo chí này, cho nên các đồng chí phải có trách nhiệm với việc này. Đây là ý kiến thứ nhất để phát huy sức mạnh và hạn chế tiêu cực của báo chí, chúng ta phải làm 2 việc đó” – Chủ tịch Quốc hội giao nhiệm vụ.
Người đứng đầu Quốc hội cũng đề nghị, quản lý nhà nước về báo chí phải được tăng cường hơn nữa, cần tiếp tục hoàn chỉnh việc nghiên cứu một cách cẩn trọng, có cơ sở để việc tiếp cận thông tin, quản lý đảm bảo quyền của công dân, quyền của con người trong một xã hội văn minh.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, quản lý phải theo luật pháp hiện hành, từ tôn chỉ mục đích của tờ báo, từ trách nhiệm của phóng viên đến trách n hiệm của Ban biên tập, Tổng biên tập, cơ quan chủ quản…
“Chúng ta rất mừng trong GDP của đất nước, trong tăng trưởng của đất nước, trong phát triển kinh tế của đất nước thì ngành viễn thông này luôn luôn giữ được tốc độ tăng trưởng kể cả trong thời kỳ khó khăn nhất. Trước đây có cả nông nghiệp, nhưng sang 2013 này thì nông nghiệp đi xuống một tý, còn viễn thông vẫn phát triển, chúng ta đứng trên khá nhiều nước trên thế giới và có hiệu quả. Cho nên, trách nhiệm này cũng thuộc Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông làm cho thị trường này phát triển theo đúng quy định của pháp luật, phát triển một cách tự do trong khuôn khổ pháp luật, cạnh tranh bình đẳng là bảo vệ thị trường nội địa, phát triển ra thị trường quốc tế, góp phần vào xây dựng đất nước.” – Chủ tịch Quốc hội nói.
Trao đổi với báo chí chiều qua (20/11), đại biểu Quốc hội Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Quốc hội đã cho biết, ông hài lòng với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son. |
Ý kiến bạn đọc