Từ những cầu thủ vào diện “không phổi” ở HAGL, Tuấn Anh, Công Phượng, Xuân Trường đã phải “ngồi chơi xơi nước” nơi xứ người và sẽ sớm được bầu Đức đưa về nước!
Trong màu áo HAGL, Tuấn Anh là cầu thủ "không phổi" |
Tuấn Anh ở mùa giải trước được mệnh danh “người không phổi” của HAGL. Anh được ban huấn luyện đăng ký thi đấu trọn 26 trận cả mùa.
Trong 26 trận, anh có 25 trận vào sân ngay từ đầu, 1 trận vào sân từ băng ghế dự bị và chỉ 3 lần phải rời sân giữa chừng. Tổng số thời gian chơi bóng của tiền vệ quê Thái Bình là 2.207 phút, nhiều nhất đội. Một con số đáng nể với một cầu thủ mới chỉ 20 tuổi.
Xếp thứ 2 trong danh sách “người không phổi” của Gỗ là Công Phượng. Tiền đạo người xứ Nghệ được đăng ký thi đấu 25/26 trận, trong đó có 22 trận đá chính, 3 trận vào sân từ băng ghế dự bị và 4 lần bị thay ra giữa chừng. Tổng số thời gian thi đấu của Phượng là 2006 phút và ghi được 6 bàn, nhiều nhất đội.
Xuân Trường vì lý do chấn thương nên có thời gian thi đấu ít hơn so với 2 đồng đội kể trên. Trường thi đấu tổng cộng 1426 phút. Tuy nhiên, tiền vệ quê Tuyên Quang vẫn thuộc top 5 cầu thủ thi đấu nhiều nhất của HAGL mùa trước. Trường “híp” có thất thảy 18 trận được đăng ký, trong đó 17 trận đá chính, 1 trận dự bị và 4 trận bị thay ra.
Thế nhưng khi ra nước ngoài thi đấu, cả 3 cầu thủ này đều không đáp ứng được kỳ vọng. Tuấn Anh “mất tích” ở Yokohama – đội bóng đang chơi ở J-League 2, Nhật Bản. Mọi thông số liên quan đến tiền vệ quê Thái Bình đều là số 0 tròn trĩnh do không được đăng ký thi đấu dù J-League 2 đã trải qua 30 vòng đấu.
Thông số duy nhất mà Tuấn Anh có được là lần duy nhất vào sân từ đầu trong màu áo Yokohama ở vòng 1 Cup Hoàng Đế mới đây - giải đấu giống như Cup Quốc gia. Tuy nhiên, đến vòng thứ 2, Tuấn Anh lại bị gạt khỏi danh sách đăng ký của Yokohama.
Xuân Trường ở Incheon United thì khá hơn Tuấn Anh một chút. Nhưng nhìn vào thông số tại Incheon United, chẳng lấy gì làm vui cho cầu thủ quê Tuyên Quang dù nó là thời khắc lịch sử (lần đầu tiên có 1 cầu thủ Việt Nam thi đấu tại K-League).
Trường “híp” đã được tung vào sân ngay từ đầu trong màu áo Incheon United khi đội bóng này tiếp Gwangju FC trên sân nhà ở vòng 11. Trận này, Xuân Trường thi đấu 59 phút rồi bị thay ra khi đội nhà đang bị mất người. Chung cuộc, Incheon United thua 0-1.
Tình cảnh của Incheon United đến lúc này rất khó khăn khi đội đã đội sổ bảng xếp hạng suốt từ đầu mùa. Và dù mới đây “Inter xứ Hàn” thay HLV trưởng nhưng cơ hội để họ thoát đáy là rất thấp. Điều này đồng nghĩa với việc, cơ hội để Xuân Trường lần thứ 2 ra sân ở K-League cũng cực thấp.
Khá hơn cả trong 3 cầu thủ của lò HAGL xuất ngoại là Công Phượng. Nhưng cũng phải khẳng định, những gì mà Công Phượng đã làm được trong màu áo Mito Hollyhock cũng rất mờ nhạt.
Công Phượng đã được HLV T. Nishigaya điền tên vào danh sách đăng ký thi đấu 15 lần nhưng anh mới chỉ 1 lần duy nhất được vào sân đá chính ở vòng 26 J-League 2 khi Mito tiếp Zweigen Kanazawa trên sân nhà trong bối cảnh tỉnh Ibaraki đang tổ chức Ngày hội văn hóa Việt – Nhật. Trận này, Phượng chỉ đá 53 phút rồi bị thay ra. Sau khi Phượng rời sân, Mito lập tức có bàn mở tỷ số để rồi giành chiến thắng chung cuộc 3-0.
Số còn lại là 3 lần Phượng vào sân từ băng ghế dự bị, và số thời gian có mặt trên sân chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Đến lúc này, sau 30 vòng đấu, tổng thời gian mà Công Phượng chơi bóng tại J-League 2 chỉ là 77 phút, chưa hết 1 trận đấu.
Trước tình cảnh bết bát của những cầu thủ con cưng, trưởng đoàn bóng đá HAGL Nguyễn Tấn Anh vừa khẳng định, Tuấn Anh, Công Phượng sẽ trở về nước sau khi thi đấu hết mùa giải J-League 2 2016. Còn Xuân Trường vẫn ở lại Incheon United cho tới hết hợp đồng có thời hạn 2 năm.
Trước đó, hồi tháng 5, lãnh đạo CLB Yokohama và Mito Hollyhock đều đã có chuyến thăm HAGL và làm việc với bầu Đức xung quanh việc gia hạn hợp đồng thêm với Tuấn Anh, Công Phượng. Tuy nhiên, ông chủ đội bóng phố Núi chưa đồng ý và hẹn cuối năm sẽ có câu trả lời. Bây giờ, bầu Đức đã quyết định đưa 2 cầu thủ này về thi đấu tại V-League.
Đây là điều dễ hiểu khi mà cả Tuấn Anh, Công Phượng đang từ những “người không phổi” ở HAGL, bỗng phải ngồi chơi xơi nước ở Nhật Bản. Đành rằng, giữa V-League và J-League 2 vẫn còn một khoảng cách nhưng chẳng ai muốn xem những tài năng triển vọng của bóng đá nước nhà… “mất tích” nơi xứ người.
(Theo VTC)
Ý kiến bạn đọc