(VnMedia) - Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 diễn ra tại Malaysia đã đánh dấu một bước phát triển lịch sử của hiệp hội khi lãnh đạo các nước thành viên đã thông qua sự ra đời chính thức của Cộng đồng ASEAN trong năm nay.
Lãnh đạo cao nhất của 10 nước thành viên Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam hôm qua (22/12) đã tuyên bố chính thức thành lập Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/ 2015.
Sự hình thành của Cộng đồng ASEAN đã tạo ra một dấu mốc trong tiến trình liên kết, đảm bảo hòa bình, an ninh và tự cường dài lâu trong một khu vực hướng ra bên ngoài, với các nền kinh tế năng động, cạnh tranh và liên kết sâu rộng, và một cộng đồng thu nạp dựa trên ý thức mạnh mẽ về sự gắn kết và bản sắc chung.
Lãnh đạo các nước thành viên ASEAN nhấn mạnh mong muốn tiến tới một ASEAN thực sự dựa trên luật lệ, hướng tới con người, lấy con người làm trung tâm, nơi các dân tộc của chúng ta tiếp tục tham gia và hưởng lợi đầy đủ từ tiến trình liên kết và xây dựng cộng đồng đang diễn ra của ASEAN.
Tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN dựa trên Tầm nhìn ASEAN về một cộng đồng thống nhất, hòa bình, ổn định và cùng chia sẻ sự phồn vinh, được xây dựng trên cơ sở các nguyện vọng và cam kết trong Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Tầm nhìn ASEAN 2020, Tuyên bố Hòa hợp Bali II, Hiến chương ASEAN, Lộ trình Cộng đồng ASEAN (2009-2015) và Tuyên bố Hòa hợp Bali III.
Từ năm 2009, ASEAN đã đạt được những tiến triến tích cực trong việc triển khai Lộ trình Cộng đồng ASEAN, bao gồm các Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC), Khung Chiến lược Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) và Kế hoạch Công tác IAI giai đoạn II (2009-2015) cũng như Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN. Những tiến triển tích cực nói trên đã đưa ASEAN tới một cột mốc quan trọng khác trên chặng đường phát triển của ASEAN, đó là sự ra đời chính thức của Cộng đồng ASEAN 2015.
Với việc hình thành Cộng đồng ASEAN 2015, các nước thành viên ASEAN quyết tâm củng cố sự vững mạnh của Cộng đồng, phát huy những kết quả đạt được và làm sâu sắc tiến trình liên kết để hiện thực hóa một Cộng đồng ASEAN dựa trên luật lệ, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm, nơi người dân khu vực được hưởng các quyền con người và tự do cơ bản, với chất lượng cuộc sống cao hơn cùng các lợi ích mà tiến trình xây dựng cộng đồng mang lại, tăng cường sự gắn kết và bản sắc chung, trên cơ sở các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương ASEAN.
ASEAN hướng tới mục tiêu về một Cộng đồng hòa bình, ổn định và tự cường với năng lực được nâng cao để ứng phó hiệu quả với các thách thức và về ASEAN là một khu vực rộng mở với bên ngoài trong cộng đồng các quốc gia toàn cầu, đồng thời giữ vững vai trò trung tâm của mình. ASEAN cũng hướng đến việc các nền kinh tế sẽ liên kết chặt chẽ, bền vững và năng động, với kết nối ASEAN được đẩy mạnh cũng như những nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển được tăng cường, trong đó có Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI). Ngoài ra, ASEAN còn cần phải xây dựng năng lực để nắm bắt các cơ hội và hóa giải các thách thức trong thập kỷ tới.
Hội nghị Cấp cao ASEAN ngày hôm qua cũng đã đề ra Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Theo đó, Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN vào năm 2025 sẽ là một cộng đồng đoàn kết, dung nạp và tự cường. Người dân sẽ được sống trong một môi trường an toàn, an ninh và hài hòa, theo đuổi các giá trị khoan dung và ôn hòa cũng như đề cao các nguyên tắc cơ bản, các giá trị và chuẩn mực chung của ASEAN. ASEAN sẽ luôn gắn kết, có khả năng thích hợp và ứng phó trong xử lý các thách thức đối với hòa bình và an ninh ở khu vực, và đóng vai trò trung tâm trong việc định hình cấu trúc an ninh khu vực, đồng thời làm sâu sắc quan hệ với các đối tác bên ngoài và cùng đóng góp vào hòa bình, an ninh và ổn định toàn cầu.
Trong khi đó, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2025 sẽ là một cộng đồng gắn kết và liên kết chặt chẽ; cạnh tranh, sáng tạo và năng động; cùng với tăng cường kết nối kinh tế cũng như hội nhập và hợp tác liên ngành; trong khi thúc đẩy một cộng đồng dung nạp và tự cường hơn, hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm, đồng thời hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.
Về Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN vào năm 2025, đây sẽ là một cộng đồng thu hút sự tham gia của người dân và mang lại lợi ích cho người dân, và là một cộng đồng dung nạp, bền vững, tự cường và năng động.
Để đạt được Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, các nước thành viên sẽ hiện thực hóa cộng đồng với năng lực thể chế được tăng cường thông qua cải thiện quy trình hoạt động và phối hợp trong ASEAN, nâng cao hiệu quả và hiệu suất làm việc của tất cả cơ quan trong ASEAN và tăng cường Ban Thư ký ASEAN. ASEAN cũng sẽ hiện thực hóa cộng đồng với tăng cường sự hiện diện về thể chế của ASEAN tại từng quốc gia thành viên ASEAN.
Ý kiến bạn đọc