VTN: 25 năm “Trí tuệ - Năng động - Tiên phong - Vượt khó”

10:18, 01/04/2015
|

(VnMedia) Ngày 31/3, tại Hà Nội, Công ty Viễn thông Liên tỉnh (VTN), thành viên Tập đoàn VNPT đã tổ chức Buổi gặp mặt, giao lưu nhân kỉ niệm 25 năm thành lập. Tham dự có Chủ tịch Hội đồng Thành viên (HĐTV) Tập đoàn VNPT Trần Mạnh Hùng, nguyên Chủ tịch HĐTV VNPT Phạm Long Trận, các Ủy viên HĐTV và cán bộ, lãnh đạo qua các thời kì của VTN.

VTN đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất  
VTN luôn đảm bảo mạng lưới và mục tiêu kinh doanh


Trong không khí trang trọng, đầy thân tình của buổi gặp mặt, Giám đốc Công ty VTN Lương Mạnh Hoàng  thay mặt đơn vị báo cáo chung những thành tích mà VTN đã đạt được trong giai đoạn vừa qua.

Với những nỗ lực không ngừng, VTN luôn nỗ lực duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đặc biệt trong 5 năm vừa qua mức tăng trưởng bình quân 14%/năm, năng suất lao động bình quân tăng 22%.

Năm 2010, cũng trong buổi lễ kỷ niệm 20 năm thành lập, nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Đỗ Trung Tá đã từng ghi nhận những đóng góp không nhỏ của VTN, đồng thời cũng chỉ rõ những thuận lợi và thách thức trong chặng đường phát triển tiếp theo của VTN. Đồng thời nguyên Bộ trưởng Đỗ Trung Tá cũng kỳ vọng rằng VTN sẽ tiếp tục giữ nguyên giá trị 8 chữ vàng “Trí tuệ - Năng động - Tiên phong - Vượt khó” mà Bộ Bưu chính Viễn thông đã trao tặng.

Năm 2014, Tổng doanh thu VT-CNTT của VTN thực hiện là 5.847,8 tỉ đồng, đạt 101,7% kế hoạch được Tập đoàn giao. Mạng viễn thông liên tỉnh không ngừng được đầu tư mở rộng cả về phạm vi, dung lượng và công nghệ ứng dụng, tạo bước đột phá mới về phát triển mạng lưới, góp phần quan trọng vào việc xây dựng hạ tầng Viễn thông Việt Nam theo hướng ngày càng hiện đại. Các dự án trọng điểm được VTN xây dựng tiến độ chi tiết, theo dõi sát sao, kịp thời xử lý nhanh những vướng mắc phát sinh. Một số công trình tiêu biểu có thể được kể đến  như hệ thống truyền dẫn miền Trung, trang bị mới hệ thống truyền dẫn đường trục Bắc – Nam, hệ thống truyền dẫn Tây Bắc. Công tác quản lý, điều hành kỹ thuật đảm bảo chất lượng, an toàn mạng lưới luôn là nhiệm vụ trọng tâm và là thế mạnh của VTN.

VTN đã chủ động nghiên cứu, đổi mới phương pháp quản lý kỹ thuật, xây dựng phương án cung cấp truyền dẫn dự phòng nóng cho các hướng kết nối quan trọng của các mạng di động, sắp xếp, điều chuyển thiết bị, phân bổ kênh luồng, dồn dịch các bước sóng đang khai thác để lấy vật tư dự phòng. Công ty cũng chú trọng đến việc tổ chức mạng lưới hợp lý, tối ưu mạng lưới để tăng hiệu quả sử dụng năng lực mạng. Tổng dung lượng trang bị của hệ thống truyền dẫn do VTN quản lý là 5.594Gb/giây, trong đó tổng dung lượng sử dụng là 5.250Gbps, đạt 94%.

Bên cạnh đó, cuối năm 2014, VTN đã thí điểm thành lập Trung tâm Vận hành Khai thác (OMC) nhằm điều hành xử lý thông tin ngày càng chuyên nghiệp. Công ty cũng đã hoàn thiện bộ chỉ tiêu chất lượng mạng lưới và tiêu chuẩn đánh giá công tác quản lý kỹ thuật và vận hành khai thác của các đơn vị. Nhờ quản lý và kiểm tra sát sao, VTN đã luôn đảm bảo chất lượng mạng lưới, tổng số sự cố trên mạng viễn thông do VTN quản lý đã ngày càng giảm.

Không chỉ vậy, các phong trào thi đua do Tập đoàn và Công đoàn Bưu điện Việt Nam phát động được triển khai với nhiều nội dung thiết thực. Trong năm 2014 đã có 103 sáng kiến cấp Công ty và cấp cơ sở được khen thưởng với tổng số tiền thưởng lên đến trên 350 triệu đồng. Công ty đã thực hiện nghiệm thu 3 đề tài cấp công ty và nghiệm thu cơ sở 1 đề tài cấp Tập đoàn. Nhiều đề tài, sáng kiến đã được áp dụng vào thực tế, đem lại hiệu quả thiết thực.

Năm 2015, công ty đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng với chỉ tiêu doanh thu phấn đấu đạt 5.961,3 tỉ đồng, tăng 2% so với thực hiện năm 2014, chênh lệch thu chi phấn đấu tăng tối thiểu 8% so với thực hiện 2014; năng suất lao động tăng ít nhất 15%.


