Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương khóa XI, do Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh trình bày tại Đại hội, đề cập toàn diện những ưu điểm và khuyết điểm, thiếu sót. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng nghiêm túc tự phê bình trước Đại hội và toàn Đảng, toàn dân.
Kịp thời có quyết sách
Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh cho biết, tập thể Ban Chấp hành Trung ương đã khẩn trương triển khai nghị quyết Đại hội XI, thông qua quy chế làm việc với nhiều điểm mới về trách nhiệm, quyền hạn. 5 năm qua, trong một số thời điểm khó khăn của nền kinh tế, Ban Chấp hành Trung ương đã nhận định đúng, kịp thời điều chỉnh các nhiệm vụ, giải pháp cũng như kiên trì thực hiện các chủ trương.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo quốc phòng, an ninh, đối ngoại cũng có những điểm đáng ghi nhận trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực, nhất là biển Đông, diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, Trung ương đã bàn và đề ra chủ trương, giải pháp tổng thể để Bộ Chính trị triển khai, đạt kết quả tích cực, tạo đồng thuận trong xã hội, được quốc tế ủng hộ.
Một trong những thành tựu nổi bật mà Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đánh giá cao đó chính là việc kịp thời có những quyết sách, chỉ đạo để có sự hội nhập kinh tế quốc tế. Cụ thể, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kịp thời cho các chủ trương về phương án kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu...
Tuy nhiên, Báo cáo kiểm điểm cũng cho rằng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chưa quyết liệt trong chỉ đạo một số vấn đề kinh tế - xã hội phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của nền kinh tế. Đặc biệt, trong một số trường hợp, chưa chú ý kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, nhất là ở những lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, chiến lược.
Có ủy viên T.Ư chưa gương mẫu
Đánh giá ưu điểm đối với các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Báo cáo cho biết, các Ủy viên Trung ương đều có lập trường tư tưởng vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, đoàn kết, kiên định, bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, có tinh thần tự phê bình và phê bình...Tuy nhiên, vẫn còn người chưa gương mẫu hoặc để vợ con, người thân, cấp dưới lợi dụng, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước.
Theo Báo cáo, Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn giữ gìn phẩm chất đạo đức, bản lĩnh vững vàng, kiên định, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, tận tụỵ, bình tĩnh và cẩn trọng trong công việc, làm việc có hiệu quả, thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công. Tuy nhiên, công tác đánh giá cán bộ vẫn là điểm yếu. Hằng năm Bộ Chính trị, Ban Bí thư chưa đánh giá cán bộ theo phân cấp quản lý theo quy chế làm việc. Việc thực hiện chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phô trương, hình thức trong tổ chức lễ hội, đi công tác nước ngoài kết quả còn hạn chế.
“Việc ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ đảng viên kết quả chưa đạt yêu cầu đề ra. Công tác phòng chống tham nhũng lãng phí chưa có nhiều chuyển biến”, Báo cáo kiểm điểm nêu đánh giá chung, đồng thời chỉ rõ nguyên nhân quan trọng là do hoạt động, phương thức lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trên một số lĩnh vực còn hạn chế, chưa tập trung quyết liệt trong lãnh đạo tổ chức thực hiện nghị quyết, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong một số lĩnh vực chưa rõ…
“Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xin nghiêm túc tự phê bình trước Đại hội và toàn Đảng, toàn dân về những khuyết điểm, thiếu sót”, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh nói.
Đổi mới bầu cử để trọng dụng người tài
Trước đó, trong báo cáo về các văn kiện Đại hội XII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, nhiệm vụ nặng nề của thời kỳ phát triển mới đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, bè phái, “lợi ích nhóm”, nói không đi đôi với làm.
Cùng với đó, tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; xác định rõ quan hệ giữa tập thể lãnh đạo với cá nhân phụ trách; quyền hạn đi đôi với trách nhiệm và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương.
“Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp,... Đổi mới công tác bầu cử trong Đảng, phương thức tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ,... để lựa chọn những người thực sự có đức, có tài giữ các vị trí lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ. Có cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Ý kiến bạn đọc