(VnMedia) - Ba nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone điều chỉnh cước dịch vụ 3G, diễn tập quốc gia về điều phối ứng cứu sự cố máy tính lần đầu tiên trên diện rộng… là những sự kiện của ngành Thông tin và Truyền thông thu hút sự quan tâm lớn của xã hội trong tuần qua.
Diễn tập quốc gia về điều phối ứng cứu sự cố máy tính lần đầu tiên
Trong tuầnn qua, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp sự cố máy tính Việt Nam (VNCERT) đã tổ chức diễn tập quốc gia về điều phối ứng cứu sự cố máy tính lần đầu tiên với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, các Sở Thông tin và Truyền thông trên toàn quốc và các nhà cung cấp dịch vụ Internet (VNPT, Viettel, NetNam).
Theo ông Vũ Quốc Khánh, Giám đốc VNCERT, đây là đợt diễn tập quy mô quốc gia với nhiều đầu mối (tổng cộng có khoảng 80 đầu mối). VNCERT đã chuẩn bị cho đợt diễn tập này từ cách đây 6 tháng. Mục tiêu quan trọng nhất của buổi diễn tập là nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác điều phối ứng cứu sự cố máy tính tại các đơn vị và tăng cường hoạt động kết nối và chia sẻ thông tin giữa các thành viên mạng lưới.
Trên cơ sở đánh giá ứng cứu sự cố của các nơi, VNCERT có được đánh giá về nhận thức hiện tại về an toàn thông tin của các đơn vị trước khi vận hành mạng lưới ứng cứu sự cố. Từ đó, VNCERT sẽ có định hướng cho các chương trình đào tạo về an toàn thông tin, phát hành tài liệu hướng dẫn và chuẩn bị cho các lần diễn tập tiếp theo".
Ông Phạm Tiến Huy, thành viên Tổ An toàn thông tin (Tập đoàn VNPT) tham gia buổi diễn tập cho biết, VNPT đánh giá cao đợt diễn tập này vì giúp VNPT tăng cường bảo vệ mạng lưới hạ tầng công nghệ thông tin của mình cũng như tăng cường đảm bảo an toàn thông tin cho khách hàng. Đại diện VNPT cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức về an toàn thông tin cho các cơ quan, tổ chức và các địa phương.
VNPT dốc sức khắc phục thiệt hại sau bão tại miền Trung
Bão số 11 đổ bộ vào miền Trung trong tuần qua đã gây thiệt hại nặng nề cho mạng lưới viễn thông. Tại Đà Nẵng, tính đến chiều 16/10, trên mạng lưới của VNPT Đà Nẵng có khoảng 120 trạm bị mất liên lạc do mất điện lưới trên diện rộng. Khoảng 5.000 thuê bao cố định mất liên lạc do đứt cáp. Đã có 1 trạm BTS và 249 cột cáp bị gẫy đổ. Ngay khi bão đi qua, VNPT Đà Nẵng đã dốc toàn lực để nhanh chóng khắc phục các thiệt hại do bão gây ra.
Do vậy, dù ảnh hưởng nặng nề của bão, hệ thống thông tin liên lạc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng luôn được thông suốt trước, trong cũng như sau bão đảm bảo thông tin phục vụ tốt công tác chỉ đạo phòng chống và khắc phục hậu quả của Trung ương, chính quyền địa phương, nhân dân và của Tập đoàn…
Trong phương án của VNPT Đà Nẵng, việc xử lý sự cố mạng, xử lý máy hỏng cũng đã được phân loại ưu tiên để đảm bảo phục vụ tốt cho sự chỉ đạo của các cấp ủy và chính quyền địa phương, đảm bảo TTLL của các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và nhân dân địa phương.
Sức tàn phá của cơn bão số 11 quá mạnh cũng đã gây nhiều thiệt hại về tài sản của VNPT Quảng
16/10: Chính thức điều chỉnh cước 3G
Dịch vụ di động 3G đã chính thức được các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam cung cấp cách nay đúng 4 năm, tiên phong là VinaPhone, ngày 12/10/2009. Từ thời điểm đó đến nay, để thu hút khách hàng, doanh nghiệp đã giảm giá cước truy nhập Internet xuống dưới giá thành và lấy các dịch vụ di động khác bù lỗ cho dịch vụ này. Tuy nhiên, về lâu dài, việc doanh nghiệp điều chỉnh tăng cước là việc cần làm. Đó chính là một trong những lý do mà các mạng di động Viettel, VinaPhone và MobiFone đã điều chỉnh cước 3G từ ngày 16/10 vừa qua.
