25 năm kết nối Việt Nam và thế giới: Từ VTI đến VNPT-I

10:17, 01/04/2015
|

(VnMedia) - Công ty Viễn thông quốc tế, công ty thành viên Tập đoàn VNPT (VNPT-I) vừa vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hàng Nhì tối ngày 31/3/2015 tại Hà Nội. Huân chương Lao động hạng Nhì được trao cho VNPT-I đúng dịp kỷ niệm 25 năm thành lập với thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2009 - 2013, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Khai trương Văn phòng đại diện của VNPT-I tại Campuchia  
VNPT đặt "viên gạch" đầu tiên tại thị trường Myanmar


Những ngày đầu tiên của VTI

Ngày 31/3/1990, Công ty Viễn thông quốc tế, tên giao dịch quốc tế là Vietnam Telecom International (VTI) được thành lập, là đơn vị trực thuộc Tổng cục Bưu điện (sau là Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam) nay là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) với 3 Trung tâm Viễn thông quốc tế khu vực 1, 2, 3.

Ở thời kỳ đó, ngành Bưu điện vô cùng khó khăn về vốn đầu tư do ngân sách là rất nhỏ, nếu cứ trông chờ vào nguồn vốn của Nhà nước thì chắc chắn sẽ không có bước đột phát để đi lên từ một mạng lưới viễn thông nghèo nàn, lạc hậu. Làm gì để có vốn đầu tư trở thành nỗi trăn trở của Lãnh đạo Ngành Bưu điện lúc bấy giờ.

Sau rất nhiều cân nhắc, quyết định lựa chọn viễn thông quốc tế làm khâu đột phát trong chiến lược phát triển ngành Bưu điện cho thời kỳ đổi mới đã được Lãnh đạo ngành đưa ra. Hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh với nước ngoài cũng được lựa chọn như một giải pháp đột phá giúp Ngành có được những nguồn ngoại tệ lớn để đầu tư cho hạ tầng, công nghệ cũng như giúp chúng ta tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm của quốc tế. Cho đến nay thực tế đã chứng minh đó là một quyết định sáng suốt, thể hiện tầm nhìn chiến lược của ngành Bưu điện.

Việc ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) với đối tác của Australia là một bước ngoặt lịch sử. Kể từ ngày Hợp đồng kinh tế gốc ký giữa Tổng cục Bưu điện và OTC vào năm 1988, phía Việt Nam đóng góp 4 triệu USD, phía Australia đóng góp 9 triệu USD để xây dựng và khai thác 2 trạm mặt đất thông tin vệ tinh tiêu chuẩn A tại Hà Nội và TP. HCM. Sau các đợt ký BCC bổ sung, mở rộng và điều chỉnh Giấy phép kinh doanh, đến hết ngày 31/3/2002, phía Australia đã đầu tư tổng cộng 237,15 triệu USD, VNPT là 90 triệu USD.

Hợp đồng hợp tác kinh doanh đã cung cấp vốn đề VNPT thực hiện khoảng 500 dự án lớn nhỏ, vốn đầu tư của BCC không chỉ cung cấp cho các dự án viễn thông trong nước mà còn đầu tư tham gia xây dựng các tuyến cáp quang biển và trên đất liền. Đồng thời VNPT/VTI và Telstra đã đầu tư để mua dung lượng trên các tuyến cáp quang biển quốc tế bên ngoài lãnh thổ Việt Nam để kết nối chuyển tiếp lưu lượng điện thoại đi khắp các nước châu Á, châu Úc, châu Âu và châu Mỹ.

