“Quản lý phải thúc đẩy Internet phát triển”

18:27, 01/12/2012
|

(VnMedia) - Nếu như Internet Việt Nam đã từng có giai đoạn, “quản lý tới đâu, mở tới đó” và “quản lý phải theo kịp sự phát triển”, thì từ nay, “quản lý phải thúc đẩy sự phát triển”. Đó là sự gửi gắm của một trong những người đã đặt nền móng đầu tiên cho Internet vào Việt Nam cách đây 15 năm - nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực tại Lễ kỷ niệm 15 năm Internet Việt Nam.

 

Sáng nay, 1/12/2012, Hiệp hội Interent Việt Nam với sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Lễ kỷ niệm 15 năm Internet được chính thức cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Thông điệp được nhắm tới trong Lễ kỷ niệm của Hiệp hội đó là “Hướng tới tương lai”.

 

Phát biểu khai mạc buổi Lễ kỷ niệm 15 năm Internet Việt Nam , Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng đã lần giở lại những trang phát triển đầu tiên của Internet Việt Nam . Cách đây mười lăm năm, Internet ở Việt Nam đã bắt đầu manh nha từ hệ thống email đầu tiên do nhóm các nhà khoa học của Viện Công nghệ thông tin thiết lập và sự kiện tên miền của Việt Nam chính thức được đăng ký và xuất hiện trên bản đồ thế giới.

 

Hành trình để Việt Nam chính thức tham gia vào mạng Internet toàn cầu bắt đầu từ ngày 19/12/1996, lần đầu tiên tại Hội nghị Trung ương 2 khoá VIII họp bàn về Internet và đã đưa ra quyết định táo bạo cho phép mở Internet vào Việt Nam. Đây được đánh giá là một dấu ấn đặc biệt, thể hiện sự sáng suốt và nhạy bén của Đảng trong việc nhận thức vai trò, tương lai phát triển của Internet và quyết tâm ứng dụng Internet vào các ngành kinh tế, xã hội nhằm phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.


 Ảnh minh họa

Lễ kỷ niệm 15 năm Internet Việt Nam vừa diễn ra sáng nay, 1/12 tại Hà Nội. Ảnh: Thủy Nguyên

 

Ngay sau đó, Nghị định 21-CP ngày 5/3/1997 ra đời đã tạo lập cơ sở hành lang pháp lý, nền móng cho các hoạt động Internet tại Việt Nam và lễ kết nối Internet toàn cầu đã chính thức diễn ra vào ngày 19/11/1997. Từ đó đến nay, để quản lý theo kịp sự phát triển của Internet, rất nhiều các chính sách đã được ban hành đã góp phần giúp cho Internet Việt Nam phát triển nhanh, theo kịp với sự phát triển thế giới như ngày hôm nay.

 

Và sau 15 năm phát triển, Internet giờ đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống - kinh tế - văn hóa - xã hội Việt Nam, là nhu cầu như “cơm ăn, nước uống” hàng ngày của 1/3 người dân Việt Nam. Sự phát triển của Internet đã mang lại lợi ích to lớn của các quốc gia nói riêng và của toàn thế giới nói chung. Nó ảnh hưởng trực tiếp tới mỗi ngành, mỗi cấp, tới từng cơ quan, tổ chức, cá nhân.

 

Theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, hiện trên toàn mạng Internet Việt Nam đã có khoảng 31 triệu người sử dụng Internet, chiếm tỉ lệ 35,49% dân số, trong đó, số lượng thuê bao Internet băng rộng đạt trên 4 triệu thuê bao. Việt Nam đứng thứ 18 trong Top 20 quốc gia có số lượng người sử dụng Internet lớn nhất trên thế giới. Chúng ta là quốc gia đứng thứ 8 trong khu vực Châu Á và đứng vị trí thứ 3 ở khu vực Đông Nam Á về số lượng người sử dụng Internet. So với năm 2000, số lượng người sử dụng Internet Việt Nam đã tăng khoảng hơn 15 lần.

 

Chia sẻ cảm xúc tại Lễ kỷ niệm 15 năm Internet có mặt tại Việt Nam , TS. Mai Liêm Trực, Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông đã chia sẻ nhiều kỷ niệm đáng nhớ của những ngày đầu đưa Internet vào Việt Nam . Ở thời điểm đó, Tiến sĩ Mai Liêm Trực là Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện, ông đã sớm nhận thức được sự phát triển tất yếu của Internet, là người đã thuyết phục các nhà lãnh đạo của Việt Nam khi đó cho mở cửa thị trường này.

 

Tiến sĩ Mai Liêm Trực chia sẻ, bản thân ông cũng không thể tưởng tượng được Internet Việt Nam lại phát triển bùng nổ như hiện nay, đặc biệt là tác động của Internet tới toàn bộ các hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa của đất nước chúng ta. Tư duy quản lý Internet theo từng giai đoạn đã có sự thay đổi lớn.

 

Ngày đầu đưa Internet vào Việt Nam , khi đó Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho phép tạm thời việc phát triển ứng dụng Internet tại Việt Nam . Tiến sĩ Mai Liêm Trực nói, ông chia sẻ với những lo lắng của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta lúc bấy giờ. Bởi lúc đó đất nước vừa trải qua chiến tranh suốt một thời gian dài, vấn đề an ninh quốc gia, chủ quyền lãnh thổ... là rất đáng lo ngại. Cho nên ở thời điểm đó, quy định đưa ra tạm thời để nếu có gì sai còn sửa.

 

Và ở giai đoạn đầu, tư duy quản lý Internet được định hướng là “quản đến đâu thì mở đến đấy”, quản từ từ, quản được thì mới mở, chưa quản được thì chưa cho mở. Cũng vì vậy mà dù Việt Nam đã mở Internet từ năm 1997 nhưng do các cơ quan không theo kịp được sự quản lý nên suốt 2 - 3 năm sau vẫn không cho mở Internet cafe, đại lý Internet... số lượng người sử dụng Internet rất hạn chế.

 

Đến năm 2000, Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị đã đưa ra một tư duy quản lý đổi mới, đó là “quản lý phải theo kịp sự phát triển”, có nghĩa cái gì phát triển được thì cho phát triển, còn các cơ quan chức năng phải theo để làm sao quản lý được chứ không hạn chế sự phát triển. Theo tiến sĩ Mai Liêm Trực, đấy là một quan điểm rất mạnh mẽ để thúc đẩy sự phát triển Internet của Việt Nam .

 

Còn hiện nay, tiến sĩ Mai Liêm Trực cho rằng, tư duy quản lý Internet không chỉ dừng ở mức "cởi trói", "theo kịp sự phát triển" mà phải tiếp tục thay đổi hơn nữa đó là “quản lý phải thúc đẩy sự phát triển”.

 

Còn về phía doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, với vai trò là một ISP lớn nhất Việt Nam hiện nay,Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT là một trong những đơn vị tiên phong trong việc phát triển Internet Việt Nam. Không chỉ có công lớn trong quá trình số hóa, VNPT còn có công lớn trong việc triển khai hạ tầng, cung cấp các dịch vụ ứng dụng Internet, chiếm đến 70% thị phần Internet Việt Nam.

 

Tại lễ Kỷ niệm, đại diện Tập đoàn VNPT, ông Nguyễn Minh Dân - thành viên Hội đồng thành viên VNPT đã chia sẻ những chiến lược mà Tập đoàn chuẩn bị triển khai trong lĩnh vực Internet trong thời gian tới. Theo ông Nguyễn Minh Dân, VNPT trong suốt 15 năm vừa qua đã hết sức cố gắng, nỗ lực thiết kế, quy hoạch, đầu tư và phát triển hệ thống mạng lưới viễn thông, Internet dựa trên kỹ thuật công nghệ cao, dung lượng lớn, phủ khắp lãnh thổ Việt Nam, từ thành thị, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đến thời điểm này, VNPT đã có trên 3,1 triệu thuê bao Internet băng rộng, trên 10 triệu thuê bao 3G.

 

Với trách nhiệm là môt doanh nghiệp đi tiên phong trong việc triển khai Internet tại Việt Nam, VNPT đã đặt ra hướng phát triển, đến năm 2015, sẽ trở thành một trong 10 doanh nghiệp lớn nhất cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet trên khu vực Châu Á. Để thực hiện mục tiêu này, VNPT sẽ tiếp tục nâng cấp, tối ưu hóa mạng lưới viễn thông, Internet dựa trên hệ thống kỹ thuật, công nghệ hiện đại, sẽ tiếp tục phát triển triển khai các dịch vụ băng rộng mới, đặc biệt hướng tới khách hàng, phục vụ giáo dục, y tế…

 

“Sử dụng các dịch vụ viễn thông, Internet của VNPT, quý vị sẽ có được tất cả những gì quý vị mong muốn, có thể làm được những gì quý vị cần” - ông Nguyễn Minh Dân đã chia sẻ thông điệp ngắn gọn mà VNPT gửi tới mọi khách hàng của mình.

 

Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương bày tỏ sự ghi nhận công sức đi đầu, mở đường của các nhà khoa học đã xây móng cho một tòa nhà lớn hôm nay và đồ sộ trong tương lai. Ông tin tưởng - truyền thông, một lĩnh vực quan trọng bậc nhất đối với công cuộc hiện đại hóa đất nước, hiện đại hóa dân tộc.


Hiền Mai

Ý kiến bạn đọc