Báo động tình trạng trẻ em bị tật khúc xạ

05:55, 27/05/2014
|

(VnMedia) - Theo kết quả khảo sát của ngành nhãn khoa cho thấy ở Việt Nam, tỷ lệ học sinh bị tật khúc xạ là khoảng 25-30%, tức là cứ 3-4 em học sinh thì có một em bị tật khúc xạ.

Theo đó, tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, tỷ lệ này dao động từ 30-60%, cá biệt là tại các trường chuyên, lớp chọn có lớp 100% học sinh phải mang kính vì bị tật khúc xạ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Chức năng của mắt là thu nhận ánh sáng giúp nhìn rõ hình ảnh của những vật xung quanh. Mắt bình thường (còn gọi là mắt chính thị) là mắt cho phép tia sáng đi vào hội tụ đúng trên võng mạc. Võng mạc chính là lớp thần kinh tiếp thu ánh sáng truyền về não bộ giúp “nhìn” thấy vật xung quanh. Chỉ khi ánh sáng hội tụ đúng ở võng mạc thì vật mới được nhìn rõ. Khi mắt không có khả năng hội tụ một cách chính xác những tia sáng đúng trên võng mạc thì gọi là mắt có tật khúc xạ. Các loại tật khúc xạ thường gặp ở trẻ em gồm: Cận thị, viễn thị, loạn thị và lệch khúc xạ.

Theo các chuyên gia nhãn khoa, nhiều học sinh Việt Nam có tật khúc xạ nhưng không được phát hiện kịp thời. Ngay cả những học sinh đã mang kính nhưng không thay kính kịp theo diễn biến của thị lực cũng bị ảnh hưởng rất lớn đến thị lực và chất lượng cuộc sống.

Nguyên nhân của tình trạng trẻ em bị tật khúc xạ tại Việt Nam được các chuyên gia nhãn khoa xác định đó là yếu tố di truyền (nguồn gen) và sử dụng mắt quá mức. Các em học sinh sử dụng mắt quá mức cho hoạt động nhìn gần một phần là do chương trình học của các em khá nặng, nhiều em còn đi học thêm ngoài giờ.

Thời gian còn lại, các em không để cho mắt nghỉ ngơi mà nhiều  em học sinh, nhất là các học sinh nam lại sa đà vào game, máy tính và nhiều hình thức giải trí khác, khiến mắt phải căng ra làm việc. Hậu quả là mắt lúc nào cũng phải điều tiết quá mức.

Theo các chuyên gia, có nhiều cách giúp giảm căng thẳng cho mắt như tăng cường chiếu sáng trong lớp học, giảm tải chương trình học, hạn chế hình thức giải trí bằng xem truyền hình hay chơi game, tăng cường các hoạt động ngoài trời, ăn các thực phẩm giàu vitamin A, vitamin E…

Dấu hiệu phát hiện sớm

Theo ThS, BS Đinh Thạc, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM, các bậc phụ huynh cần chú ý quan sát các em khi học tập, sinh hoạt để phát hiện kịp thời các dấu hiệu sau:

- Do nhìn xa không rõ nên khi xem tivi các em hay chạy lại gần để nhìn cho rõ, lại gần bảng mới thấy chữ hoặc chép “ké” bài của bạn.
- Hay nheo mắt hoặc nghiêng đầu khi xem tivi hay nhìn một vật ở xa.
- Đọc chữ hay bị nhảy hàng, dùng ngón tay để dò theo các chữ khi đọc hoặc đọc chữ rất chậm so với các bạn cùng lớp.
 - Hay chép sai đề bài, viết sai chữ. Trẻ bị loạn thị thường nhìn mờ và “nhòe” khi nhìn lên bảng, hay đọc nhầm những chữ cái chẳng hạn như chữ H đọc thành chữ N, chữ B đọc thành chữ H, chữ I đọc thành chữ T…
- Thường dụi mắt dù trẻ không buồn ngủ.
- Than mỏi mắt, nhức đầu, chảy nước mắt.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc