(VnMedia) - Trong hai đợt kiểm tra vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11 vừa qua, tại Hà Nội và TP.HCM, cơ quan chức năng đã phát hiện một loạt các siêu thị điện máy vi phạm bản quyền phần mềm.
Tại Hà Nội, đoàn thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kết hợp với lực lượng cảnh sát Hà Nội đã tiến hành kiểm tra siêu thị Điện máy - Nội thất Việt Long có địa chỉ số 10 Trần Phú, Hà Đông và tại TP. Hồ Chí Minh, đoàn kiểm tra của Phòng Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh cũng tổ chức đợt kiểm tra bất ngờ tại công ty TNHH Thương mại Gia Bảo A.B tại số 108 Bùi Thị Xuân, quận 1; công ty TNHH Long Bình tại số 50 Nguyễn Cư Trinh, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 và siêu thị điện máy Ebest thuộc Công ty TNHH Thiên Thuận Tường tại địa chỉ 70 Lữ Gia, phường 15, quận 11.
Tại các doanh nghiệp này, đoàn thanh tra liên ngành đã phát hiện nhiều máy tính thương hiệu Acer, Asus, Samsung, HP, Dell, Compaq cài đặt phần mềm không bản quyền của Microsoft nhưWindows 7 Ultimate, Office Professional Plus 2010, Windows 7 Home Premium, Microsoft Office Enterprise 2007 và đặc biệt có máy tính còn cài đặt Windows 8 Pro, hệ điều hành mới nhất của Microsoft vừa mới được ra mắt chính thức trên toàn cầu vào ngày 26/10/2012 và tại Việt Nam vào ngày 1/11/2012 vừa qua.
Vi phạm bản quyền tại Việt Nam vẫn luôn là một vấn nạn đáng lo ngại, mặc dù tỷ lệ vi phạm của Việt Nam đã giảm từ 83% năm 2010 xuống còn 81% vào năm 2011. Tuy nhiên, theo số liệu của Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp (BSA) công bố hồi tháng 4 vừa qua, tổng giá trị phần mềm máy tính vi phạm bản quyền ở Việt Nam năm 2011 là 395 triệu USD, chỉ giảm 4% so với năm 2010.
Ngoài những sản phẩm phổ thông của nước ngoài như Windows, Microsoft Office, Adobe, Corel hay Photoshop, một số sản phẩm phần mềm thương mại của Việt Nam cũng thường xuyên xuất hiện trong danh sách những sản phẩm bị vi phạm như từ điển Lạc Việt của công ty Lạc Việt hay bộ gõ Vietkey của nhóm Vietkey Group.
Ý kiến bạn đọc