(VnMedia) - Phó Chủ tịch UBND Thành phố đã yêu cầu các đơn vị liên quan tập hợp câu hỏi, trả lời bằng văn bản trước ngày 25/3 và như vậy, dư luận vẫn phải chờ đợi sự minh bạch từ cơ quan chức năng...
>> Chủ tịch Hà Nội "lệnh" dừng chặt 6.700 cây xanh
>> Hà Nội nhận thư ngỏ 16.000 người ký phản đối chặt 6.700 cây
>>G ần 8.000 người ký thư ngỏ phản đối Hà Nội chặt cây
>> Tranh cãi quanh việc chặt hạ 6.700 cây xanh
>> Hà Nội đồng loạt chặt hạ cây xanh để trồng mới
>> Hội đồng nhân dân chỉ đồng ý chủ trương thay thế cây xanh
>> Thay thế 6.700 cây: Hà Nội nói “hầu hết” nhân dân ủng hộ!
>> Hà Nội: Số lượng cây bị chặt không chỉ là 6.700
Như VnMedia đã đưa tin về cuộc họp báo chiều 20/3, sau khi thông báo kết luận của Chủ tịch UBND Nguyễn Thế Thảo về việc dừng việc chặt hạ cây xanh đang gây bức xúc dư luận, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố đã trầm giọng nói lời xin lỗi.
Trước hết, ông Nguyễn Quốc Hùng thừa nhận việc cây xanh có ích lợi ra sao, và Hà Nội đẹp, nên thơ nhờ cây xanh như thế nào, đồng thời thẳng thắn “nhận thiếu sót” và “xin hứa từ nay trở đi, những quyết định liên quan đến cộng đồng sẽ nghiêm túc, trân trọng ý kiến của dân”...
Về ý kiến của người dân, ông Phó Chủ tịch Thành phố đã ghi nhận, đó là những ý kiến đóng góp đầy trách nhiệm vì tình yêu với Hà Nội và rất đáng trân trọng. “Mọi sự thành bại là do dân. Những quyết định được dân ủng hộ sẽ thông suốt, không được ủng hộ sẽ không làm được" - ông Hùng nói.
Những lời tâm sự của ông Phó Chủ tịch Thành phố đã biểu hiện sự cầu thị và rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, điều mà hơn 100 nhà báo có mặt chờ đợi nhất, đó là tổ chức việc trả lời những câu hỏi, những vấn đề mà dư luận đang hết sức bức xúc một cách rõ ràng, minh bạch thì lại không diễn ra.
Buổi họp báo chỉ có câu hỏi, không có câu trả lời. Và, theo nhiều nhà báo thì đây là buổi họp báo duy nhất họ biết, không có câu hỏi nào được giải đáp.
|
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Quốc Hùng tại cuộc họp báo |
Những câu hỏi được các nhà báo đưa ra khá đa dạng và chi tiết, đều là những vấn đề được dư luận nhân dân quan tâm, mong muốn có câu trả lời. Tuy nhiên, sau khi 21 câu hỏi được các phóng viên nêu ra, ông Hùng đã không trả lời thẳng vào vấn đề mà chỉ một lần nữa khẳng định sẽ lắng nghe, tiếp thu và cảm ơn ý kiến đóng góp của nhân dân.
Ngay sau đó, các nhà báo đã phải ngỡ ngàng ra về trong sự băn khoăn, khi mà hàng loạt câu hỏi đã nêu ra không được trả lời, và còn rất nhiều câu hỏi khác chưa kịp gửi đến lãnh đạo Thành phố.
Những câu hỏi đợi được trả lời
Tại cuộc họp báo, là người hỏi đầu tiên, phóng viên báo Người Hà Nội đặt câu hỏi: Tại sao thành phố chưa có đánh giá 3 vấn đề quan trọng, đó là đánh giá tác động về môi trường, tác động đến cảnh quan đô thị và tác động đến tâm lý xã hội. Phóng viên báo Người Hà Nội cũng đặt thêm câu hỏi: Cho đến nay, Hà Nội đã chặt bao nhiêu cây (kể cả cây ở đường Nguyễn Trãi) và ai chịu trách nhiệm chính về việc chặt cây này?.
Phóng viên báo Tuổi Trẻ thì băn khoăn: Chủ tịch Thành phố đã chỉ đạo dừng chặt, nhưng dừng bao lâu? Thành phố đưa ra thông tin là đã hỏi ý kiến người dân khu vực bị chặt cây và “hầu hết” người dân đều ủng hộ. Vậy Thành phố đã điều tra xã hội học cụ thể chưa? số liệu cụ thể như thế nào? Việc xã hội hóa được thực hiện như thế nào? Doanh nghiệp thực hiện xã hội hóa bỏ tiền ra sẽ được hưởng lợi gì?
|
Hơn 100 phóng viên báo đài đã tham dự và đặt câu hỏi cho lãnh đạo Thành phố |
Trong khi đó, phóng viên báo điện tử VnMedia đưa ra 3 câu hỏi “khó”. Thứ nhất, ai thẩm định và ai quyết định cây nào là cây sâu mọt, đáng bị chặt? Theo giải thích của phóng viên VnMedia, trên thực tế, việc xác định một cây sâu mọt khi bề ngoài vẫn xanh tốt là việc vô cùng khó. Bằng chứng là đã có những cây đang xanh tốt nhưng bỗng đổ sập, khi kiểm tra mới biết bên trong mục ruỗng. Chính TP.Hồ Chí Minh đã đầu tư một máy khoan thăm dò cây, nhưng cuối cùng đã “đắp chiếu” vì không hiệu quả. Vậy Hà Nội đã làm cách nào mà xác định được mấy nghìn cây sâu mọt?
Câu hỏi thứ 2 được phóng viên VnMedia đặt ra trong buổi họp báo, đó là: Có phải xã hội hóa có nghĩa là doanh nghiệp bỏ tiền ra thì muốn chặt cây ở phố nào để trồng lại cũng được hay không, bởi trên thực tế, Hà Nội có rất nhiều đường mới mở chưa có cây xanh, tại sao doanh nghiệp không đến đó trồng mà lại chọn phố Nguyễn Chí Thanh, là con phố đẹp nhất của Hà Nội, chặt đi hàng cây đang xanh tốt để trồng mới?
Câu hỏi thứ 3, đó là những người được Thành phố hỏi ý kiến và đồng ý cho chặt cây là ai? Nếu đó là những người “trong khu vực”, những người có cửa hàng muốn chặt cây che chắn trước cửa, thì việc xin ý kiến đó có đúng luật không khi mà cây xanh là tài sản của Thành phố, của tất cả mọi người dân chứ không chỉ của cá nhân ai?
Phóng viên báo Tiền Phong thì quan tâm đến việc cây xanh sau khi chặt được giải quyết như thế nào? Cây mới mua về giá bao nhiêu? Đây cũng là vấn đề mà báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, báo Đất Việt quan tâm. Phóng viên cũng đặc biệt muốn Thành phố minh bạch thông tin về giá cả nhập cây mới, chi phí chặt cây cũ... trong những năm gần đây.
Đại diện báo Người tiêu dùng cũng rất “gai góc” khi đặt câu hỏi: Dư luận cho rằng các doanh nghiệp đứng sau việc chặt cây, Thành phố khẳng định có phải không?. Số lượng cây chặt lớn, gỗ lớn lên hàng trăm tỉ thì sau khi bán gỗ đi thì mục đích sử dụng tiền đó như thế nào?
Phóng viên báo Một thế giới lại rất thẳng thắn hỏi: Quyết định việc chặt cây do Phó Chủ tịch Thành phố Nguyễn Quốc Hùng ký, vậy cá nhân ông có chịu trách nhiệm hay không?
Báo Thanh Niên đặt câu hỏi về việc hiện nay, cây xanh bình quân đầu người ở Hà Nội là bao nhiêu? Việc chặt 6.700 cây có tính mật độ đó không?
Đơn vị cung ứng cây là đơn vị nào, có tin cậy không? Đây dự án lớn đến nay dừng lại thì trách nhiệm của đơn vị đầu tư, cung ứng này như thế nào?... là câu hỏi mà phóng viên VTC yêu cầu Thành phố trả lời.
Còn phóng viên báo An ninh Thủ đô lại hỏi về quy trình cũng như căn cứ chặt hàng nghìn cây xanh và tại sao lại chặt nhiều đến vậy?
Trong khi đó, báo VietNamNet muốn biết, quyết định dừng chặt cây của Thành phố là do dư luận xã hội hay là lí do nào khác? và việc rà soát sẽ tiến hành trong bao lâu, khi nào có giải trình?...
Một câu hỏi khá “tế nhị” khác được phóng viên VnMedia hỏi, đó là: “Ông Hùng cảm thấy thế nào khi đi qua tuyến phố trước đây rợp bóng cây nay thay cây trơ trụi không tán lá?”
Theo thông tin mới nhất mà VnMedia vừa nhận được, sau cuộc họp báo, ông Nguyễn Quốc Hùng đã có cuộc làm việc riêng với các đơn vị, phòng ban chuyên ngành liên quan. Ông Hùng giao Sở Xây dựng trả lời bằng văn bản tới các cơ quan báo chí xung quanh 21 câu hỏi được nêu ra tại cuộc họp trước ngày 25/3.
Những câu hỏi nói trên, lẽ ra phải được lãnh đạo Thành phố, lãnh đạo sở Xây dựng trả lời một cách dễ dàng ngay tại cuộc họp báo, bởi nó là những vấn đề hết sức quan trọng bắt buộc phải xác định được trước khi thực hiện dự án. Hơn nữa, việc trả lời cũng là điều đương nhiên tại bất cứ cuộc họp báo nào. Tuy nhiên, cho đến nay, các cơ quan báo đài cũng như dư luận sẽ lại phải chờ đợi câu trả lời qua đường văn bản, và nếu câu trả lời là chưa thỏa đáng thì không biết sẽ tiếp tục "chất vấn" qua con đường nào.
Xem ra, sự minh bạch đến tận cùng vẫn còn là câu hỏi đang bỏ ngỏ.
Ý kiến bạn đọc