(VnMedia) - Từ một quốc gia vừa trải qua chiến tranh khốc liệt, tài nguyên thiên nhiên nghèo nàn nhưng Hàn quốc đã trở thành một cường quốc, một con hổ Châu Á. Việt Nam với nguồn tài nguyên phong phú có thể tạo ra sức bật mạnh hơn cả Hàn Quốc trong tương lai.
Đây là khẳng định của tiến sĩ Jae Hoon Rhee, Giáo sư trường Nghiên cứu lãnh đạo Park Chung Hee và Saemaul kiêm Chủ tịch Hiệp hội Khu công nghiệp cao Hàn Quốc, tại buổi tọa đàm “Kỷ nguyên Park Chung Hee và quá trình phát triển thần kỳ của Hàn Quốc” và ra mắt cuốn sách cùng tên vào sáng 12/11 tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã Hội Việt Nam.
Với việc tổ chức buổi tọa đàm, Tiến sĩ Jae Hoon Rhee mong muốn sẽ góp phần nhỏ bé của mình vào sự phát triển của Việt Nam cũng như chắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Tiến sĩ Jae Hoon Rhee chia sẻ tại buổi tọa đàm |
Tại buổi tọa đàm, các diễn giả đã cùng phân tích về trường hợp của Nam Triều Tiên (nay là Hàn Quốc) giai đoạn những năm 60 của thế kỷ 20, với câu hỏi: "Tại sao từ một quốc gia vừa trải qua cuộc chiến tranh khốc liệt với dân số thưa thớt, tài nguyên thiên nhiên nghèo nàn dưới sự lãnh đạo của Park Chung Hee lại có thể trở thành một cường quốc, một con hổ châu Á với hàng loạt các doanh nghiệp đẳng cấp toàn cầu, duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và công nghiệp hóa nhanh chóng?"
Đằng sau câu chuyện chuyển mình thần kỳ của Hàn Quốc cũng là bức chân dung về cuộc đời và sự nghiệp của Park Chung Hee, Tổng thống thứ 3 của Hàn Quốc, nhà lãnh đạo của quá trình phát triển đó.
“Cuốn sách đã phân tích rất chi tiết đầy đủ về cách thức lãnh đạo của Park Chung Hee và ê kíp làm việc của ông từ việc thiết kế cuộc đảo chính 1961 đến việc xây dựng kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, việc sử dụng nhân lực bộ máy chính quyền đến sự khéo léo nhưng cũng cứng rắn để duy trì quyền lực”, ông Nguyễn Cảnh Bình Giám đốc VICC kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Alpha Books chia sẻ.
Ở nhà lãnh đạo Park Chung Hee, người ta thấy nổi bật lên 3 điểm đặc biệt xuất sắc. Thứ nhất, ông là người có kiến thức uyên thâm của một học giả với sự hiểu biết sâu sắc lịch sử Triền Tiên và thế giới và những hiểu biết về bối cảnh chính trị đương thời. Ông hiểu biết về dân tộc Triều Tiên, những bi kịch, thất bại mà dân tộc của ông đã phải chịu đựng và thế khó khăn của Hàn Quốc mắc kẹt giữa các cường quốc lớn, lúc đó là Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và cả Bắc Triều Tiên.
Thứ hai, ông là một chính trị gia khôn khéo khi thu xếp cuộc đảo chính năm 1961 và sau đó là những quyết định sáng suốt và uyển chuyển của ông trong thời kỳ cầm quyền. Sau này, ông cũng khéo léo sử dụng các sỹ quan quân đội để điều hành nền kinh tế, khéo léo kết hợp những trí thức trẻ có tài năng, kiến thức được du học từ Mỹ, cùng với giới tướng lĩnh quân sự để điều hành đất nước. Ví dụ như việc sử dụng các tiến sỹ trẻ 33 tuổi và 29 tuổi từ Mỹ về để xây dựng kế hoạch kinh tế 5 năm lần thứ nhất.
Thứ ba, ông là nhà lãnh đạo cứng rắn, kiên trì. Ông theo học trường quân sự tại Nhật Bản và đặc biệt hâm mộ những gì người Nhật đã làm được trong cuộc Canh tân minh trị. Niềm mong ước lớn lao nhất của ông là làm được một cuộc Canh tân minh trị trên mảnh đất Hàn Quốc. Ông cũng đã nỗ lực bằng mọi giá và cả tính mạng của mình để đạt được ước mơ đó.
Cuốn sách vừa được Alpha Books xuất bản |
Cuốn sách “Kỷ nguyên Park Chung Hee và quá trình phát triển thần kỳ của Hàn Quốc” là một tác phẩm đồ sộ rất chi tiết và rất đầy đủ với những sự kiện, những hành động, những biến chuyển của nước Hàn Quốc dưới sự lãnh đạo Park Chung Hee. Cuốn sách sẽ mang lại cho độc giả những góc nhìn đa chiều về chân dung của một nhân vật kiệt suất.
"Đây cũng là câu chuyện đầy cảm hứng về cách thức Hàn Quốc đã trở thành một quốc gia như ngày hôm nay," ông Bình cho biết thêm.
Những chia sẻ của các diễn giả cũng khơi gợi lên nhiều ý tưởng mới trong quá trình hiện đại hóa đất nước Việt Nam hiện nay.
Hiện nay cả 3 chương trình lớn nhất của Việt Nam: xóa đói giảm nghèo, nông thôn mới, chương trình phát triển đồng bào dân tộc đều thống nhất lấy cách tiếp cận huy động nhân dân xây dựng nội lực cộng đồng để làm sức mạnh chính. Đây là một ý tưởng mà Việt Nam lấy học hỏi từ Hàn Quốc - ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ tại buổi Tọa đàm.
Chương trình tọa đàm được Trung tâm hợp tác trí tuệ Việt Nam VICC phối hợp cùng Công ty Sách Alpha (Alpha Books), Tổ chức phi chính phủ Crestcom - Trường đào tạo kỹ năng lãnh đạo và quản lý trực quan, cùng với Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng thuộc Viện Hàn lâm KHXHVN tổ chức với mục đích tìm hiểu về vai trò của nhà lãnh đạo Park Chung Hee trong quá trình phát triển thần kỳ của Hàn Quốc, cũng như tìm kiếm các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Ý kiến bạn đọc