Con số báo động về vi phạm an toàn thực phẩm

15:04, 21/03/2014
|

(VnMedia) - Cục An Toàn Thực Phẩm (Bộ Y Tế) vừa công bố kết quả đợt thanh tra an toàn thực phẩm dịp đầu năm 2014. Trong đó có những con số đáng báo động.

Trong thời gian từ ngày 15/12/2013 đến 6/2/2014, Bộ Y tế phối hợp với các Bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh
và các địa phương đã triển khai đợt thanh tra, kiểm tra về ATTP trên phạm vi cả nước. Có 169.287 cơ sở được kiểm tra, trong đó phát hiện 34.676 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm (chiếm 20,48%), cơ quan chức năng đã đã xử lý 7.242 cơ sở, phạt tiền 2.871 cơ sở với số tiền phạt là 5,103 tỷ đồng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Ngoài việc xử phạt, các địa phương đã kiên quyết tiêu hủy các sản phẩm không bảo đảm ATTP. Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố có 2.364 cơ sở có sản phẩm bị hủy (1,4% tổng số cơ sở được thanh tra) với tổng số 2.667 loại sản phẩm bị hủy. Trong đó, một số địa phương phát hiện, tiêu hủy nhiều loại sản phẩm không đạt như: Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nghệ An, Quảng Ninh.

Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, trong dịp Tết nguyên đán năm 2014, thực phẩm đã tịch thu và tiêu hủy chủ yếu là gia cầm, trứng gia cầm, thịt heo, bò, dê chưa qua kiểm dịch.

Tại Hà Nội, phát hiện và tiêu hủy 2.865 kg thực phẩm đông lạnh (7 loại sản phẩm) có vi sinh vật vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Riêng đối với kho hàng thực phẩm (khoảng 50 tấn) không có hóa đơn, chứng từ, bao gồm các loại ô mai, bánh kẹo, hạnh nhân... tại xã Ninh Hiệp huyện Gia Lâm Hà Nội phần lớn đã bị tiêu hủy sau khi phân loại.

Các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm chủ yếu như: vi phạm về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ, chất lượng sản phẩm... Đặc biệt, trong quá trình thanh tra, kiểm tra các ngành chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm do vận chuyển sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn (lòng, nầm heo, nầm bò, nầm trâu đã bị hỏng, hôi thối, bốc mùi...), bánh mứt kẹo không rõ nguồn gốc, không nhãn mác...

Bên cạnh đó, việc sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, quá giới hạn cho phép không có nhãn phụ bằng tiếng Việt trong các cơ sở kinh doanh thực phẩm, bếp ăn tập thể, nhà hàng còn phổ biến.


Thuỳ Minh

Ý kiến bạn đọc