Ai được phép cho doanh nghiệp xây chung cư cũ nâng tầng?

07:00, 19/03/2015
|

(VnMedia) - Việc quyết định cho các doanh nghiệp tham gia cải tạo chung cư cũ dự kiến sẽ được giao cho UBND tỉnh, Thành phố (TP). Tuy nhiên, với những TP lớn như Hà Nội vốn bị kiểm soát  chặt chẽ bởi nhiều Luật riêng thì không biết ai sẽ là người dám vượt rào, dám chịu trách nhiệm ký cho doanh nghiệp được nâng tầng.

Theo ông Phạm Chiến Thắng - Phó phòng quản lý nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng Hà Nội, hiện trên địa bàn TP có khoảng 1.000 dự án chung cư cũ cần được cải tạo. Trong đó, số lượng chung cư cần được xây mới (thuộc cấp độ C) lại chủ yếu tập trung tại 4 quận nội đô là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Đây đều là các quận nội thành Hà Nội vốn đang bị kiểm soát rất chặt chẽ về mật độ xây dựng, mật độ dân số…

Cũng theo ông Thắng, tại các địa phương khác do quỹ đất rộng, mật độ dân thưa, số lượng chung cư cũ cần xây mới không nhiều, do vậy chủ yếu Dự thảo Nghị định về việc cải tạo chung cư cũ mà Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến sẽ tập trung giải quyết cho TP Hà Nội là chính.

Trong dự thảo Nghị định lần này, Bộ Xây dựng đã đưa ra nhiều cơ chế tháo gỡ những vướng mắc nhiều năm nay như việc được điều chỉnh hệ số sử dụng đất tối thiểu 3 lần; người dân sẽ được chủ động lựa chọn nhà đầu tư; xác định quyền sở hữu nhà của người dân đang sinh sống tại tập thể cũ bằng việc cho phép người dân có thể góp vốn bằng chính quyền sở hữu nhà của mình; có cơ chế ưu đãi về vốn; thuế GTGT và thuế TNDN sẽ được tính mức ưu đãi như nhà ở xã hội; người dân được vay vốn ưu đãi…

Ảnh minh họa

  Dự án B6 Giảng Võ đắp chiếu 6 năm

Một trong những điểm quan trọng đó là việc giao toàn quyền cho UBND tỉnh, TP trực thuộc TW chỉ đạo các cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt hoặc điều chỉnh quy hoạch đô thị để triển khai thực hiện dự án chung cư cũ …Điều kiện tiên quyết là quy hoạch  cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ phải đảm bảo đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và gắn kết với các khu vực lân cận…

Tuy nhiên, những cơ chế này được đưa ra nếu áp dụng tại Hà Nội lại “đá” với Luật Thủ đô, Luật quy hoạch đô thị. Trao đổi với PV VnMedia, Ông Nguyễn Trọng Ninh-Phó Cục trưởng Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, thực tế triển khai các dự án cải tạo chung cư cũ cho thấy một số khó khăn, vướng mắc.

Trước hết, các chung cư cũ bị hư hỏng cần cải tạo, xây dựng lại chủ yếu tập trung tại khu vực trung tâm của các thành phố lớn, có vị trí thuận lợi. Tuy nhiên, khu vực trung tâm thường có mật độ dân cư cao, cần hạn chế phát triển về dân số nhằm tránh tình trạng quá tải về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Bên cạnh đó, cơ chế bồi thường, giải phóng mặt bằng mới chỉ khuyến khích các chủ sở hữu căn hộ chung cư cũ được tái định cư tại vị trí cũ mà chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân di chuyển tới các dự án ngoài khu vực trung tâm.

Ngoài ra ông Ninh cho rằng, theo Luật Thủ đô Hà Nội, quy hoạch khu vực lõi đô thị (4 quận nội thành cũ) - địa bàn chủ yếu tập trung chung cư cũ cần phải giảm mật độ dân số từ 1,2 triệu xuống còn 0,8 triệu người. Do đó, dự thảo của Bộ Xây dựng (cho phép nâng tầng trong khu vực không giới hạn chiều cao) đi ngược lại với Luật Thủ đô.

Câu hỏi đặt ra ở đây, trước rào cản ngặt nghèo như vậy thì lãnh đạo Hà Nội ai sẽ là người dám vượt rào, ký cho các doanh nghiệp được phép nâng tầng cao, bởi nếu ký duyệt cho doanh nghiệp thì sẽ phạm Luật.

Giao cho dân lựa chọn chủ đầu tư: Đẩy cái khó cho dân?

Trong dự thảo lần này, Bộ Xây dựng đề xuất cho phép người dân được quyền lựa chọn chủ đầu tư. Việc bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư…người dân sẽ tự thỏa thuận với chủ đầu tư. Tuy nhiên, liệu người dân có thể xác định được xem chủ đầu tư đó có đủ năng lực thực hiện dự án hay không lại là vấn đề.

Bài học nhãn tiền là dự án cải tạo chung cư B6 Giảng Võ. Năm 2007, người dân B6 đã tự đi tìm Tổng công ty 36 làm chủ đầu tư xây dựng lại nhà B6. Sau đó, Tổng công ty 36 đã ký hợp đồng liên doanh với công ty CP Đầu tư và phát triển công nghệ Mefrimex . Theo đó, công ty Mefrimex sẽ chịu trách nhiệm lo toàn bộ nguồn vốn cho dự án và Tổng công ty 36 chỉ là đơn vị thi công.

Tuy nhiên, việc triển khai "giữa đường đứt gánh", công ty Mefrimex không lo được nguồn vốn để trả tiền thi công cho Tổng công ty 36 và dự án lâm vào tình trạng án binh bất động 10 năm nay. Mới đây, UBND TP Hà Nội đã thẩm định năng lực tài chính và cho phép Tổng công ty 36 được chuyển nhượng toàn bộ dự án cho công ty Mefrimex. Tuy nhiên, ngay sau đó, Mefrimex lại có đơn xin trả lại dự án cho Thành phố Hà Nội vì không đủ năng lực triển khai.

Thiết nghĩ, ngay cả khi UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng thẩm định năng lực tài chính của công ty Mefrimex còn không thể chính xác thì người dân làm sao có đủ kinh nhiệm để tự tìm, thẩm định được năng lực tài chính của doanh nghiệp mà mình định lựa chọn.

Và điều đau xót nhất trong việc cải tạo chung cư B6 đó là số phần của hơn 100 hộ dân hiện đang phải sống trong cảnh vất vưởng, tạm bợ gần 10 năm nay mà không thể biết được đến bao giờ mình mới có thể quay trở về nhà.


Anh Đào

Ý kiến bạn đọc