Trong 10 năm gần đây, nhiều loài động vật đã biến mất mãi mãi khỏi môi trường bởi tác động của con người.
Chim lặn Alaotra Grebe: Alaotra Grebe là loài chim lặn đặc hữu hồ Alaotra và các khu vực xung quanh Madagascar, châu Phi. Được chụp vào năm 1985, bức ảnh con chim nước nhỏ màu đen quyến rũ là hình chụp duy nhất được biết đến của Alaotra Grebe. Loài này được công bố tuyệt chủng năm 2010. Với chiều dài 25 cm và đôi cánh nhỏ, con trưởng thành hiếm khi mạo hiểm ở xa môi trường đầm lầy của mình. Loài này giảm sút trong thế kỷ 20 chủ yếu do sự phá hủy môi trường sống, mắc lưới và bị săn bắt bởi loài cá lóc nhập nội.
Rùa đảo Pinta: Ngày 24/6/2012, con rùa hơn 100 tuổi, được đặt tên là Lonesome George (George cô độc), đã lặng lẽ qua đời trên quần đảo Galapagos, Ecuador. Đây là con rùa đảo Pinta cuối cùng của thế giới, được phát hiện vào năm 1972 bởi các nhà bảo tồn. Sự xuất hiện của các nhà thám hiểm và những người săn cá voi vào đầu thế kỷ 19 đã khiến số lượng loài rùa này giảm. Những nỗ lực kết đôi George với con rùa khác để tạo giống lai Pinta đã không thành công.
Báo mây Formosan (báo gấm Đài Loan, Trung Quốc): Mèo lớn Formosan từng sống trên đảo Đài Loan, Trung Quốc. Giống nhiều loài tuyệt chủng khác, chúng phải chịu số phận tương tự bởi những kẻ săn trộm. Với dân số hơn 23 triệu người sinh sống trên hòn đảo khoảng 56.700 km2, môi trường sống của báo mây liên tục bị thu hẹp. Đầu những năm 2000, bẫy máy ảnh đã được thiết lập nhưng không một bức nào chụp được hình loài vật này. Sau 8 năm tìm kiếm không có kết quả, báo gấm Đài Loan đã được thêm vào danh sách các loài tuyệt chủng.
Hải cẩu thầy tu Caribbean: Được biết đến là loài hải cẩu duy nhất có nguồn gốc từ vùng biển Caribbean và vịnh Mexico, hải cẩu thầy tu được phát hiện vào năm 1494. Trong nhiều thế kỷ trôi qua, hải cẩu tiếp tục bị săn lùng không thương tiếc để lấy thịt hoặc mỡ. Chúng được tuyên bố tuyệt chủng vào tháng 6/2008.
Bồ câu xanh đốm: Người dân đảo Tahiti, Pháp, đã săn bồ câu xanh đốm đến mức gần tuyệt chủng. Trong khi đó, những động vật nuôi như lợn đã tàn phá tổ của chúng. Cuối cùng, loài này chính thức tuyệt chủng vào năm 2008 khi có mặt trong sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế.
Tê giác đen Tây Phi: Đầu thế kỷ 20, loài động vật ăn cỏ tê giác đen đã lang thang khắp lục địa châu Phi với số lượng hàng triệu con. 6 thập kỷ sau, cuộc tàn sát không ngớt bắt đầu. Từ năm 1960-1995, 98% những sinh vật tuyệt vời này đã bị săn trộm nhằm lấy sừng làm nguyên liệu thuốc. Số lượng của chúng đã giảm xuống dưới 10 cá thể còn sống sót năm 1997. Năm 2011, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế tuyên bố loài tê giác đen Tây Phi đã tuyệt chủng.
Dơi Christmas Island Pipistrelle: Bầu trời đêm trên hòn đảo Christmas, Australia, từng ngập trong tiếng kêu chói tai của một loài dơi. Tuy nhiên, chúng đã tuyệt chủng vào năm 2009. Các nhà bảo tồn bắt đầu theo dõi số lượng dơi Christmas Island Pipistrelle bằng các thiết bị phát hiện siêu âm. Tất cả thiết bị có độ nhạy cao này có thể phát hiện bất cứ thứ gì phát ra tiếng dù là nhỏ nhất. Một lý do khả năng gây ra sự tuyệt chủng của chúng là việc sử dụng thuốc trừ sâu chống lại đàn kiến tới hòn đảo.
Hà mã Madagascar: Madagascar từng là nhà của 3 loài hà mã. Chúng đều có trong danh sách động vật tuyệt chủng. Trường hợp hà mã tuyệt chủng gần đây nhất được ghi nhận vào năm 2014. Các hóa thạch, câu chuyện dân gian và nhiều bằng chứng cho thấy hà mã từng sống trên khắp hòn đảo. Giống hầu hết loài tuyệt chủng khác, những sinh vật to lớn này tuyệt chủng do việc săn bắn của con người.
Cá heo sông Dương Tử: Cá heo từng sống phổ biến ở sông Dương Tử, Trung Quốc. Chúng bị tuyệt chủng do ô nhiễm, việc xây dựng các con đập lớn và mở rộng giao thông đường sông. Loài này được nhìn thấy cuối cùng vào năm 1994. Năm 2006, khi có tin đồn về sự xuất hiện của cá heo, một nhóm khoa học đã thăm dò toàn bộ chiều dài của dòng sông này nhưng không tìm thấy mẫu vật nào.
Rái cá sông Nhật Bản: Rái cá sông từng phổ biến ở Nhật Bản với số lượng lên tới hàng triệu con. Tuy nhiên, bức ảnh được chụp cuối cùng của loài này vào năm 1979. Rái cá sông đã bị săn bắn ở quy mô công nghiệp nhằm lấy bộ lông quý giá của chúng. Vào ngày 28/8/2012, loài rái cá Nhật Bản chính thức được Bộ Môi trường tuyên bố tuyệt chủng.
(Theo Zing)
https://news.zing.vn/10-loai-dong-vat-bien-mat-trong-thap-ky-qua-post1022151.html
Ý kiến bạn đọc