(VnMedia) - Sự việc đau lòng trên xảy ra ngày 17/7, tại một trường mầm non trên địa bàn huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Trong lúc tự chơi, bốn học sinh cùng lớp nhặt được một gói bột màu trắng và nhầm tưởng là đường nên rủ nhau bóc ra ăn. Ngay lập tức, các cháu được phát hiện và đưa đi cấp cứu tại bệnh viện tỉnh, sau đó chuyển lên bệnh viện Nhi Trung ương vào chiều cùng ngày.
Trường hợp nặng nhất là cháu Nguyễn Công Hùng (5 tuổi), vào viện trong tình trạng sốt cao, môi tím, loét sâu vùng miệng và hạ họng, kèm theo nhiễm trùng, đau bụng, không nuốt được. Ba trường hợp còn lại tổn thương nhẹ hơn, đã được ra viện điều trị tại nhà.
Theo mẹ cháu Hùng, ngay sau ăn phải gói bột trắng, trẻ có biểu hiện khó chịu, nôn, quấy khóc, chảy nhiều nước dãi. Các cô giáo đã lập tức báo cho gia đình đưa trẻ đi cấp cứu. Gia đình cầm theo “thứ bột lạ” này đi kiểm tra và tìm hiểu thì được biết đây là bột thông cống.
Bác sĩ Nguyễn Văn Ngoan – phó trưởng khoa Tiêu hóa, bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hiện tại các bác sĩ chỉ đánh giá được tổn thương ở miệng, họng của bệnh nhân, chứ chưa thể đánh giá được các tổn thương ở thực quản, dạ dày… do phải chờ bệnh nhân đỡ loét, đỡ nhiễm trùng ở miệng họng mới có thể gây mê tiến hành nội soi tìm các tổn thương sâu một cách chính xác.
Loại bột thông cống các cháu uống phải (Ảnh gia đình cung cấp) |
Theo BS Ngoan, chất tẩy rửa có 2 nhóm: nhóm mang tính kiềm có nhiều sút và nhóm có axit, các chất ăn mòn này nếu ăn, uống phải đều gây tổn thương đường tiêu hóa với mức độ nặng, nhẹ khác nhau.
Trường hợp nhẹ, sớm được phát hiện và điều trị thì tổn thương chỉ ở mức độ viêm, đỏ, đau. Trường hợp nặng thì gây trợt, loét nông, loét sâu thậm chí là hoại tử nặng. Tổn thương còn tùy theo loại hóa chất, nồng độ hóa chất, thời gian và liều lượng mà trẻ nuốt hoặc ăn phải.
Theo khuyến cáo của bác sĩ, với bản tính của trẻ là tò mò và thích khám phá thế giới xung quanh, người trực tiếp chăm sóc các em nhỏ cần tránh không để trẻ tiếp xúc với các vật nguy hiểm (đồ sắc nhọn như dao, kéo…), các yếu tố gây nguy hiểm (nước, lửa, điện…). Trong gia đình nếu có sử dụng hóa chất, chất tẩy rửa cần cất giữ nơi trẻ không nhìn thấy, không tìm thấy, không với tới. Không để trẻ tự chơi một mình mà không có người giám sát, để tránh các hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Sơ cứu đúng cách
Khi nghi ngờ bé bị ngộ độc hóa chất, cha mẹ cần tìm xem có thứ gì nghi là ngộ độc hay không. Nếu bé có biểu hiện ngộ độc như ho sặc, khó thở, cha mẹ cần đưa bé nhập viện cùng với vật nghi gây ngộ độc.
Nếu bé uống phải hóa chất, cần cho uống nhiều nước. Còn nếu ngộ độc thuốc, đừng cho bé uống bất kỳ loại nước nào cho đến khi có sự trợ giúp y tế. Không gây nôn cho những bé bị co giật, hôn mê hoặc uống phải chất gây bỏng miệng (như axit), chất bay hơi (dầu, xăng).
Nếu bị ngộ độc do tiếp xúc qua da, cần cởi bỏ quần áo bé, rửa da bằng xà phòng và nhiều nước, tránh chà xát mạnh vì sẽ làm chất độc thấm qua da nhanh hơn.
Nếu bé hít phải khí độc, lập tức đưa ra chỗ thoáng khí, mở rộng cửa.
Phòng tránh
Theo Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Kim Thoa (Trưởng khoa Nội Tổng Quát 1, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM), nguy cơ bị ngộ độc từ những đồ gia dụng luôn hiện diện trong nhà, khi bé ở độ tuổi hiếu động, rất tò mò, ham khám phá và chưa nhận thức được những mối nguy hiểm.
Tình trạng ngộ độc thường khó hồi phục hoàn toàn, có em còn mang di chứng ở phổi suốt đời. Vì thế, các bậc phụ huynh cần chú ý quan tâm dự phòng trước tất cả những nguy cơ cho bé.
Tất cả các hóa chất như chất tẩy giặt, thuốc diệt chuột, thuốc nhuộm tóc... phải để đúng trong hộp, lọ của chúng, đặt trong tủ đóng kín, có chìa khóa càng tốt. Không để các chất có thể gây độc vào loại chai lọ vẫn dùng để đựng thức ăn, nước uống. Không đặt chúng dưới gầm tủ, góc bếp.
Các loại hoá chất, mỹ phẩm phải được cất trong tủ, đặt ở ngoài tầm nhìn, tầm tay của bé để bé không với được. Bé còn nhỏ cần được trông nom cẩn thận, không để bé chơi gần bếp, nơi chứa hoá chất, mỹ phẩm để đảm bảo an toàn cho bé.
Ý kiến bạn đọc