(VnMedia) - PGS.TS Phùng Hòa Bình, Trưởng Bộ môn Y học Cổ truyền, Đại học Y dược Hà Nội cho biết, tam thất là vị thuốc rất quý và được sử dụng lâu đời.
Tam thất là một vị thuốc quý, đặc biệt là đối với phụ nữ ở tuổi sinh đẻ. Tam thất có 2 loại là Tam thất bắc (sâm tam thất, điền thất nhân sâm, kim bất hoán, Panax pseudoginseng) và Tam thất nam (tam thất gừng, khương tam thất, ngải năm ông, Stahlianthus thorelii).
Tam thất bắc là có hàng rất gần với cây nhân sâm và có tác dụng cầm máu (khử ứ trị huyết) và rất tốt dùng cho phụ nữ sau khi sinh (tẩy huyết cũ sinh huyết mới)
Phần lớn củ Tam thất bắc đều có hình con quay hay hình thoi, độ dài trung bình là khoảng 3cm, đường kính trung bình 1.5cm, không phân nhánh, đầu củ sần sùi, thành nhiều mấu, có nhiều vết vằn dọc theo hết củ, vỏ ngoài cứng mầu xám hoặc xám đen (dạng sống) sau chuyển màu đen (dạng sơ chế), ruột đặc màu xám, chắc nặng, vị ngọt nhạt, hơi đắng, mùi thơm nhẹ. Cắt ngang củ thì sẽ thấy được phần thịt màu xám xanh. Nếm một tý sẽ có cảm giác vị đắng hơi ngọt kèm theo một ít mùi thơm.
PGS.TS Phùng Hòa Bình cho biết, theo y học hiện đại, tam thất bắc có vị đắng ngọt, tính ấm, có tác dụng hoạt huyết, bổ huyết, cầm máu, tiêu ứ huyết, tiêu sưng, giảm đau....
- Tam thất có tác dụng bổ dưỡng: tăng lực, tăng sức đề kháng, điều hòa miễn dịch.
- Kích thích tâm thần, chống trầm uất.
- Bảo vệ tim chống lại những tác nhân gây loạn nhịp. Chất noto ginsenosid trong tam thất có tác dụng giãn mạch, ngăn ngừa xơ vữa động mạch, tăng khả năng chịu đựng của cơ thể khi bị thiếu ôxy.
- Cầm máu, tiêu máu, tiêu sưng: Chữa các trường hợp chảy máu do chấn thương (kể cả nội tạng), tiêu máu ứ do phẫu thuật, va dập gây bầm tím phần mềm. Bột tam thất rắc giúp cầm máu nhanh các vết thương.
- Giảm sinh khối u, do đó làm giảm tốc độ phát triển u, hạn chế sự di căn của tế bào ung thư, kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân ung thư.
Cách dùng tam thất
- Dùng sống dưới dạng bột, dạng lát cắt ngậm, nhai, hoặc mài với nước uống
- Dùng chín trong những trường hợp thiếu máu, suy nhược, phụ nữ sau khi đẻ.
Có nên sử dụng tam thất hàng ngày hay không?
Theo PGS.TS Phùng Hòa Bình, tam thất bắc có vị đắng, ngọt và tính hơi ôn: Đối với những người bình thường và sử dụng để chữa u nếu cơ địa hoàn toàn bình thường không quá nóng và không quá lạnh thì có thể dùng tam thất thường xuyên.
Đối với những người quá nóng thì có tác dụng bất lợi là nếu uống trong thời gian dài có thể gây ra phản ứng mẫn cảm gây ngứa, mụn nhọt hoặc dị ứng... trong trường này dùng tam thất tùy theo cơ địa.
Những trường hợp không nên sử dụng tam thất
PGS.TS Phùng Hòa Bình khuyến cáo, tam thất bắc có nhiều công dụng, tuy nhiên những trường hợp sau không nên sử dụng tâm thất:
- Đối với thai phụ
- Những người khi đang chảy máu
- Thận trong khi cho trẻ em sử dụng
- Khi bị tiêu chảy, có nguy cơ gây tử vong
Một số bài thuốc từ tam thất bắc:
- Chữa thống kinh (đau bụng trước kỳ kinh): Ngày uống 5 g bột tam thất, uống 1 lần, chiêu với cháo loãng hoặc nước ấm.
- Phòng và chữa đau thắt ngực: Ngày uống 3-6 g bột tam thất (1 lần), chiêu với nước ấm.
- Đau thắt ngực do bệnh mạch vành: Tam thất 20g, đan sâm 20g sắc uống hoặc lấy nước nấu cháo. Ăn liên tục trong vài tháng.
- Chữa thấp tim: Ngày uống 3 g bột tam thất, chia 3 lần (cách nhau 6-8 giờ), chiêu với nước ấm. Dùng trong 30 ngày.
- Chữa các vết bầm tím do ứ máu (kể cả ứ máu trong mắt): Ngày uống 3 lần bột tam thất, mỗi lần từ 2-3 g, cách nhau 6-8 giờ, chiêu với nước ấm.
- Chữa đau thắt lưng: Bột tam thất và bột hồng nhân sâm lượng bằng nhau trộn đều, ngày uống 4 g, chia 2 lần (cách nhau 12 giờ), chiêu với nước ấm. Thuốc cũng có tác dụng bồi bổ sức khỏe cho người suy nhược thần kinh, phụ nữ sau sinh, người mới ốm dậy.
- Chữa bạch cầu cấp và mạn tính: Đương quy 15-30 g, xuyên khung 15-30 g, xích thược 15-20 g, hồng hoa 8-10 g, tam thất 6 g, sắc uống.
- Tam thất còn phối hợp với kỷ tử, cúc hoa chữa các chứng bệnh về mắt.
- Tam thất với linh chi lại tăng cường miễn dịch, chống stress, cải thiện trí nhớ.
Ý kiến bạn đọc