"Hãy dừng việc phá thai" các trẻ dị tật bẩm sinh

10:59, 26/11/2013
|

(VnMedia) - Từ ngày 25- 28/11, Đại học Y Hà Nội phối hợp với Quỹ Khe hở môi vòm miệng quốc tế (ICPF) tổ chức Hội nghị khoa học quốc tế lần thứ 8 về phẫu thuật khe hở môi vòm miệng, dị tật bẩm sinh liên quan đến răng hàm mặt, tai mũi họng, với sự tham gia của một số chuyên gia y tế, các nhà khoa học, thầy thuốc trong và ngoài nước.

Ảnh minh họa

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu tại Hội nghị.

Với chủ đề chính là "Hãy dừng việc phá thai" các trẻ dị tật bẩm sinh mà y học có thể điều trị hoàn toàn, bao gồm các trẻ em khe hở môi và vòm hầu.

Khe hở môi vòm miệng là một dị tật bẩm sinh khá thường gặp, với tần suất mắc khoảng từ 1/500- 1/1000 trẻ sinh ra còn sống, gây cho trẻ những sang chấn cả về thể chất lẫn tinh thần. Hiện nay, kỹ thuật điều trị tật khe hở mồm vòm miệng đã được cải thiện đáng kể, các trẻ em sau khi được can thiệp có thể hoàn toàn phục hồi được chức năng và hoà nhập vào cộng đồng. Hội nghị này là cơ hội các cán bộ ngành y tế chia sẻ kinh nghiệm với các chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực phẫu thuật khe hở môi vòm miệng và dị tật bẩm sinh về răng hàm mặt và tai mũi họng.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh: Đứa trẻ là hạnh phúc gia đình, là sợi dây kết nối tình yêu thương, vun đắp hạnh phúc giữa cha và mẹ; là niềm hạnh phúc của dòng họ. Trong thực tế, nhiều bậc cha mẹ đã không có được cảm giác hạnh phúc vì đứa con sinh ra đã bị dị tật bẩm sinh, trong đó có dị tật khe hở môi vòm miệng. Việc hiểu biết chưa đầy đủ về các kỹ thuật tiên tiến trong ngành y và một số quan niệm lệch lạc của xã hội về những dị tật bẩm sinh, trong đó có dị tật khe hở môi vòm miệng đã làm cho không ít trẻ em và những người thân của các cháu chịu nhiều thiệt thòi. Chính vì vậy, hội nghị được tổ chức thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Quỹ Khe hở môi vòm miệng quốc tế đối với Việt Nam và các trẻ khuyết tật; đây cũng là hoạt động nhân đạo đáng được tôn vinh.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan mong muốn các bác sĩ, chuyên gia y tế của Việt Nam tiếp thu được nhiều kinh nghiệm, thành tựu y học trên thế giới, trong đó có việc điều trị, phẫu thuật cho bệnh nhân bị khe hở môi vòm miệng, góp phần nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc sức khoẻ cho trẻ em và nhân dân.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến khẳng định, dị tật khe hở môi vòm miệng có thể được chẩn đoán sớm nhờ vào kỹ thuật siêu âm chẩn đoán trước sinh, từ đó có chiến lược xử lý phù hợp tùy theo mức độ thương tổn cũng như các bệnh lý đi kèm theo. Hiện nay, người ta có thể sửa chữa hiệu quả và rất sớm các thương tổn ở trẻ, giúp trẻ phục hồi về hình thể và chức năng. Các trẻ em sau khi được can thiệp có thể hoàn toàn phục hồi chức năng và hòa nhập cộng đồng. 

Theo thống kê, trên thế giới hiện nay có khoảng 14 triệu người bị dị tật bẩm sinh khe hở môi vòm miệng. Tỷ lệ mắc dị tật này ở trẻ sơ sinh dao động từ 1/500 đến 1/1.000 trẻ sinh ra còn sống. Đây cũng là một dị tật bẩm sinh khá thường gặp ở Việt Nam; đứng hàng thứ 2 trong số các dị tật bẩm sinh nói chung với tỷ lệ mắc khoảng 0,1 - 0,2%. Nếu không được điều trị, bên cạnh những khiếm khuyết về thẩm mỹ, trẻ còn bị ảnh hưởng về chức năng, nhất là chức năng ngôn ngữ.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc