Nói đến nghệ sĩ, ai ai cũng cho rằng đó là những con người của văn chương, của nghệ thuật, của thi ca, nhạc họa. Ấy thế nhưng, trong nền nghệ thuật và giới nghệ sĩ hiện nay của Việt Nam, cứ lâu lâu công chúng lại phải "giật nẩy cả mình" vì những hành vi phi văn hóa.
Điều này một phần xuất phát từ phông văn hóa khá thấp của không ít người làm nghệ thuật. Vậy nên, những ngày này, công chúng đang hết sức lo ngại trước việc Bộ VH-TT-DL quyết định "bỏ qua" môn thi Văn - môn học "dạy làm người" cơ bản nhất trong kỳ thi tuyển chọn các nghệ sỹ tương lai.
Hãy cùng so sánh cách ứng xử của nghệ sỹ trẻ Việt Nam và nghệ sỹ nước ngoài để thấy chúng ta đang tụt hậu như thế nào ở "phông nền" văn hóa.
Từ hớ hênh… đến gây shock
“Hớ hênh”, “lộ hàng” và “ăn mặc phản cảm” chính là những tính từ/danh từ dùng để khái quát lại phần lớn scandal của các nghệ sĩ Việt Nam trong thời gian qua. Những cái tên tiêu biểu của trào lưu phản cảm này là Thái Hà, Thu Minh, Hoàng Yến, Phi Thanh Vân hay Hoàng Thùy Linh…
Cách đây hơn một năm, trong một chương trình từ thiện tại Quảng Bình, Minh Hằng đã khiến báo chí sững sờ, còn công chúng thì thịnh nộ khi cô mặc chiếc quần ren khá nhạy cảm, hở hầu hết điểm nhạy cảm trên cơ thể.
Vụ Minh Hằng chưa lắng xuống thì dư luận sau đó lại "dậy sóng" bởi trang phục của Hà Anh khi trong một buổi công chiếu phim, Hà Anh chọn chiếc váy ren dài quét đất và chỉ được kết nối bằng những sợi dây buộc hờ hững ở bên hông khiến khán giả cảm tưởng chỉ cần một động tác nhỏ là người đẹp cũng dễ "lộ hàng".
Ngay sau đó Thùy Dung lại gây sốc khi mặc trang phục bên ngoài là ren xuyên thấu, còn trong thì chỉ có chiếc nội y giống như bộ đồ bơi liền và kín mít từ trên xuống nhưng lại gắn thêm chân váy ren mỏng tang.
Rồi đến diễn viên Kiều Thanh bị phê phán bởi chiếc váy hàng hiệu của cô lộ hết những phần nhạy cảm trên cơ thể của vòng 3. Gần đây nhất, người mẫu Hồng Quế gây bất bình khi trong liên hoan phim Hà Nội khi diện chiếc đầm dài chất liệu ren quá mỏng.
Một trong những cái tên dính tới các vụ lộ hàng được nhắc đến nhiều trong thời gian vừa qua là Thu Minh. Đặc biệt, vì những bộ quần áo hở hang quá mức, Sở VH-TT-DL Tp.HCM ra quyết định xử phạt nữ ca sĩ này 3,5 triệu đồng vì mặc trang phục, hóa trang gây phản cảm, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam. Ngoài Thu Minh còn có người mẫu Thái Hà, Hoàng Yến cũng đã nhận mức phạt của Sở VH-TT-DL về những bộ trang phục phản cảm của mình.
Không dùng việc hở hang, phô diễn cơ thể, nhưng nhiều nghệ sĩ đã dùng lời nói, hành động để gây shock cho khán giả, nhằm tạo tiếng vang cho mình và thể hiện phông nền văn hóa hạn chế. Đó là những phát ngôn kinh điển như “Chuẩn men” của Cao Thái Sơn, “Yêu mà không có tiền thì cạp đất mà ăn à?” của Ngọc Trinh hay Hồng Quế “không mời mà đến” dự Liên hoan phim…
Và Scandal “lùm xùm” nhất năm vừa rồi phải kể đến vụ “khóa môi” của Đàm Vĩnh Hưng và nhà sư trong buổi đấu giá từ thiện. Tuy Đàm Vĩnh Hưng đã bị phạt 5 triệu đồng vì “lợi dụng giao lưu với khán giả để có những hành vi thiếu văn hóa, hoặc phát ngôn thô tục", mức phạt cao nhất theo Điều 16, Nghị định 75 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa.
Nhưng với nhiều người án phát đó như một trò hề. Số tiền trên chẳng thấm vào đâu so với mức cát xê khủng mà Đàm Vĩnh Hưng kiếm được từ nghiệp ca hát. Từ đầu chí cuối sự việc, Đàm Vĩnh Hưng chỉ viết tâm thư nhận phần lỗi về mình và sau đó là vạch mặt lại nhà sư mà anh trót khóa môi.
Do vô tình hay phông văn hóa quá kém?
Ngoài những nghệ sĩ lộ hàng và gây shock đã bị xử phạt, còn có một số lượng rất lớn nghệ sĩ chưa bị “sờ gáy”. Nghệ sĩ, hai từ nghe rất đáng trân trọng và đáng kính. Nhưng, các nhân vật ở trên được gọi là nghệ sĩ có lẽ đơn giản chỉ vì họ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Và chính vì thế, những người cũng mắc lỗi ăn mặc phản cảm nhưng không bị phạt như Hồng Quế, Phi Thanh Vân, Lý Nhã Kỳ ... lại cảm thấy tiếc hùi hụi.
Sau các thông tin về việc nghệ sĩ bị phạt được đăng tải những dịp cuối năm này, độc giả tỏ nhiều bức xúc vì mức phạt quá ít so với thu nhập của nghệ sĩ, chẳng nhằm nhò gì và không mang tính chất răn đe. Thậm chí có độc giả còn liên hệ tới sự bất bình đẳng trong các điều luật xử phạt này. Trong khi người dân nghèo hoặc có mức sống trung bình khi gặp một lỗi nhỏ liên quan đến giao thông, lỗi nhỏ ấy không có tác động tới bất kỳ ai ngoài cá nhân người phạm lỗi thì bị phạt rất nhiều tiền và ngược lại ở nghệ sĩ.
Nhìn ra các nước có thể thấy, chưa cần mắc phải những hành vi “thiếu văn hoá” như Đàm Vĩnh Hưng, ở những nền showbiz lớn chỉ cần sơ suất nhỏ cũng khiến sự nghiệp của một ngôi sao đỉnh cao có nguy cơ lụi tàn tức khắc.
Thoáng như Mỹ, mà mới đây Tiger Woods - tay golf số một thế giới - đã khóc trong cuộc họp báo xin lỗi vợ, gia đình và người hâm mộ sau khi bị anh này phanh phui chuyện đã ngoại tình với nhiều người đẹp. Mới đây nhất, huyền thoại của Tour de France - tay đua Lance Amstrong đã lên tiếng xin lỗi gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và người hâm mộ về scandal sử dụng doping trong khi thi đấu.
Chỉ xét riêng phạm vi làng giải trí châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc và Trung Quốc, văn hóa xin lỗi đã trở thành một trong những điều tối thiểu cần có trong ứng xử của người nổi tiếng mỗi khi họ mắc sai lầm. Chung Hân Đồng từng khóc nức nở và ân hận trước đông đảo báo giới vì vướng vào scandal ảnh sex với Trần Quán Hy; ca sĩ Ivy của Hàn Quốc xin lỗi vụ bị tung ảnh sex với bạn trai lên mạng, Lưu Đức Hoa mong khán giả tha thứ vì giấu chuyện đã có vợ…
Tại sao những người nổi tiếng phải xin lỗi công chúng? Vì họ có trách nhiệm với hình ảnh, tên tuổi của mình, nhất là khi họ biết mình có ảnh hưởng tới số đông công chúng và xã hội.
Thử nhìn lại các nền showbiz cận kề ta như Trung, Nhật, Hàn, có ở đâu nghệ sĩ lại ứng xử vô trách nhiệm và kém văn hoá như ở showbiz Việt? Đủ những hành vi phản cảm, scandal gây sốc lừa tình, giật tiền, công khai khoe da thịt đến mức thô thiển, nhưng không một nghệ sĩ nào chấp nhận xin lỗi công chúng.
Sự kém văn hoá trên của một bộ phận không nhỏ nghệ sĩ Việt một phần bắt nguồn từ phông văn hóa kém của chính họ, một phần khác cũng có nguyên nhân từ chính sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan quản lý văn hoá và công chúng. Các cơ quan quản lý văn hoá thì “vừa đấm, vừa xoa” nghệ sĩ khi “giơ cao đánh khẽ” trong tất cả các vụ việc khiến án phạt trở nên thiếu tính răn đe làm cho nghệ sĩ càng được thể làm càn.
Trở thành người ứng xử có văn hóa vừa dễ vừa khó. Dễ là vì có thể học được ở mọi nơi và mọi lúc, bắt đầu khi nào cũng không muộn. Nhưng khó là vì bản thân - mỗi con người có thích học, có tự nhận ra "lỗ hổng" để chịu học hay không?!...
Ý kiến bạn đọc