(VnMedia) - Chiều 24/3, theo tin từ Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới trung ương, sau 7 ngày điều trị tích cực tại BV, thai phụ Vũ Thị L. (26 tuổi, thôn Quang Tiến, xã Quang Trung, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) nhiễm cúm A/H1N1 đã tử vong vào 21h ngày 23/3.
Bệnh nhân mắc bệnh cúm nặng. Ảnh minh họa.
Trước đó, ngày 16/3 bệnh nhân L. nhập viện trong tình trạng khó thở, suy hô hấp nặng, đặc biệt bị tổn thương trắng xóa hai bên phổi. Bệnh nhân được xác định nhiễm cúm A/H1N1, được điều trị ở phòng cách ly và thở máy. Tại thời điểm nhiễm cúm A/H1N1 bệnh nhân L. đang mang thai ở tháng thứ 5.
Trong gia đình bệnh nhân có 5 người cùng bị cúm A/H1N1 nhưng L. bị nặng nhất. Hiện sức khỏe những người trong gia đình L. đã ổn định. Đây là bệnh nhân thứ 2 nhiễm cúm A/H1N1 trong tuần qua có biến chứng nặng và sau thời gian điều trị không qua khỏi.
Theo phân tích của các bác sĩ tại BV Bệnh nhiệt đới trung ương, đa phần các ca nhiễm cúm thường nhẹ và tự khỏi nhưng vẫn có những trường hợp biến chứng với tỷ lệ tử vong nhất định. Với những bệnh nhân bị cúm nặng, chỉ sau 3 ngày có thể xảy ra biến chứng viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn tới khả năng cứu sống rất thấp.
Các bác sĩ khuyến cáo, các chủng cúm đều có dấu hiệu lâm sàng khá giống nhau, như: Ho, sốt cao, khó thở, viêm đường hô hấp, đau đầu, đau cơ, viêm kết mạc... nên rất khó xác định người bệnh nhiễm chủng cúm nào.
Thời tiết mùa xuân ẩm ướt ở miền Bắc là điều kiện thuận lợi cho virus cúm phát triển. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp nên nguy cơ lan truyền cao hơn bình thường. Bác sĩ khuyến cáo, dù là cúm mùa thông thường cũng có thể dẫn đến tử vong. Vì thế, người dân không nên chủ quan khi thấy sốt cao, khó thở cần đến cơ sở y tế ngay. Để phòng ngừa, cần chú ý rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt và mũi, che miệng khi ho hoặc hắt hơi và có thể tiêm vắcxin.
Ý kiến bạn đọc