(VnMedia) - Ngày 21/3, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết: Ngày 19/3, Cục Quản lý dược nhận được báo cáo của bệnh viện Bạch Mai cho biết trong thời gian qua, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị ngộ độc nấm.
Ảnh minh họa.
Để đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho công tác điều trị ngộ độc nấm nói riêng và nhu cầu điều trị của bệnh viện trong trường hợp đặc biệt nói chung, Cục Quản lý dược yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai lập dự trù, kế hoạch sử dụng và liên hệ với các đơn vị xuất nhập khẩu thuốc (Tổng Công ty dược Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên dược phẩm trung ương 1, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên dược phẩm trung ương 2, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên dược trung ương 3, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên dược Sài Gòn, Công ty cổ phấn xuất nhập khẩu y tế Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần dược - thiết bị y tế Hà Nội và chi nhánh Công ty cổ phần dược phẩm ECO) để đảm bảo đủ thuốc cho công tác điều trị ngộ độc nấm nói riêng và nhu cầu điều trị của bệnh viện trong trường hợp đặc biệt nói chung.
Theo đó, các đơn vị xuất nhập khẩu thuốc khẩn trương liên hệ với các đối tác nước ngoài tìm kiếm nguồn cung ứng thuốc điều trị ngộ độc nấm, trong đó có các sản phẩm bột pha tiêm Silibirin, biệt dược Legalon SIL của Rottapharm S.p.A - Italy và các thuốc cho nhu cầu điều trị của bệnh viện trong trường hợp đặc biệt để cung cấp đầy đủ, kịp thời cho các cơ sở điều trị có nhu cầu.
Cục Quản lý dược sẽ xem xét, giải quyết ngay các dự trù, đơn hàng nhập khẩu thuốc cho nhu cầu điều trị của bệnh viện trong trường hợp đặc biệt theo qui định.
Chỉ trong vòng hơn 1 tuần qua, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã tiếp nhận 14 bệnh nhân bị ngộc độc do nấm ăn từ tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang. Tính đến ngày 20/3, đã có 4 bệnh nhân ngộ độc nấm bị tử vong. Những bệnh nhân còn lại phần lớn đều trong tình trạng hôn mê sâu, tiên lượng rất xấu.
Theo Tiến sỹ Phạm Duệ, số bệnh nhân còn lại, khả năng cứu thoát được bàn tay tử thần chỉ có khoảng 4 bệnh nhân. Các bệnh nhân khi nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu thì tiên lượng rất xấu, khả năng tử vong cao. Bởi những bệnh nhân này đều có men gan tăng cao, suy gan thận nặng.
Để cứu được các bệnh nhân này chỉ có thể sử dụng biện pháp thay tạng. Các bác sỹ tại Bệnh viện Bạch Mai cũng hội chẩn với nhiều bệnh viện khác như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Nhi Trung Ương… để tìm ra phương án ghép tạng nhưng nguồn người cho không có sẵn. Cơ hội sống sót của các bệnh nhân ngộ độc bị hôn mê rất mong manh.
Vào thời điểm mùa xuân, mùa mưa, thời tiết ấm ẩm, nấm mọc nhiều nên rất dễ xảy ra các vụ ngộ độc nấm. Nhiều người cho rằng các loại nấm có màu sắc sặc sỡ thì mới là nấm độc. Tuy nhiên, trên thực tế có cả những loại nấm trắng cũng có độc tố. Không ít người dân vì thiếu hiểu biết nên đã phải chuốc lấy hậu quả thật đau lòng chính là mạng sống của mình. Một điều đáng tiếc nữa chính là việc các bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện cấp cứu muộn, diễn biến ngộ độc đã nặng. Nhóm bệnh nhân thứ 3 ở Tuyên Quang được chuyển đến cấp cứu tại Trung tâm chống độc sau 58 giờ bị ngộ độc nên khả năng cứu chữa rất thấp.
Tiến sỹ Phạm Duệ,đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, để tránh ăn phải nấm độc, người dân nên tìm mua các loại nấm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng do nuôi trồng chứ không nên hái nấm hoang, nấm mọc ở rừng hay mọc ở ven đường để ăn. Phần lớn những bệnh nhân bị ngộ độc nấm đều đi hái nấm hoang về ăn. Khi bị ngộ độc nấm, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để chữa trị. Nếu ngay sau khi ăn mà phát hiện nấm độc, cần tìm cách móc họng để nôn ra. Nếu trong gia đình có sẵn than hoạt thì uống theo tỉ lệ 1 gam-2 gam cho 1kg thể trọng. Nếu để sau 2h, thức ăn đã tiêu hóa hết, độc tố ngấm sâu vào người.
Ý kiến bạn đọc