Ảnh minh họa

Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT Trần Mạnh Hùng tặng quà lưu niệm cho
Công ty Viễn thông Liên tỉnh

Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT Trần Mạnh Hùng, nguyên Chủ tịch HĐTV VNPT Phạm Long Trận đều đánh giá cao những thành tích mà VTN đã đạt được đồng thời tin tưởng trong thời gian tới với sự đoàn kết, đồng lòng, VTN sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh sẵn có, đẩy mạnh hoạt động SXKD, chăm sóc khách hàng, xúc tiến hợp tác trong nước và quốc tế để mở rộng kênh bán hàng, thử nghiệm để đưa các dịch vụ mới vào khai thác nhằm đa dạng hóa dịch vụ, tăng khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng, góp phần gia tăng thị phần của VTN trên thị trường.

Cuối tháng 3 vừa qua, VTN cũng vinh dự nhận kỉ niệm chương “ Nhà cung cấp hạ tầng tốt nhất” do Bộ Tài chính trao tặng, Công ty viễn thông liên tỉnh VTN đã và đang cung cấp khoảng 2000 kênh truyền cho toàn ngành tài chính từ năm 2009 đến nay. Bộ Tài chính cũng đánh giá rất tốt về chất lượng kênh truyền, cũng như đội ngũ kĩ thuật giàu kinh nghiệm của VTN.

Nhìn lại 25 năm đáng tự hào

25 năm hoạt động, công ty VTN liên tục nghiên cứu, ứng dụng, triển khai các giải pháp và công nghệ mới, góp phần vào thành công của mỗi khách hàng, đóng góp giá trị cho xã hội. Các thành tích mà Công ty VTN đạt được đã được ghi nhận xứng đáng bằng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.

Giai đoạn 1990-1995: Hiện đại hóa và nâng cao năng lực

Công ty VTN tiến hành hiện đại hóa và nâng cao năng lực, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt đến mọi miền tổ quốc; triển khai thành công các công nghệ mới, chuyển mạnh từ viễn thông công nghệ tương tự (analog) sang viễn thông công nghệ số (digital) cả về truyền dẫn và chuyển mạch, đẩy nhanh việc thử nghiệm thông tin di động.

Giai đoạn 1996-2001: Mở rộng quy mô và phát triển nhanh trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước.

 Năm 1996, xa lộ thông tin quốc gia với dung lượng đường truyền lớn trên 30.000 kênh thoại được hình thành, đủ sức chuyển tải hàng chục triệu phút đàm thoại đường dài mỗi ngày. Tuyến cáp quang trục Bắc - Nam từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh có dung lượng 2,5 Gb/s sử dụng công nghệ truyền dẫn SDH được hoàn thành và đưa vào khai thác. Đồng thời, một hệ thống mạch vòng cáp quang có cự ly dài nhất trong khu vực đã được xây dựng với 04 mạch vòng chính giữa tuyến trục cáp quang quốc lộ 1A và tuyến trục cáp quang trên đường truyền tải điện 500KV.

Giai đoạn 2001-2005: Tăng cường hội nhập về công nghệ và mạng lưới, tiếp tục phát triển nhanh, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ.

Công ty VTN tiếp tục thực hiện cáp quang hóa mạng viễn thông liên tỉnh kết hợp với mở rộng nâng cấp một số tuyến viba dung lượng lớn ở từng khu vực, đặc biệt phải kể đến các dự án: mở rộng đường truyền trục chính Bắc - Nam lên 8 lần từ 2,5 Gb/s lên 20 Gb/s, nâng cấp chất lượng tuyến trục cáp quang 2,5 Gb/s Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, cáp quang đường Hồ Chí Minh, nâng dung lượng các tuyến truyền dẫn khác từ 622 Mbit/s lên 2,5 Gb/s, củng cố siêu xa lộ thông tin quốc gia.

Giai đoạn 2006-2009: Đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực hạ tầng viễn thông liên tỉnh ngày càng hiện đại và vững chắc, đảm bảo kinh doanh thắng lợi trong tình hình mới.

 Qua nhiều lần xây dựng và nâng cấp, tuyến trục Bắc - Nam của công ty VTN đã có 2 hệ thống với công nghệ DWDM đạt tới dung lượng120 Gb/s và 240 Gb/s, đảm bảo thông tin cho Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và các tỉnh dọc quốc lộ 1 và Tây Nguyên. Xây dựng mới các hệ thống truyền dẫn khu vực phía Bắc và phía Nam sử dụng các công nghệ truyền dẫn tiên tiến với tổng dung lượng 700 Gb/s mỗi khu vực.

Giai đoạn 2010-nay: Tiếp tục có những bước đột phá về công nghệ và đổi mới tư duy kinh doanh, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, phục vụ thông tin liên lạc cho các cơ quan Đảng, Nhà nước,đồng thời đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường viễn thông,vì sự phát triển bền vững của Công ty VTN và Tập đoàn VNPT, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Trong giai đoạn này Công ty chú trọng việc xây dựng và đưa vào khai thác phân hệ truyền thông đa phương tiện trên nền giao thức Internet (Internet Protocol Multimedia Subsystem, IMS) cung cấp các dịch vụ tiên tiến như các dịch vụ giá trị gia tăng, đa phương tiện trên một hạ tầng mạng đồng nhất.

Triển khai xây dựng mới hệ thống truyền dẫn khu vực miền Trung và Tây nguyên với tổng dung lượng 320 Gb/s, mở rộng tuyến trục Bắc - Nam 240 Gb/s lên 500 Gb/s, xây dựng một tuyến trục Bắc - Nam mới dung lượng 400 Gb/s, tuyến truyền dẫn cáp quang biển Kiên Giang - Phú Quốc.

 


Thảo Hoàng - (TH)

Ý kiến bạn đọc