Trong 15 năm BCC (1998 - 2002), nhờ việc sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, VNPT có được một mạng lưới viễn thông tương đối hoàn hảo, rộng khắp, dung lượng lớn, cấu hình hiện đại, đồng bộ, đa phương tiện như: thông tin vệ tinh, cáp quang, hệ thống chuyển mạch hiện đại dùng báo hiệu số 7, làm cơ sở cho sự phát triển nhiều dịch vụ viễn thông quốc tế và trong nước. Đặc biệt ở giai đoạn đầu chúng ta đã giải quyết được vấn đề thông tin liên lạc đi quốc tế và từ quốc tế về Việt Nam, điều đó đã hỗ trợ tốt cho môi trường đầu tư ở Việt Nam vào những năm 90 của thế kỷ 20, góp phần tích cực vào việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Cầu nối viễn thông giữa Việt Nam với quốc tế

Ở thời điểm kết thúc BCC, từ Việt Nam đã có thể liên lạc viễn thông với 240 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Dung lượng đường truyền có thể truyền tải tương đương hơn 60.000 cuộc gọi điện thoại cùng một lúc đi quốc tế và kinh doanh các dịch vụ viễn thông khác nhau như truyền số liệu, Internet… Mạng lưới viễn thông của VNPT/VTI quản lý không những có khả năng đáp ứng nhu cầu của các đơn vị thuộc VNPT mà còn đủ mạnh để phục vụ mọi nhu cầu của các doanh nghiệp Viễn thông khác ở Việt Nam.

Nhờ quyết định mang tính lịch sử trên, mặc dù năm 1985 việc liên lạc quốc tế chủ yếu bằng vô tuyến sóng ngắn với 2 trạm mặt đất thông tin vệ tinh qua hệ thống Intersputnik do Chính phủ Liên Xô tặng, song đến nay VTI đã có hệ thống viễn thông quốc tế hoàn chỉnh với công nghệ hiện đại với 3 tổng đài quốc tế thế hệ mới NGN tại Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng, 03 hệ thống cáp quang biển quốc tế cập bờ tại Việt Nam (SMW3, AAG, APG), 2 vệ tinh VINASAT-1, 2 và các trạm mặt đất; Hệ thống thu phát hình quốc tế, Các hệ thống VSAT-IP…

Có thể nói viễn thông quốc tế đã trở thành cầu nối giữa Việt Nam với quốc tế và giúp Việt Nam nhanh chóng hội nhập toàn cầu. Đồng thời đây cũng là khâu đột phá tạo nền tảng phát triển cho ngành viễn thông Việt Nam.

Tháng 9/2012, nhằm định vị và phát triển thương hiệu của VNPT, cùng với các đơn vị khác trong Tập đoàn, VTI cũng chính thức đổi tên thương hiệu Công ty Viễn thông quốc tế là VTI, thành VNPT Internatipnal, viết tắt VNPT-I. Việc đổi tên thương hiệu thành VNPT-I này thể hiện được sự gắn kết với thương hiệu mẹ VNPT, giúp nâng cao hiệu quả xây dựng và phát triển thương hiệu dựa trên việc tập trung toàn bộ nguồn lực vào thương hiệu gốc VNPT. Đồng thời tên gọi mới còn thể hiện ý nghĩa VNPT-I là đầu mối duy nhất kinh doanh dịch vụ viễn thông quốc tế của VNPT, tập trung nguồn lực, tạo tiền đề để VNPT-I phát triển lên một tầm cao mới.

Trong thời gian qua, VNPT-I đã khai trương các văn phòng đại diện của mình tại Cambodia, Myanmar, và Lào. Điều này đánh dấu bước phát triển mới của VNPT trên trường quốc tế.
25 năm đã qua với rất nhiều dấu mốc mang tính bước ngoặt trong sự phát triển của VNPT-I. Nhìn lại chặng đường phát triển đầy hào hùng nhưng cũng vô cùng khó khăn đó, mỗi người VNPT-I đều tự hào với truyền thống của đơn vị, tiếp tục cháy hết mình trong từng khoảnh khắc đưa VNPT-I tiếp tục vươn xa, tỏa rộng hơn nữa trên trường quốc tế trong thời gian tới.

Tiếp tục vươn xa

Ngày 09/01/2015, Công ty Viễn thông Quốc tế (VNPT-I) đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2015 và Hội nghị điển hình tiên tiến giai đoạn 2010-2014.

Năm 2014, mặc dù có nhiều khó khăn, Công ty đã hoàn thành thành tốt nhiệm vụ Tập đoàn giao, nổi bật đó là Công ty đã thành lập và tổ chức khai trương thành công Văn phòng đại diện tại các nước Campuchia (tháng 7/2014), Myanmar (tháng 10/2014) và Lào (tháng 12/2014). Việc thành lập Văn phòng đại diện tại các nước là tiền đề để mở rộng thị trường, quảng bá hình ảnh, thương hiệu, tạo lập được kênh thông tin hữu hiệu cho các hoạt động kinh doanh, bán hàng dịch vụ viễn thông quốc tế của Tập đoàn ở nước ngoài; đồng thời tạo cơ sở để Tập đoàn chuẩn bị các bước tiếp theo cho việc đầu tư kinh doanh tại thị trường các nước. Tại các buổi Lễ khai trương, Công ty đã nhận được sự cam kết hỗ trợ, tăng cường hợp tác giữa các đối tác, khách hàng tại các nước với VNPT nói chung và VNPT-I nói riêng trong việc sử dụng các dịch vụ, sản phẩm công nghệ, công nghiệp của Tập đoàn.

Thực hiện chính sách quy hoạch dịch vụ viễn thông quốc tế về một đầu mối của Tập đoàn, trong năm 2014, Công ty đã tiếp nhận thành công dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về (đàm phán chuyển đổi trên 30 đối tác) và các dịch vụ điện thoại quốc tế chiều đi 1714, Fone1718 và iFone-VNN từ VDC; tiếp nhận nhiệm vụ thuê mua dung lượng Internet quốc tế cho Tập đoàn từ Công ty VTN. Việc quy hoạch dịch vụ viễn thông quốc tế về một đầu mối đã giúp Công ty chủ động, linh hoạt hơn trong việc xây dựng, triển khai các giải pháp kinh doanh trong điều kiện thị trường liên tục biến động và ảnh hưởng từ môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt. Năm 2014 là năm Công ty tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng công tác kinh doanh, bán hàng dịch vụ phi thoại ra thị trường các nước trong khu vực như Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar và thị trường quốc tế. Với sự chủ động tiếp cận và phối hợp chặt chẽ với các khách hàng, đối tác để kịp thời nắm bắt thông tin thị trường, nhu cầu của khách hàng, xử lý kịp thời đặc biệt là đối với các khách hàng lớn, khách hàng tiềm năng. Do vậy, trong điều kiện thị trường dịch vụ thuê kênh quá giang tại Campuchia cạnh tranh quyết liệt, Công ty đã đàm phán thành công với các đối tác tại Campuchia nâng cấp, mở mới dung lượng kết nối quốc tế như: Cung cấp mới 25Gbps cho Ezecom, mang lại doanh thu xấp xỉ 2,3 triệu USD/năm; nâng cấp dung lượng từ 5Gbps lên 10Gbps cho Telecom Cambodia, góp phần nâng cao vị thế của Công ty tại thị trường Campuchia.

Công ty đã đạt được Thỏa thuận hợp tác với Sky Telecom, là doanh nghiệp có hạ tầng viễn thông hàng đầu tại Lào, thiết lập POP truyền số liệu, IP tại Lào, tạo bước đệm cho việc đẩy mạnh hoạt động bán hàng, kinh doanh các dịch vụ thuê kênh, Internet tại Lào, cũng như mở rộng sang thị trường Thái Lan cho các năm tiếp theo. Hoán đổi thành công 40Gbps dung lượng trên AAG với SingTel để lấy dung lượng trên các tuyến cáp biển SJC, Unity kết nối Hồng Kông - Hoa Kỳ, góp phần đa dạng, nâng cao chất lượng kênh kết nối Internet quốc tế và giảm thiểu chi phí thuê kênh quốc tế cho Tập đoàn. Đối với các dịch vụ thuê kênh riêng quốc tế truyền thống, VPN, trong năm, Công ty đã tích cực, chủ động bám sát thị trường, đối tác... để tiếp tục giữ vững thị trường, khách hàng; đặc biệt doanh thu dịch vụ VSAT PAMA tăng 48% so với năm 2013.


Ảnh minh họa



Năm 2014, Công ty đã chủ động trong kinh doanh, giữ khách hàng trong nước, đẩy mạnh khai thác thị trường nước ngoài, phát triển nhiều ứng dụng dịch vụ để nâng cao hiệu quả khai thác vệ tinh VINASAT-1 và VINASAT-2. Tiếp tục duy trì các hợp đồng đã ký với các khách hàng truyền thống, ký hợp đồng mới, gia hạn và mở rộng dung lượng với các khách hàng trong trong nước. Đàm phán gia hạn hợp đồng và mở rộng thêm dung lượng băng tần cho khách hàng Websatmedia (Singapore); ký hợp đồng băng tần Ku trên vệ tinh VINASAT-2 với khách hàng Terabit Wave (Myanmar); ký gia hạn hợp đồng thuê dung lượng phát đáp băng tần C trên vệ tinh VINASAT-1 với khách hàng Unitel. Tư vấn hỗ trợ khách hàng Unitel triển khai dự án VSAT sử dụng băng tần Ku trên vệ tinh VINASAT-2 tới khoảng 1.000 bản trên lãnh thổ Lào.Tính đến thời điểm này, trên 95% dung lượng băng tần vệ tinh VINASAT-1 và 45% dung lượng vệ tinh VINASAT-2 đã được đưa vào sử dụng. Công tác ngăn chặn gian lận, kinh doanh lậu điện thoại quốc tế tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh. Công ty đã triển khai quy hoạch lại hệ thống giám sát lưu lượng bất thường chiều đi, hoàn thiện và phát triển thêm các tính năng để phù hợp với hoạt động chống trộm cước và gian lận viễn thông của VNPT nói chung và VNPT-I nói riêng. Nghiên cứu, xây dựng và triển khai thành công hệ thống phát hiện gian lận diện thoại quốc tế chiều về của VNPT (hệ thống simbox detector) giúp giảm đáng kể chi phí thuê ngoài cho Công ty.

Năm 2014, Tổng doanh thu Viễn thông - Công nghệ thông tin (VT-CNTT) đạt 3.130 tỷ đồng, trong đó doanh thu trực tiếp từ khách hàng là 2.472 tỷ đồng. Chênh lệch thu chi VT-CNTT đạt 536 tỷ đồng, vượt 4% so với kế hoạch (nếu so cùng mặt bằng vượt hơn 25% so với năm 2013). Với những thành tích đạt được năm 2014, Công ty được tặng Cờ thi đua của Chính Phủ, Công đoàn Công ty được tặng Cờ thi đua của Tổng LĐ LĐVN.

Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn VNPT cho biết những năm gần đây công nghệ trong lĩnh vực viễn thông liên tục có những bước phát triển đột phá, thị trường viễn thông mở cửa, cạnh tranh quyết liệt, diễn biến phức tạp, trước những dịch chuyển về mạng lưới công nghệ và dịch vụ, mạng viễn thông quốc tế của Tập đoàn VNPT vẫn có vai trò quan trọng trong tổng thể mạng lưới viễn thông quốc gia. VNPT-I tiếp tục được giao nhiệm vụ quan trọng tham mặt Tập đoàn VNPT triển khai đầu tư, khai thác kinh doanh dung lượng hệ thống cáp quang biển quốc tế, các hệ thống Vinasat 1 và 2 và công ty đã thiết lập được quan hệ rộng khắp với hàng trăm đối tác trên toàn thế giới, là thành viên của nhiều tổ chức, hiệp hội, diễn đàn viễn thông quốc tế. Từ cuối năm 2013 đến nay, thực hiện chủ trương của Tập đoàn, công ty đã triển khai và đạt kết quả bước đầu rất quan trọng trong việc thiết lập hệ thống đại diện tại nước ngoài để xúc tiến hoạt động đầu tư và kinh doanh quốc tế của Tập đoàn tại các thị trường Lào, Campuchia, Myanmar”,


Thảo Hoàng - (TH)

Ý kiến bạn đọc