Khi làng cổ “xin” trả lại danh hiệu

08:14, 24/07/2013
|

Để tạo được hướng đi bền vững cho các di tích, trước hết Nhà nước phải đầu tư kịp thời hơn cho di tích. Muốn được đầu tư phải có quy hoạch. Muốn có quy hoạch tốt phải có đội ngũ làm quy hoạch di sản chuyên nghiệp. Đặc biệt là việc làm sao cho người dân có thể hiểu được khi di tích được công nhận, vinh danh phải thực hiện những nghĩa vụ gì, được hưởng quyền lợi như thế nào, có được đầu tư hay không, đầu tư ra sao và mang lại lợi ích gì.

Sau sự việc người dân Đường Lâm “xin” trả lại danh hiệu di tích thì nay phố cổ Đồng Văn “tiếp bước”. Khi một di tích được công nhận, vinh danh, người dân có 3 mong đợi, một là muốn được vinh danh để khẳng định giá trị, giúp con cháu có ý thức giữ gìn di tích tốt hơn, hai là mong có được sự hỗ trợ từ nhà nước để bảo vệ di tích bằng pháp luật và bằng nguồn lực tài chính và ba là từ các di tích họ sẽ có cơ hội để phát triển kinh tế du lịch. Nhưng nếu sau khi được công nhận mà không thấy kết quả mong đợi, chắc chắn sẽ có vấn đề. Có một vấn đề thường thấy khi người dân đề cử di sản không phải ai cũng hiểu rõ những nguyên tắc, điều kiện bảo tồn của một di sản quốc gia, những thuận lợi, khó khăn để có sự quyết định cho phù hợp với điều kiện của mình. Chính vì vậy mà cần thiết phải tạo điều kiện để cho người dân hiểu rõ Luật Di sản văn hoá, danh hiệu, quyền lợi và trách nhiệm, mặt khác phải có các cuộc trao đổi, thảo luận rõ ràng để sự cam kết giữa chủ thể di sản và Nhà nước là một sự cam kết khả thi.

Khi lập các hồ sơ đề nghị công nhận di sản ngoài việc xác định giá trị, việc đầu tiên là phải đánh giá hiện trạng di sản và nghiên cứu các giải pháp để bảo tồn thích ứng. Nếu các di sản đó có người dân đang sinh sống thì việc đưa ra các dự báo về an sinh, bảo đảm quyền của con người là vấn đề quan trọng hàng đầu. Nếu không có lợi ích hoặc nhìn thấy sự bất lợi cho chính mình người dân sẽ không đề cử di sản.

Công nhận, vinh danh di tích là để đạt được các mong muốn “vừa ích nước vừa lợi nhà”, nhưng sau khi công nhận vẫn không đáp ứng được, trong khi điều kiện sống không được bảo đảm, cuộc sống bị bó buộc nhiều hơn, các di tích thì ngày càng xuống cấp mà không thấy được lợi ích trực tiếp từ việc công nhận, dẫn đến việc người dân quyết định rút lại việc đã được vinh danh, công nhận là điều dễ hiểu. Như thực tế ở phố cổ Đồng Văn, nhu cầu bảo tồn là rất cấp bách bởi các ngôi nhà ở đây đều đã rất cũ và vật liệu đã dùng để làm nhà là loại ít bền vững.

Ở Hội An, điều mà bất kỳ du khách nào tới cũng ấn tượng nhất là sự sâu sát hiểu di sản và nhận thức bảo vệ di sản vì cộng đồng của chính quyền địa phương. Họ trực tiếp đưa ra các chính sách cụ thể để tháo gỡ các khó khăn cho người dân, luôn lắng nghe và khi cần thiết sẵn sàng thay đổi nếu chính sách đó chưa phù hợp. Bởi vậy ở Hội An đã thực hiện rất tốt công việc quản lý di sản. Hội An đã mạnh dạn cam kết với người dân, áp dụng một số biện pháp cụ thể trước khi Luật Di sản quy định để bảo tồn và phát huy giá trị của di tích. Hội An cũng là nơi đầu tiên phát hành cẩm nang cho cộng đồng về hướng dẫn tu bổ di tích.

 

Trong đó, hướng dẫn rất rõ việc sửa chữa như thế nào thì được phép và sửa chữa như thế nào thì phải xin phép, xin phép ai? Có thể nói, ở Hội An đã tạo được sự hài hòa về lợi ích, di sản được bảo tồn, người dân vẫn có thể sinh sống trong ngôi nhà của mình và vẫn có thể kinh doanh phát triển du lịch. Và Hội An cũng là một mô hình bảo vệ di sản được các nước trong khu vực ghi nhận như là bài học kinh nghiệm tốt.

Việc quyết định lựa chọn một di sản nào đó để bảo vệ lâu dài cần xét tổng thể, trong đó dự báo điều kiện nguồn lực tài chính, nhu cầu phát triển là rất quan trọng. Cần có sự cam kết giữa Nhà nước và người dân về đầu tư, sử dụng, phát triển. Theo đó, giữa Nhà nước và người dân phải có sự thỏa thuận rõ ràng, tránh tình trạng giữ nhưng không kịp quy hoạch, không có đầu tư, không cho phát triển. Và chắc chắn, khi Nhà nước đã công nhận, vinh danh di tích thì Nhà nước sẽ có trách nhiệm. Như vậy, sẽ không xảy ra chuyện “xin” trả lại danh hiệu di tích như trường hợp của làng cổ Đường Lâm và phố cổ Đồng Văn.


Duyên Phương

Ý kiến bạn đọc