(VnMedia) - Bắt đầu từ hôm nay 15/7, mô hình bác sĩ gia đình được thí điểm triển khai tại 8 tỉnh, TP là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Thái Nguyên, Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa và Tiền Giang.
Ảnh minh họa.
Phòng khám bác sỹ gia đình cũng được phép thực hiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
Theo Bộ Y tế, bác sĩ gia đình hoàn toàn khác với bác sĩ đến khám tại nhà. Khám tại nhà chỉ là đến khám và đi về (mang tính nhất thời) còn bác sĩ gia đình là mô hình chăm sóc sức khỏe lâu dài, liên tục, có tính cộng đồng cao bởi họ còn có nhiệm vụ tham gia hướng dẫn phòng bệnh, phát hiện sớm bệnh cũng như kiểm soát bệnh mạn tính.
Phòng khám bác sĩ gia đình có thể thuộc tư nhân hoặc cơ sở y tế công lập. Nếu phòng khám là của cơ sở công lập thì giá dịch vụ khám, chữa bệnh do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Phòng khám của tư nhân thì được quyền quyết định giá nhưng phải niêm yết công khai.
Bác sỹ gia đình có nhiệm vụ quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục, lồng ghép và phối hợp cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng; khám sàng lọc, phát hiện sớm các loại bệnh tật; cấp cứu, khám chữa bệnh, phục hồi chức năng với phạm vi chuyên môn được phép đồng thời được tư vấn sức khỏe, phòng bệnh, phòng chống các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe nhằm nâng cao năng lực của cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng với phạm vi hành nghề được ghi trong chứng chỉ hành nghề.
Đề án bác sỹ gia đình là một trong những hoạt động mà Bộ Y tế kỳ vọng giúp giảm tải tại các bệnh viện. Hệ thống phòng khám này cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện cho cá nhân, gia đình và cộng đồng.
Ý kiến bạn đọc