(VnMedia) - Ngày 26/11, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết, đã nhận được báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu về một trường hợp trẻ tử vong sau khi các địa phương được tiêm chủng vắcxin Quinvaxem trở lại.
Cục đã yêu cầu chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia phối hợp với Sở Y tế Bạc Liêu khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân. Sáng 24/11, một bé gái 5 tháng tuổi được gia đình đưa tới Trạm Y tế xã Hưng Phú, huyện Phước Long để tiêm vắcxin Quinvaxem. Sau khi tiêm khoảng 4 giờ, bé gái này có biểu hiện tím tái và dù được cấp cứu và điều trị tích cực nhưng vẫn tử vong vào chiều cùng ngày.
Tối 26/11, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Ngay sau khi nhận được báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu về 1 trường hợp tử vong sau tiêm chủng, ngày 26/11, Bộ Y tế đã cử đoàn chuyên gia của Ban Điều hành tiêm chủng phía Nam, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi Cần Thơ cùng với Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vaccine và sinh phẩm y tế tỉnh Bạc Liêu đã tiến hành điều tra, đánh giá nguyên nhân.
Hội đồng đã tổ chức họp và có kết luận loại trừ nguyên nhân do vắcxin và nguyên nhân do thực hành tiêm chủng. Nguyên nhân trường hợp tử vong của cháu bé tại Bạc Liêu là do suy hô hấp, suy tuần hoàn sau tiêm; có thể do sốc phản vệ trên cơ địa quá mẫn, song chưa loại trừ nguyên nhân do trùng hợp bệnh lý khác gây tử vong.
Ông Trần Đắc Phu cho biết trong tuần tới, các thành viên hội đồng chuyên môn về đánh giá tai biến vắc-xin sau tiêm chủng sẽ họp lại để đánh giá về tai biến sau tiêm Quinvaxem. Từ tháng 10-2013 đến nay, đã có 400.000 liều vắc-xin này được tiêm, trong đó gần 50 trẻ phản ứng phải nhập viện tại 8 địa phương. Trung tâm theo dõi phản ứng phụ của thuốc nhận được 32 báo cáo liên quan đến vắc-xin. Trong đó, 19 báo cáo liên quan đến vắc-xin “5 trong 1” thì có 14 trường hợp là Quinvaxem. Các phản ứng liên quan đến Quinvaxem đều là phản ứng nặng.
Ý kiến bạn đọc