Vụ bắt cán bộ kiểm lâm: Đủ căn cứ truy tố tội nhận hối lộ

10:20, 04/08/2014
|

(VnMedia) - Nếu cơ quan điều tra có căn cứ chứng minh số tiền 100 triệu đồng là do Lê Đức Hải đã nhận của chủ hàng để không xử lý hoặc xử lý không đúng vi phạm thì hành vi đó có dấu hiệu của tội nhận hối lộ.

>> Đòi chi 100 triệu, Trạm trưởng kiểm lâm bị áp chế bằng súng
>> Thông tin chính thức vụ bắt kiểm lâm viên
>> Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp: Chưa được báo cáo vụ bắt giữ

Ảnh minh họa

Luật sư Nguyễn Anh Thơm.

Theo thông tin chính thức từ cơ quan điều tra, kiểm lâm viên Lê Đức Hải bị cảnh sát hóa trang Bộ Công an xông vào bắt giữ vì gợi ý nhận hối lộ nhưng không thu được tang vật là 100 triệu đồng, mà chỉ nhặt được tại gốc cây cảnh ở gần đấy. Như vậy, có thể khép tội nhận hối lộ cho kiểm lâm này được không? VnMedia đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

- Theo thông tin chính thức từ cơ quan điều tra, kiểm lâm viên Lê Đức Hải bị cảnh sát hóa trang Bộ công an xông vào bắt giữ vì gợi ý nhận hối lộ, nhưng không thu được tang vật là 100 triệu đồng, mà chỉ nhặt được tại gốc cây cảnh ở gần đấy. Như vậy, có thể khép tội nhận hối lộ cho kiểm lâm này được không?

- Luật sư Nguyễn Anh Thơm: Nếu cơ quan điều tra có căn cứ chứng minh số tiền 100 triệu đồng là do Lê Đức Hải đã nhận của chủ hàng để không xử lý hoặc xử lý không đúng vi phạm thì hành vi đó có dấu hiệu của tội nhận hối lộ Tội danh và hình phạt được qui định tại Điều 279 Bộ Luật Hình sự.

Dù không thu giữ được số tiền nhận hối lộ trong người đối tượng, nhưng cơ quan Công an có đủ căn cứ  xác định đối tượng đã phi tang số tiền đó vào gốc cây cảnh trong khi bỏ chạy do bị phát hiện thì tội phạm cũng đã hoàn thành kể từ thời điểm đối tượng nhận số tiền hối lộ đó.

- Trong trường hợp này, chủ xe gỗ, người đồng ý với thỏa thuận giải quyết phạt tại chỗ có bị khởi tố về tội đưa hối lộ không?

- Đối với chủ xe có hành vi đưa hối lộ 100 triệu đồng đó cho Lê Đức Hải, nhưng do bị ép buộc, chủ động khai báo tố giác trước khi bị phát giác đến cơ quan Công an thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

- Trong trường hợp đủ bằng chứng khép tội nhận hối lộ cho kiểm lâm Lê Đức Hải, đối tượng sẽ phải nhận khung hình phạt như thế nào?

Theo Điều 279, quy định về tội nhận hối lộ: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: Gây hậu quả nghiêm trọng; Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: Có tổ chức; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn; Phạm tội nhiều lần; Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước; Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt; Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng; Gây hậu quả nghiêm trọng khác.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm: Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng; Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: Của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên; Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.

Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

- Theo quy định của pháp luật, bao nhiêu lâu sau khi phát hiện ra vụ án, cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can?

- Luật sư Nguyễn Anh Thơm: Căn cứ Điều 122 Luật xử lý vi phạm hành chính:  Tạm giữ người theo thủ tục hành chính. Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính không được quá 12 giờ; trong trường hợp cần thiết, thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 24 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm.

Căn cứ Điều 87 Bộ luật tố tụng Hình sự: Thời hạn tạm giữ: Thời hạn tạm giữ không được quá ba ngày, kể từ khi Cơ quan điều tra nhận người bị bắt; Trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ, nhưng không quá ba ngày. Trong trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá ba ngày. Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn; trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị gia hạn và tài liệu liên quan đến việc gia hạn tạm giữ, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn; Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.

Như vậy, theo qui định của pháp luật, tối đa sau 10 ngày kể từ ngày tạm giữ đối tượng, nếu có căn cứ chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can.

- Xin cảm ơn ông!


Lam Nguyên - (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc