Gấu trúc sinh đôi 'cực kỳ hiếm gặp' tại vườn thú Bỉ

15:02, 11/08/2019
|

Sở thú Pairi Daiza thông báo cặp sinh đôi, một đực một cái, đã chào đời an toàn. Điều này mang lại hy vọng mới cho loài gấu trúc chỉ còn 2.000 cá thể trong tự nhiên.

Gấu mẹ Hao Hao ngậm con trong miệng.
Gấu mẹ Hao Hao ngậm con trong miệng.

Sở thú Pairi Daiza ở tỉnh Hainaut của Bỉ chào đón sự ra đời của hai con gấu trúc (panda) sinh đôi, việc được cho là "cực kỳ hiếm gặp", ba năm sau khi một con gấu trúc đực xuất hiện lần đầu tiên ở Bỉ, theo AFP.

Vườn thú Pairi Daiza cho hay cặp sinh đôi, một đực một cái, đã chào đời an toàn vào ngày 8/8. Điều này mang lại "hy vọng mới" cho loài gấu trúc với số lượng chỉ còn vẻn vẹn 2.000 con đang sống trong tự nhiên, theo Quỹ Thiên nhiên hoang dã Thế giới (WWF).

Gấu mẹ Hao Hao có dấu hiệu chuyển dạ vào tối 7/8 và sinh một con đực nặng 160 gram vào chiều 8/8, dưới sự theo dõi cẩn thận của các chuyên gia Bỉ và Trung Quốc. Một con cái nặng 150 gram ra đời hai giờ sau đó.

"Việc sinh đôi này là điều tuyệt vời đối với loài vật phi thường này", ông Eric Domb, chủ tịch sở thú, nói. "Chúng tôi rất tự hào... Hai con gấu trúc con ra đời là phần thưởng to lớn cho những nỗ lực hàng ngày của tất cả chúng tôi".

Đại diện sở thú Pairi Daiza cho biết vài ngày tới là giai đoạn quyết định sự sống sót của cặp song sinh và chúng sẽ được theo dõi liên tục để đảm bảo Hao Hao cho các con ăn và chăm sóc chúng đúng cách.

Để gấu mẹ có thể nghỉ ngơi, các nhân viên sở thú sẽ đặt một trong hai gấu con vào lồng ấp và cho bú bình, nhưng sở thú e rằng điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới ít nhất một trong số chúng.

"Khi gấu trúc sinh đôi - việc cực kỳ hiếm gặp trong tự nhiên cũng như trong các khu bảo tồn động vật - một trong hai con con thường không sống sót", đại diện sở thú cho biết.

Hao Hao và “bạn đời” của nó là Hui Hui được đưa đến Bỉ vào năm 2014 và nhanh chóng trở thành “tiêu điểm” tại sở thú Pairi Daiza.

Con đầu tiên của chúng chào đời vào tháng 6/2016 và được đặt tên là Tian Bao (Thiên Bảo), có nghĩa là "báu vật của trời".

Gấu trúc là loài khó sinh sản và Pairi Daiza đang tài trợ cho một nhà nghiên cứu người Bỉ trong việc phát triển thử nghiệm cho phép nhận biết sự khác biệt giữa hiện tượng mang thai "giả" và thật ở gấu trúc.

(Theo Zing)


Ý kiến bạn đọc