Gần 1 triệu trẻ chết vì viêm phổi hàng năm

14:40, 13/11/2014
|

(VnMedia) - Viêm phổi là bệnh lây nhiễm gây tử vong số 1 đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Mỗi ngày có 2.500 trẻ tử vong vì viêm phổi, gần 1 triệu ca tử vong hàng năm...

Thông tin trên được các chuyên gia cảnh báo tại buổi tọa đàm “Phòng chống viêm phổi, bảo vệ trẻ em” tổ chức nhân Ngày Phòng chống Viêm phổi Thế giới 12/11.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), viêm phổi là bệnh lây nhiễm gây tử vong số 1 đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi, mà nguyên nhân hàng đầu là do phế cầu khuẩn. Riêng tại Việt Nam , ước tính hàng năm có đến 2.9 triệu lượt mắc viêm phổi ở trẻ dưới 5 tuổi.

BS. Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, phế cầu khuẩn là vi khuẩn hàng đầu gây viêm phổi ở trẻ nhỏ.  Viêm phổi do phế cầu là một bệnh cực kỳ nguy hiểm, ước tính tỷ lệ tử vong khoảng từ 10% đến 20%, với nguy cơ tử vong vượt trên 50% ở những nhóm nguy cơ cao như trẻ nhỏ hoặc người già. Triệu chứng bệnh bao gồm ho nhiều, ớn lạnh, sốt cao, vã mồ hôi, thở nhanh, đau ngực, đau cơ, mệt mỏi và một cơn ho ra đờm; là những triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với cảm cúm thông thường nên dễ bị các bậc phụ huynh xem nhẹ.

Ảnh minh họa


BS. Trương Hữu Khanh đang trao đổi những thông tin hữu ích tại buổi tọa đàm “Phòng chống viêm phổi, bảo vệ trẻ em”.


Phế cầu khuẩn không chỉ là vi khuẩn hàng đầu gây viêm phổi mà còn gây ra nhiều loại bệnh lý khác nhau ở trẻ em, từ những bệnh lý nghiêm trọng, đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời như viêm màng não, nhiễm trùng huyết hay viêm phổi, cho đến những bệnh lý không xâm lấn nhưng lại có tần suất mắc phải rất cao như viêm tai giữa hay viêm xoang. 
 
Số liệu điều tra của một số nghiên cứu tại Việt Nam thời gian 1990 - 2003 cho thấy, có 40-70% trẻ khỏe mạnh mang phế cầu vùng hầu họng, trong đó tỷ lệ ở trẻ dưới 5 tuổi là 60% và từ 26% - 83% các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính có nguyên nhân là phế cầu. Vi khuẩn thường được lan truyền nhiều nhất qua đường không khí (ho, hắt hơi) và lây lan thông qua việc tiếp xúc với người bị bệnh hoặc những người khỏe mạnh có mang phế cầu khuẩn trong người. 
 
Phế cầu khuẩn đang ngày càng gia tăng mức độ đề kháng với các loại kháng sinh, gây khó khăn trong việc điều trị và tạo áp lực gánh nặng lên ngành y tế và toàn xã hội khi các loại kháng sinh điều trị ngày càng trở nên kém hiệu quả.

Do đó, việc tiêm chủng vắc-xin từ rất sớm cho trẻ ngay ở giai đoạn sơ sinh là một trong những biện pháp quan trọng nhằm chống lại khả năng nhiễm phế cầu khuẩn, tăng cường bảo vệ trẻ trước nguy cơ dịch bệnh khó lường.
 
Bên cạnh đó, để phòng ngừa viêm phổi cần tăng cường sự bảo vệ tự nhiên, tạo ra môi trường sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cho trẻ bú mẹ từ sớm, rửa tay bằng xà phòng và đặc biệt là tiêm chủng.


Thuỳ Hoa

Ý kiến bạn đọc