(VnMedia) - Trước sự đe dọa của cơn bão số 10 được dự báo sẽ giật tới cấp 15 ở đất liền ven biển, các địa phương từ Nghệ An trở vào đến Đà Nẵng đã quyết liệt sơ tán hàng chục nghìn dân.
Theo đó, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng đã tổ chức họp và phân công các thành viên hoặc thành lập các đoàn công tác xuống các địa bàn trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc công tác ứng phó với bão.
Tỉnh Nghệ An đã có công điện chỉ đạo việc cấm tàu thuyền và phương tiện vận tải ra khơi.
Tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành lệnh sơ tán dân trước 6h/30/9 tại 6 huyện, thành phố ven biển (6.763 hộ/22.465 người).
Tỉnh Quảng Bình đã có lệnh cấm biển, các tàu thuyền đã được neo đậu tại nơi tránh trú; chỉ đạo cho các huyện, thành phố căn cứ tình hình thực tế để chủ động sơ tán dân khu vực ven biển và những nơi không đảm bảo an toàn (6.111 hộ/27.148 người); học sinh nghỉ học từ ngày 30/9.
Tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo việc sơ tán dân tại các vùng ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất phải hoàn thành trước 12h/30/9. Tính đến 22h/29/9, đã di dời được 2.614 hộ/8.392 người khu vực ven biển; học sinh nghỉ học từ ngày 30/9.
Tỉnh Thừa Thiên Huế: theo kế hoạch toàn tỉnh có 2.884 hộ với hơn 11.561 người dự kiến cần phải sơ tán, di dời từ vùng sạt lở, vùng ven biển đến nơi an toàn. Tính đến 17h/29/9, một số địa phương vùng xung yếu đã di dời được 387 hộ/1.509 người đến nơi an toàn. Số còn lại sẽ bắt đầu tiến hành sơ tán, di dời đến nơi an toàn từ 6h và hoàn thành trước 9h sáng ngày 30/9;học sinh các cấp học ở các huyện, thị xã và thành phố Huế nghỉ học từ sáng ngày 30/9.
Thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo các địa phương triển khai sẵn sàng phương án sơ tán dân để khi có lệnh sơ tán có thể thực hiện được ngay, dự kiến sơ tán 80.000 người khi có bão, 60.000 khi có lũ; học sinh nghỉ học từ ngày 30/9.
Theo báo cáo số 454/BC-CQTT ngày 30/9 của Cơ quan thường trực Ban chỉ huy PCLB, TKCN/BĐBP, tính đến 6h00’ ngày 30/9 Biên phòng các tỉnh đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 61.202 phương tiện với 302.938 người biết diễn biễn của bão để chủ động di chuyển phòng tránh.
Cụ thể, khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng
Tính đến 7h/30/9, tầu thuyền các tỉnh Thanh Hóa đã vào bờ an toàn, riêng tỉnh Nghệ An còn 52 tầu thuyền nhỏ hoạt động ven bờ (đi về trong ngày) hiện vẫn liên lạc được. Biên phòng Nghệ An đang kêu gọi khẩn trương vào bờ.
Lực lượng dân quân, công an xã Triệu An (Quảng Trị) giúp dân chằng chống nhà cửa - ảnh: TTXVN |
Hơn 30 hồ mất an toàn
Do ảnh hưởng mưa của bão số 10, dự báo từ ngày 30/9, mực nước trên các sông từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế sẽ lên nhanh. Trong đợt lũ này, lũ thượng nguồn sông La (Hà Tĩnh) và các sông từ Quảng Bình đến Quảng Trị có khả năng lên mức BĐ2 - BĐ3; hạ lưu sông La, các sông ở Nghệ An và Thừa Thiên Huế lên mức BĐ1 - BĐ2, có nơi trên BĐ2.
Mực nước hạ lưu sông Mê Kông, đầu nguồn sông Cửu Long hiện cũng đang lên. Dự báo, do lũ thượng nguồn về kết hợp với kỳ triều cường, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh. Đến ngày 3/10, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 4,3m (dưới BĐ3: 0,2m); tại Châu Đốc ở mức 3,55m (trên BĐ2: 0,05m); tại các trạm chính vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên lên mức BĐ2, có nơi trên mức BĐ2. Ngày 30/9, mực nước sông Đồng Nai tại Tà Lài biến đổi chậm và ở mức 112,25m.
Để đối phó với bão số 10, hồ chứa Sông Tranh hiện đang mở hoàn toàn các cửa xả tràn, mức nước hiện tại 140,71m, cao trình ngưỡng tràn 161m. Có 12 hồ khác đang xả điều tiết, cụ thể: A Lưới, A Vương, Sông Ba Hạ, Hồ A Thủy điện Vĩnh Sơn, Buôn Tua Sha, Buôn Kuốp, Srêpốk 3, An Khê, Playkrông, Ialy, Sê San 3, Sê San 4.
Theo ông Vũ Xuân Thành, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão Trung ương, tại các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, mực nước hồ chứa thủy lợi đang tích phổ biến ở mức từ 70-100% so với thiết kế; các tỉnh Nam Trung Bộ từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa mực nước đang ở mức thấp, dung tích ở mức 30-60%, một số ít hồ đang trữ ở dung tích trên 90% như Hòa Mỹ (Thừa Thiên Huế), Phú Ninh (Quảng Nam), Suối Trầu (Khánh Hòa).
Đặc biệt, ông Thành cho biết, hiện có 31 hồ chứa có nguy cơ mất an toàn, phải tổ chức lực lượng thường trực 24h/24h tại công trình, chuẩn bị vật tư dự phòng để kịp thời ứng cứu khi tình huống xấu xảy ra. Đó là các hồ: Đồng Bể, Kim Giao (Thanh Hóa); Khe Sặt, Thanh Thủy, Khe Xiêm, Khe Làng (Nghệ An); Cha Chạm, Thùng Trứa, Khe Vôi, Đập Làng, Đập Trạng, Đập Họ, Đập Mưng, Nước Xanh, Khe Chẹt, Bãi Trạng, Bượm, Đá Bạc, An Hùng (Hà Tĩnh); Khối 7, Trằm Bưởi, Khe Lau, Mụ Huyện, Trọt Giếng, Trọt Đâu – Trọt Đen (Quảng Trị); Hòa Mỹ (T.T.Huế); An Long (Quảng Nam); Cây Khế, Đá Bàn, Tôn Dung (Quảng Ngãi).
Trong khi đó, các hồ chứa ở khu vực Tây Nguyên hiện đang tích ở mức tương đối cao, phổ biến đang ở mức trên 80% dung tích thiết kế, một số hồ đang xả lũ điều tiết như A Yun Hạ (Gia Lai), Krông Búc Hạ (Đắk Lắk); các hồ đang tràn tự do là Đạ Hàm, Đạ Tẻ, Tuyền Lâm (Lâm Đồng).
Ý kiến bạn đọc