Ấn Độ là thị trường đông dân thứ 2 thế giới – sau Trung Quốc, và đa phần người dân nơi đây chỉ dùng điện thoại giá rẻ. Bởi thế, nhằm tấn công thị trường này, Apple đang lên kế hạch bán các dòng iPhone cũ, đã qua sử dụng...
Hiện, hãng Apple chỉ chiếm dưới 2% thị phần điện thoại di động Ấn Độ, bởi có tới 4/5 thị trường tại đây là smartphone giá rẻ dưới 150 USD. Thế nên "Táo cắn dở" đang dự tính sẽ “tân trang những chiếc iPhone cũ” để bán ra tại thị trường này.
Ngày càng có nhiều người dân Ấn Độ sử dụng smartphone. |
Vấn đề chính là phải được chính phủ Ấn Độ cho phép nhập khẩu các thiết bị công nghệ cũ này. Bởi vậy, Apple đang tìm mọi cách để xin chính phủ Ấn Độ cho phép họ được nhập khẩu và bán điện thoại đã qua sử dụng tại đất nước này. Và nếu việc này thành công, Apple sẽ trở thành công ty đầu tiên được phép nhập và bán điện thoại đã qua sử dụng tại Ấn Độ.
Tuy nhiên, nỗ lực mới nhất của Apple nhằm tấn công vào thị trường điện thoại thông minh Ấn Độ bằng các dòng iPhone cũ đang gặp một “bức tường chắn”, bởi yêu cầu này đang bị các doanh nghiệp địa phương cảnh báo cho các quan chức chính phủ rằng, “việc này sẽ gây ra lượng rác thải điện tử lớn cho đất nước và gây hại cho các công ty nội địa”.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp nội địa còn nhấn mạnh rằng, việc chính phủ Ấn Độ phê duyệt kế hoạch của Apple sẽ đi ngược lại lời phát biểu của Thủ tướng Narendra Modi - đã khuyến khích sản xuất trong nước.
Liên quan đến vụ việc, Giám đốc Viện nghiên cứu Counterpoint - ông Neil Shah, nhận định: "Nếu Apple được bán những chiếc iPhone đã qua sử dụng với mức giá phải chăng, họ có thể nhắm mục tiêu doanh số khoảng 10 triệu chiếc vào năm 2017”.
Hay, Sudhir Hasija - Chủ tịch hãng điện thoại di động Karbonn - một thương hiệu smartphone nội địa của Ấn Độ cũng cho biết, công ty ông bán được khoảng 1,7 triệu chiếc điện thoại mỗi tháng, nhưng với kế hoạch trên của Apple, ông cảm nhận được một “sự đe dọa” lớn.
Mặc dù các nhà sản xuất điện thoại thông minh địa phương vẫn đang khiếu nại, nhưng Apple được cho là vẫn đang tham gia thảo luận với các cơ quan có thẩm quyền của Ấn Độ - ông Asha Nangia, giám đốc Viện Thiết bị điện tử & Công nghệ thông tin cho biết.
Theo các chuyên gia của nước này, khi nhập các thiết bị cũ, quá trình phá hủy pin và màn hình LCD sẽ gây thiệt hại nặng nề đến môi trường và gia tăng vấn đề xử lý rác thải điện tử mà nước này vẫn đang phải đối mặt.
"Hàng triệu chiếc điện thoại đã qua sử dụng được nhập khẩu vào Ấn Độ sẽ cần pin mới để thay thế. Vậy điều gì sẽ xảy ra với những chiếc pin cũ, nó sẽ đi đâu? " - ông Sunil Vachani, Chủ tịch của Dixon lập luận.
Vậy nên, những công ty công nghệ khác như Foxconn, Technology Group đang xem xét phương án sản xuất tại địa phương (Ấn Độ - PV) nhằm giảm giá thành sản phẩm và tránh được các quy định khắt khe về việc nhập khẩu, ông Dixon lý giải.
Về phía mình, Apple cho biết, họ thường quản lý sản xuất và tái chế đến 85% các thiết bị điện tử tính theo trọng lượng sản phẩm. Theo kế hoạch gửi tới chính phủ Ấn Độ, Apple sẽ tân trang lại các mẫu iPhone đã qua sử dụng để bán lại tại nước này.
Hãng Apple cũng cho hay, không chỉ tại Ấn Độ, Apple cũng đã tung ra một chương trình cho phép người dùng Mỹ nâng cấp lên một chiếc iPhone mới với chi phí nhỏ từ hồi tháng 2/2016.
“Nhưng ngay cả khi những chiếc iPhone cũ tân trang lại, được Apple bán với giá trên 10.000 rupee (khoảng 150 USD) cũng sẽ gây tổn thương tới các nhà sản xuất nội địa, bởi người dùng có thể sẽ chọn Apple vì chất lượng và danh tiếng của nó", - Ông Sudhir Hasija, Chủ tịch hãng điện thoại di động Karbonn nhận định.
Thanh Trà (theo Bloomberg)
Ý kiến bạn đọc