(VnMedia)- Trong phần thảo luận tại Hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhiều đại biểu đề nghị làm rõ hơn vai trò của Chủ tịch nước trong việc thống lĩnh lực lượng vũ trang, trong việc phối hợp công tác với các cơ quan lập pháp và hành pháp.
|
Làm rõ vai trò thống lĩnh lực lượng vũ trang của Chủ tịch nước
Theo đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam), đề nghị làm rõ hơn vai trò của Chủ tịch nước trong việc thống lĩnh lực lượng vũ trang, trong việc điều hòa phối hợp công tác với các cơ quan lập pháp và hành pháp. Đại biểu cho rằng, trong nội dung dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 chưa rõ vai trò của Chủ tịch nước trong việc giám sát các chức danh do Chủ tịch nước giới thiệu, Quốc hội bầu và phê chuẩn. "Dường như vai trò của Chủ tịch nước chỉ là hợp thức hóa các thủ tục hành chính trong các công việc được Hiến pháp quy định", đại biểu nói.
Theo đại biểu Bế Xuân Trường (Bắc Kạn), tại Điều 94 Khoản 5 Chương Chủ tịch nước ghi "Chủ tịch nước thống lĩnh lực lượng vũ trang, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quốc phòng an ninh". Về mặt nội hàm nó chưa đầy đủ, bởi vì tôi biết hiện nay có người cho rằng mâu thuẫn và xin chia quyền lợi, nhưng tôi cho rằng không phải, Đảng lãnh đạo quân đội trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt, đồng chí Tổng bí thư là Bí thư quân ủy Trung ương, điều này đã được ghi trong Điều lệ Đảng. Còn đồng chí Chủ tịch nước trên cơ sở lãnh đạo tập thể, phát huy vai trò của cá nhân, chịu trách nhiệm trước tập thể về nhiệm vụ này, như vậy nội hàm của Chủ tịch nước với lực lượng vũ trang là gì? Phải chăng đó là vấn đề về tổ chức, chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng gắn với thế trận an ninh nhân dân thì mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Theo đại biểu Bế Xuân Trường, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng an ninh mà trong nội hàm không có, chỉ xác định là tổng động viên, huy động lực lượng, phương tiện khi có chiến tranh xảy ra. "Cái quan trọng nhất bây giờ để huy động được lực lượng, phương tiện cho chiến tranh phải được chuẩn bị chu đáo, đầy đủ từ trong thời bình. Ngạn ngữ có câu "lo giữ nước từ khi nước còn thịnh vượng", như vậy phải chăng vấn đề xây dựng nền quốc phòng, xây dựng thế trận, xây dựng lực lượng vũ trang để khi có chiến tranh chúng ta mới chuyển được thế trận quốc phòng sang thế trận chiến tranh nhân dân, mới huy động sức người, sức của để phục vụ cho chiến tranh. Theo tôi cần bổ sung nội hàm của Chủ tịch nước vào cho đầy đủ", đại biểu nói.
Kiến nghị Chủ tịch nước bổ nhiệm thẩm phán toà án nhân dân các cấp
Liên quan đến lĩnh vực tư pháp, đại biểu Lò Hải Ươi (Lai Châu) nêu, tại Khoản 3, Điều 94, nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước, căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức thẩm phán tòa án nhân dân tối cao, thẩm phán các tòa án v.v... "Tôi cho rằng với đội ngũ thẩm phán các cấp hiện nay khoảng trên 7.000 người và nhiệm kỳ không theo nhiệm kỳ của Quốc hội thì việc trình Quốc hội phê chuẩn chỉ mang tính hình thức. Tôi đề nghị nên giao trực tiếp cho Chủ tịch nước thực hiện trên cơ sở tham mưu của Hội đồng tư pháp quốc gia", đại biểu nhấn mạnh.
Đây cũng là ý kiến của đại biểu Lê Thanh Vân (TP Hải Phòng). Theo đại biểu, việc bổ nhiệm thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nên trao cho Chủ tịch nước. Bởi vì nhiệm kỳ của Quốc hội và nhiệm kỳ của thẩm phán chênh lệch nhau, rất khó xử lý và đảm bảo linh hoạt. Vấn đề nữa là cơ chế phê chuẩn phó chủ nhiệm, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà trao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội là trái với nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Quốc hội. Nó khác hẳn với chế độ bổ nhiệm của nhánh hành pháp, tôi đề nghị cân nhắc vấn đề này.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (TP Hà Nội) cũng nêu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định việc bổ nhiệm thẩm phán tòa án nhân dân các cấp là do Chủ tịch nước bổ nhiệm để phù hợp với quy định tại Điều 94 của dự thảo quy định về quyền hạn của Chủ tịch nước.
Theo phân tích của đại biểu, tại Điều 110 của dự thảo quy định "Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao do Chủ tịch nước" bổ nhiệm là không đảm bảo sự nhất quán. Bởi lẽ, theo pháp luật Việt Nam chỉ có thẩm phán, không phân biệt thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hay thẩm phán tòa án nhân dân các cấp ở địa phương mới được pháp luật trao quyền nhân danh Nhà nước để xét xử mọi hành vi phạm tội, giải quyết các vấn đề mâu thuẫn trong đời sống nhân dân, nhằm mục đích trừng trị kẻ phạm tội, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, của Nhà nước và công dân, đồng thời cũng phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước. Vì vậy, "nếu chỉ quy định như trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là chỉ có Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mới do Chủ tịch nước bổ nhiệm là không nhất quán", đại biểu Khánh nói
Bên cạnh đó, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cũng đề nghị bổ sung một điều quy định mới về đại biểu Quốc hội ở phần mối quan hệ của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, đại biểu đề nghị việc phát ngôn và biểu quyết của đại biểu Quốc hội trong tất cả các hội nghị đều không bị xem xét trách nhiệm.
Bà Khánh cho rằng, thực tế trong Quốc hội Khóa XII một số đại biểu Quốc hội đã bị một số cơ quan chính quyền cấp tỉnh đề nghị xem xét trách nhiệm khi đại biểu Quốc hội phát biểu tại nghị trường, tạo dư luận không hay và băn khoăn cho nhiều vị đại biểu Quốc hội. Hơn nữa quy định trên đây là nguyên tắc hiến định trong các bản Hiến pháp của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
Về mối quan hệ của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, theo bà Khánh, trong Hiến pháp 1992 và dự thảo Hiến pháp lần này quy định rõ ràng, tách bạch chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, thể hiện nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong quản lý nhà nước ta. Tuy nhiên trong thực tiễn thi hành Hiến pháp và pháp luật mối quan hệ này đã không rõ ràng, dường như có sự chồng chéo trùng lặp nhau trong nhiều khóa Quốc hội. Khi tổng kết báo cáo hết nhiệm kỳ Quốc hội thường chỉ nhận được báo cáo của Chính phủ tổng kết về hết nhiệm kỳ mà không có Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã phát biểu về vấn đề này nhưng chưa được khắc phục.
"Tôi đề nghị tiếp thu kinh nghiệm xây dựng Hiến pháp của một số nước mà tôi được biết như Hiến pháp của Trung Quốc chỉ quy định quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ mà không quy định quyền hạn trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ. Có như vậy vừa khắc phục được những bất cập hiện nay của chúng ta và tránh chồng chéo mâu thuẫn trong quản lý nhà nước", bà Khánh nói.
Ý kiến bạn đọc