Tại buổi tọa đàm giao lưu “Vì sao tăng cước 3G” mới đây Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Đức Trung cho biết, ngày 4/10/2013, Cục Viễn thông đã ký văn bản chấp thuận việc điều chỉnh giá cước của doanh nghiệp. Ngoài nguyên tắc tăng giá cước trên cơ sở giá thành, thì cũng có một nguyên tắc cơ bản là doanh nghiệp phải công bố thông tin về gói cước và chất lượng do doanh nghiệp cam kết tới khách hàng. Cục Viễn thông cũng có công cụ để kiểm tra và thường xuyên kiểm tra doanh nghiệp về cam kết chất lượng dịch vụ.
Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt giá cước 3G của nhà mạng dựa vào các văn bản quy định như Luật Viễn thông, Luật Giá, Luật Cạnh tranh. Luật Viễn thông Quy định tại Điều 55 Luật Viễn thông và Nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông có quy định tại Điều 38, Luật Giá quy định tại Điều 5, Luật Cạnh tranh quy định tại Điều 13,... quy định giá cước viễn thông phụ thuộc vào một số yếu tố như sau: giá thành, cung cầu trên thị trường và giá cước khu vực và quốc tế.
Lý giải việc cả ba mạng di động tăng cùng một thời điểm, ông Nguyễn Đức Trung, Cục Viễn thông cho biết: đối với các doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế thì phải đăng ký giá dịch vụ với Cục Viễn thông. 3 doanh nghiệp đã có văn bản đăng ký từ tháng 8/2013 là VMS, Viettel và VinaPhone đăng ký điều chỉnh giá cước. Cơ quan quản lý có văn bản chấp thuận cho các doanh nghiệp điều chỉnh giá cước, văn bản chấp thuận được ký cùng ngày 4/10/2013 nên có thể thời điểm tăng giá của các doanh nghiệp trùng nhau.
Ngày 14/10/2013, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý III/2013 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với hai đầu cầu Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong quý III, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tập trung xây dựng dự thảo Luật an toàn thông tin và Nghị quyết của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, tạo nền tảng phương thức phát triển mới, nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia; chỉ đạo tốt công tác thông tin, tuyên truyền về những vấn đề kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng; các hoạt động kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước và ngành thông tin truyền thông; tập trung tuyên truyền về công tác bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo với việc tiếp tục Triển lãm bản đồ và tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử” tại một số địa phương; phát động các chiến dịch quyên góp, ủng hộ đồng bào và chiến sĩ vùng biển, đảo qua cổng thông tin điện tử 1400; khánh thành Cụm Thông tin đối ngoại tại thác Bản Giốc, Cao Bằng; phối hợp, chỉ đạo ngăn chặn nhập khẩu bộ tem Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam về quần đảo Hoàng Sa; đẩy mạnh việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thông tin trên mạng Internet, góp phần thúc đẩy phát triển Internet tại Việt Nam trong giai đoạn tới; ban hành Chương trình phát hành Tem bưu chính năm 2015, Đề án triển khai dịch vụ chuyển mạng thông tin di động giữ nguyên số thuê bao tại Việt Nam, Đề án thông tin, tuyên truyền về số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất; phát hành Sách Trắng về CNTT-TT năm 2013. Cùng với đó, công tác hợp tác quốc tế được chú trọng với nhiều hoạt động hợp tác quốc tế, thúc đẩy quan hệ thương mại; tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều hội nghị lớn như: Tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg và sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg; triển khai thực hiện quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí;…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son yêu cầu trong thời gian tới các đơn vị, doanh nghiệp cần tập trung xây dựng và hoàn thành các đề án trong Chương trình công tác những tháng cuối năm 2013; hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; tập trung chỉ đạo và định hướng công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế và xã hội của đất nước và thế giới; tập trung kiện toàn tổ chức, bộ máy, chức năng nhiệm vụ ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định mới quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ; triển khai tốt Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ về công tác tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; khẩn trương xây dựng Nghị định quy định điều lệ tổ chức và hoạt động của VNPT sau khi Đề án tái cơ cấu VNPT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt… Bên cạnh đó, các đơn vị cần đẩy mạnh triển khai các chương trình, đề án đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo giai đoạn 2012-2015; Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015; Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020; tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo và nâng cao khả năng sử dụng máy tính, truy nhập Internet công cộng tại các Điểm Bưu điện - Văn hóa xã; xây dựng chính sách quản lý đối với các dịch vụ liên lạc miễn phí trên mạng Internet (dịch vụ OTT); tổng kết thanh tra diện rộng về quản lý thuê bao di động trả trước; tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử phạt các hành vi cung cấp tin nhắn rác, tin nhắn và cuộc gọi lừa đảo...
|
Ý kiến bạn đọc