Đề thi THPT quốc gia cần phân hóa cao hơn nữa

15:55, 26/10/2015
|

(VnMedia) - Nhiều ý kiến cho rằng đề thi THPT quốc gia năm tới cần có độ phân hóa cao hơn nữa mới có thể phục vụ được cho nhiều mục đích là vừa để công nhận tốt nghiệp, vừa dùng kết quả để xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Trao đổi với phóng viên VnMedia, TS. Võ Thế Quân - Chủ tịch Hội đồng khoa học, Trung tâm Sáng tạo Việt, Hội Khuyến học Việt Nam, đồng thời hiện là Hiệu trưởng Trường Phổ thông Đông Đô (Hà Nội), cho biết, đề thi THPT quốc gia cần phải ra theo hướng phân hóa cao hơn nữa thì mới có thể đánh giá và chọn được những học sinh có trình độ học tiếp lên đại học.

Hiện đề thi gồm 2 phần chiếm tỷ trọng 50 - 50, một phần cơ bản dành cho thí sinh chỉ thi tốt nghiệp THPT, một phần nhằm phân hóa học sinh để xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Theo TS. Võ Thế Quân, tỷ trọng này là chưa hợp lý, đặc biệt với môn Ngữ văn thì tỷ trọng này chưa nói lên được gì nhiều. Nếu có thể đề thi cần nâng lên tỷ trọng là 40 - 60, trong đó 40% là các câu hỏi dễ, 60% là các câu hỏi khó hơn, thậm chí là 30% các câu hỏi dễ, 70% các câu hỏi khó hơn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trước đó, tại Hội nghị tổng kết năm học 2014 - 2015 và nhiệm vụ trọng tâm năm học 2015 - 2016 khối đại học, cao đẳng, khi thảo luận về hướng tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016, nhiều đại biểu cũng đã đề nghị đề thi tới đây cần có độ phân hóa trình độ rõ hơn.

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, Bộ GD&ĐT cần tổ chức Hội nghị lấy ý kiến trao đổi góp ý có tính chất tổng kết công tác tổ chức thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học trước khi ấn định phương án thi năm 2016. Trong đó, cần đặc biệt chú ý tới việc đổi mới đề thi cho kỳ thi tích hợp.

Theo PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, kỳ thi tích hợp nhiều mục đích nhưng đề vẫn ra theo cấu trúc cũ là không hợp lý, cần đề thi có độ phân hóa cao hơn nữa mới có thể phục vụ được kỳ thi sử dụng cho nhiều mục tiêu. Bộ GD&ĐT cũng cần xây dựng đề thi mang hướng tổng hợp, lồng ghép đa dạng các kiến thức khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội để có thể đánh giá toàn diện năng lực của học sinh.

GS.TS Đinh Xuân Khoa, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh cũng cho rằng, đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia tới đây cần phân hóa rõ ràng hơn nữa để xét tuyển vào đại học tốt hơn. Thậm chí, ông còn đề nghị bỏ phần thi viết luận trong môn Ngoại ngữ.

Cũng tương tự, GS.TS Trần Văn Nam, Giám đốc Đại học Đà Nẵng đề nghị bỏ phần thi tự luận trong đề thi Ngoại ngữ. Theo lý giải của ông vì 2 điểm trong phần thi viết luận của môn Ngoại ngữ không thể đánh giá hết được trình độ thí sinh, nhất là trong trường hợp coi thi không nghiêm túc, thí sinh có thể chép bài. Theo ông đây cũng là phần thi dễ dẫn đến gian lận, tiêu cực trong thi cử.

Thùy Hoa


Ý kiến bạn đọc