(VnMedia) - Cuộc sống hiện đại ngày càng nhiều người trẻ bị suy giảm trí nhớ ... Căng thẳng tâm lý là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy giảm trí nhớ cùng với chế độ ăn công nghiệp, thói quen uống rượu bia và chất kích thích, tình trạng béo phì, ô nhiễm môi trường...
Khoảng 20% bệnh nhân dưới 35 tuổi bị suy giảm trí nhớ
Theo PGS. BS Nguyễn Thi Hùng- Phó Chủ tịch Hội Thần kinh học TP Hồ Chí Minh tuy chưa có khảo sát chính thức về tình trạng suy giảm trí nhớ ở người trẻ nhưng những thống kê sơ bộ từ Hội Thần kinh học TP Hồ Chí Minh cho thấy, cứ 100 người trẻ đến khám bệnh ở các bệnh viện công tại TP Hồ Chí Minh thì có đến 20 người gặp trục trặc về suy giảm trí nhớ.
Cũng theo PGS. BS Nguyễn Thi Hùng, khoảng 20% bệnh nhân dưới 35 tuổi của các phòng khám thần kinh gặp vấn đề về suy giảm trí nhớ. Xu hướng trẻ hóa người bệnh ngày càng đáng báo động.
Căng thẳng tâm lý là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy giảm trí nhớ cùng với chế độ ăn công nghiệp, thói quen uống rượu bia và chất kích thích, tình trạng béo phì, ô nhiễm môi trường... Đồng thời, người trẻ dễ bị kích động, cáu gắt, mất tập trung và gặp nhiều áp lực học hành, việc làm hay kiếm tiền khiến đầu óc họ luôn căng lên làm sản sinh ra gốc tự do dẫn đến chức năng não bị rối loạn, hệ thống mạch máu bị suy yếu làm não kém tập trung và giảm khả năng ghi nhớ. Người trẻ chịu nhiều áp lực học tập, nhất là gần đến kỳ thi, áp lực bài vở và áp lực thành tích thường gây nên bệnh hay quên, đi kèm mất tập trung.
Thông thường sau tuổi 30, mỗi ngày có tới 3000 tế bào não chết đi mà không sản sinh thêm. Trong khi đó, mỗi tế bào ở lại phải hứng chịu sự tấn công của 10.000 gốc tự do làm hủy hoại các tế bào thần kinh khiến chức năng não rối loạn.
Để ngăn chặn chứng bệnh suy giảm về trí nhớ, PGS. BS Nguyễn Thi Hùng khuyễn cáo những người trẻ cần thay đổi lối sống, dẹp bỏ áp lực, quên đi phiền muộn, tạo điều kiện nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc, tránh stress, giảm cân nếu béo phì, hạn chế rượu bia và các loại thực phẩm chứa nhiều gốc tự do...
Đồng thời, những người trẻ cần rèn luyện trí nhớ bằng cách đọc sách, thường xuyên giao tiếp xã hội, sắp xếp cuộc sống logic, gọn gàng; tập thể dục thường xuyên để thúc đẩy tuần hoàn, hô hấp, giúp tăng cường ôxy và dinh dưỡng cho não. Bên cạnh đó, nên có chế độ dinh dưỡng, thực phẩm hợp lý bằng cách ăn các loại thực phẩm giàu chất sắt, đạm và nguyên tố vi lượng để ngăn chặn sự thoái hóa của tế bào não.
Ảnh minh họa. |
"Thủ phạm" gây suy giảm trí nhớ
Bệnh lý tâm thần: Đó là các bệnh như rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu… làm giảm tập trung chú ý; bệnh tâm thần phân liệt có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp ở người trẻ. Bệnh kéo dài khiến hoạt động ngày càng yếu đuối đi đến chỗ không thiết làm công việc gì, khả năng lao động và học tập, chú ý, trí nhớ đều giảm.
Sau chấn thương sọ não: Hậu quả của chấn thương sọ não (CTSN) rất khác nhau, từ hồi phục hoàn toàn đến để lại các di chứng nặng nề về thần kinh và tâm thần.
Nhiễm khuẩn: Các bệnh lý hay gặp là viêm não, màng não do vi khuẩn, virut, viêm màng não lao, sốt rét ác tính thể não, giang mai não, HIV/AISD…
Do nhiễm độc: Các chất độc thâm nhập vào cơ thể bằng nhiều đường khác nhau, tác động lên hệ thần kinh trung ương, gây ra tổn thương thần kinh và các rối loạn tâm thần rất đa dạng, cấp tính hoặc kéo dài.
Rượu và chất gây nghiện: Nghiện rượu làm ảnh hưởng đến hiệu suất công tác, đến sức khỏe tâm thần và thể chất, làm tổn thương đến các mối quan hệ gia đình và đời sống xã hội. Người nghiện thuốc phiện bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và trí nhớ.
Do stress: Tình trạng stress không chỉ gây ra những tác động xấu đối với cơ thể mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đối với trí nhớ, đặc biệt là phản ứng stress cấp tính. Một trong những nguyên nhân gây stress ở người trẻ là áp lực học tập.
Rối loạn phân ly: Các rối loạn phân ly hay phát sinh ở tuổi trẻ, nữ nhiều hơn nam. Trong các điều kiện không thuận lợi về tinh thần cũng như thể chất, các rối loạn có thể phát thành “dịch” trong một tập thể. Biểu hiện triệu chứng lâm sàng của các rối loạn phân ly rất đa dạng và hầu hết có rối loạn trí nhớ.
Chậm phát triển tâm thần và động kinh: Chậm phát triển tâm thần (CPTTT) là một nhóm bệnh lý có biểu hiện sự sa sút tâm thần bẩm sinh hay mắc phải trong những năm đầu thời kỳ thơ ấu. CPTTT không phải là một bệnh mà là một trạng thái rối loạn của một bệnh nào đó để lại sự thiếu sót trong các hoạt động trí tuệ và khả năng thích ứng.
Động kinh: Động kinh là một bệnh mạn tính, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc trưng là sự lặp đi lặp lại của các cơn do sự phóng điện quá mức của các tế bào thần kinh não bộ, dù cho triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng có thể khác nhau. Trong cơn, người bệnh có thể có những rối loạn vận động. Những hành vi đó có tính chất tự động, không mục đích và người bệnh sau đó không nhớ những gì xảy ra.
Ý kiến bạn đọc