Gần 60% phụ nữ bị bạo hành trong đời sống vợ chồng

18:58, 13/11/2014
|

( VnMedia) - Số liệu này được đưa ra tại Hội thảo tập huấn về phòng chống bạo lực gia đình cho các cơ quan báo chí do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch phối hợp với Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam tổ chức trong 2 ngày 11- 12/11/2014.
 
Theo đó, tại Việt Nam, thống kê của Tổng cục Thống kê và Liên Hợp Quốc đã đưa ra con số đáng báo động: có đến 58% phụ nữ Việt Nam cho biết mình đã từng là nạn nhân của ít nhất một trong ba hình thức bạo hành chính trong đời sống vợ chồng là bạo hành thể xác, tình dục và tinh thần. Đáng ngại là trong số này, khoảng một nửa nạn nhân chưa từng nói với ai về tình trạng bạo lực mà họ phải chịu đựng…

Ông Hoa Hữu Vân, phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết: Hội thảo này là một trong những hoạt động của chuỗi các sự kiện “Hãy hành động/chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”, hưởng ứng ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái 25/11 năm nay.
 
Ông Vân cũng nhấn mạnh, bạo lực gia đình, trong đó có bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là nguy cơ tiềm tàng phá vỡ sự ổn định, bền vững của gia đình. Để ngăn chặn và tiến tới đẩy lùi nạn bạo lực đối với phụ nữ là mối quan tâm của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, để làm được điều này thì vai trò của báo chí là hết sức quan trọng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Nguyên nhân xảy ra bạo hành trong đời sống vợ chồng

Hiện nay, mặc dù sự nghiệp giải phóng phụ nữ đã đạt được những tiến bộ quan trọng nhưng bất bình đẳng giới vẫn đang diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau trong đời sống xã hội. Những hiện tượng tiêu cực và các tệ nạn xã hội đang có chiều hướng gia tăng như: ma túy, mại dâm, buôn bán phụ nữ, trẻ em, đặc biệt là nạn bạo hành trong gia đình đã và đang gây những ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của phụ nữ.

 

Về kinh tế: Trong một số gia đình nghèo, thu nhập thấp, đông con hoặc một số gia đình làm ăn, buôn bán thua lỗ đã xuất hiện các hiện tượng bạo lực gia đình. Trong lúc khó khăn nhiều người cha, người chồng đã quên rằng vợ, con họ cũng chịu nhiều gian khổ, thiếu thốn nên họ thường xuyên trút lên đầu những người vô tội ấy tất cả đòn roi để giải tỏa nỗi bực dọc, thua thiệt và nhiều khi gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

 

Do nhận thức: Có nhiều người mang nặng tư tưởng phong kiến “trọng nam khinh nữ”. Mặc dù pháp luật và đạo đức xã hội đang lên án mạnh mẽ nhưng vẫn còn khá nhiều người đàn ông cho rằng mình có quyền hành tuyệt đối trong gia đình, kể cả quyền được đánh đập, hành hạ vợ con. Có cặp vợ chồng sống chung với nhau lâu không có con, chồng ngoại tình làm cho người vợ đau khổ cả tinh thần lẫn thể xác.

 

Về văn hóa – xã hội: Những vụ bạo lực do người chống rượu chè, cờ bạc, nghiện hút, ngoại tình… xảy ra khá phổ biến. Có người uống rượu say không biết gì về nhà đánh vợ, con, khi tỉnh ra lại xin lỗi, hôm sau say lại đánh tiếp.

 

Về sức khỏe: Trong thực tế đã có nhiều vụ bạo lực gia đình xảy ra bởi những người có bệnh, đặc biệt là các bệnh nan y, bệnh thần kinh,… nên không quan tâm, chăm sóc nhau, thậm chí còn bạc đãi nhau.

 

Thực tế, phụ nữ Việt Nam có truyền thống cam chịu nên khi bạo lực xảy ra với chính bản thân mình cũng không dám nói hay tâm sự với ai, họ không quen phản kháng hoặc không có ý thức tự bảo vệ mình. Khi bị bạo hành ít khi nhờ đến sự can thiệp của cha mẹ, bạn bè hoặc chính quyền vì sợ "vạch áo cho người xem lưng". Dù đang sống trong xã hội hiện đại, một số chị em vẫn chưa ý thức được quyền bình đẳng của mình. Khi bị chồng ngược đãi, họ nghĩ đó là những mâu thuẫn thường tình, không tránh khỏi trong cuộc sống gia đình chứ không biết rằng đó là hành vi bạo hành và mình là nạn nhân được luật pháp bảo vệ. Đây chính là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng bạo lực trong gia đình vẫn đang tiếp diễn.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc