(VnMedia) - Trả lời phóng viên bên lề Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII, nhiều đại biểu khẳng định quy định tuyển dụng ưu tiên cho em trong ngành theo cách Ngân hàng Agribank chắc chắn là vi phạm
Như VnMedia đã đưa tin, Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) hôm 22/10 đã công bố công trên website thông tin tuyển dụng năm 2015, trong đó điều đặc biệt gây chú ý là Agribank công khai tiêu chí ưu tiên “con cán bộ hiện đang công tác tại các chi nhánh, văn phòng đại diện, các đơn vị thuộc Trụ sở chính của Agribank chưa có người con nào làm việc tại Agribank (con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi hợp pháp) được cộng 30 điểm (thang điểm 100)”, tức là chiếm tới suýt soát 30% tổng điểm.
Bên lề kỳ họp, Đại biểu Quốc hội, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương khẳng định:Quy định như vậy chắc chắn là “vi phạm quá rồi”. “30 điểm! Nhiều khi một hay nửa điểm đã trượt, giờ cộng thêm 30 điểm thì chắc chắn trúng rồi!”
Ông Nguyễn Sĩ Cương cho rằng, không phải Agribank mà nhiều ngành cộng thêm điểm cho con em trong ngành. Nhưng cứ cộng têm điểm cho con em trong ngành thì con em những ngành khác không bao giờ vào được. Đó là sự tuyển dụng khép kín.
“Cần hỏi Bộ Nội vụ để người ta xác định xem việc đó đúng sai như thế nào. Tôi nghĩ rằng không có căn cứ để tuyển dụng lao động theo kiểu ưu tiên như thế. VIệc tuyển dụng theo quy định của pháp luật phải công khai, không có chế độ ưu tiên ưu đãi ngoài những chế độ ưu tiên ưu đãi được pháp luật và nhà nước quy định. Còn các quy định của ngành thì đều không phù hợp.” – đại biểu Nguyễn Sĩ Cương nói.
Cũng chia sẻ về vấn đề này, đại biểu Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: “Ngành nào cũng có ưu tiên nhất định cho con em ngành mình, nhưng không nên thái quá. Nếu thái quá thì chỉ tuyển được mỗi con em ngành mình mà không lấy được người ngoài ngành, mặc dù người ngoài ngành có thể giỏi hơn.”
Ông nhấn mạnh: “Ưu tiên đến 30 điểm, đương nhiên là loại người giỏi ra ngoài. Tôi cho là không nên thế, mà nên có chính sách ưu tiên nhất định. Những điểm bằng nhau, gần bằng nhau thì có thể ưu tiên cho con em trong ngành. Bố mẹ có những cống hiến trong ngành. Cũng là đạo lý. Nhưng ưu tiên con em trong ngành để rồi để dành một đặc ưu, loại con em ngoài ngành là không nên”.
Trước câu hỏi, có ý kiến cho rằng quy định này vi hiến, Đại biểu Lê Như Tiến chia sẻ: “Nói vi hiến thì tôi cho rằng hơi lớn. Đây là điều vi phạm quy định của pháp luật về tuyển dụng. Làm như vậy là trái quy định về tuyển dụng. Mọi người được bình đẳng với nhau trong công tác cũng như trong tuyển dụng, trong đề bạt cũng như trong tuyến dụng. Nếu làm như vậy anh lại loại một số khác ra là không nên”.
Trong khi đó, đại biểu Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thẳng thắn khẳng định, quy định tuyển dụng như Agribank công bố là vi phạm hiến pháp. Ông cho biết, trong việc tuyển dụng, Nhà nước đã có những quy định chung về ưu tiên rất cụ thể.
"Đó là ưu tiên trong tuyển dụng đối với con liệt sỹ, người có công, hoàn cảnh khó khăn, học giỏi... và tất cả các cấp, ngành đều phải thực hiện theo. Đồng thời, người thuộc đối tượng nào thì sẽ được hưởng, công bằng như nhau. Còn đây, việc ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra công khai tiêu chí ưu tiên cho con em người nhà cán bộ ngân hàng là không đúng", Đại biểu Cao Sỹ Kiêm nói.
ĐẠi biểu Cao Sĩ Kiêm cũng thêm rằng, nếu trong trường hợp hai người cùng dự tuyển có trình độ, học vấn ngang nhau thì có thể chiếu cố thêm một chút cho con em cán bộ trong ngân hàng.
"Tuy nhiên, không được đặt ra việc cộng điểm như ngân hàng Agribank đã làm. Đó là một đặc lệ không tốt. Nếu ngành này đặt ra thế, ngành kia thế, địa phương này thế, địa phương kia thế thì con em những người không phải trong lĩnh vực, ngành này sẽ bị gạt ra ngoài hết. Điều đó, sẽ tạo ra sự bất công trong xã hội", ông Kiêm bày tỏ,
Đồng thời, ông Kiêm cũng nhấn mạnh, Hiến pháp năm 2013 đã quy định, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, do đó, tiêu chí cộng điểm cho con em cán bộ của ngân hàng Agribank là vi phạm Hiến pháp.
Điều đáng chú ý, trong thời gian qua, ngân hàng Nông nghiệp Phát triển và Nông thôn liên tục có những sự cố khi hàng loạt lãnh đạo cấp cao theo nhau vào tù vì vi phạm pháp luật.
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc