(VnMedia) - Sự kiện Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết sau những cuộc đàm phán cam go và nhiều lần trì hoãn nghẹt thở được xem là một thành công lớn đối với chiến lược chuyển hướng trọng tâm của Mỹ vào Châu Á-Thái Bình Dương. Đây rõ ràng là một đòn giáng mạnh vào Trung Quốc.
TPP được xem là thắng lợi của Tổng thống Obama ở Châu Á-Thái Bình Dương |
Khi mới lên cầm quyền, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhanh chóng tuyên bố chiến lược xoay trục về Châu Á- Thái Bình Dương. Chính sách này còn được gọi dưới những cái tên khác như “chuyển hướng trọng tâm” hay “tái cân bằng” ở Châu Á-Thái Bình Dương. Theo chiến lược này, Washington thể hiện mối quan tâm, ưu tiên hàng đầu cho Châu Á-Thái Bình Dương bằng việc lên kế hoạch điều chuyển phần lớn số vũ khí quân sự của họ đến khu vực cùng với việc tăng cường mở rộng các liên minh chính trị, ngoại giao cũng như thúc đẩy đầu tư, hợp tác kinh tế trong khu vực.
Hơn ai hết, Mỹ hiểu rõ vai trò, vị thế của Châu Á-Thái Bình Dương đối với thế giới cũng như đối với sự phát triển của chính nước này. Việc Mỹ xoay trục sang Châu Á-Thái Bình Dương không chỉ để giúp nước này duy trì vị thế siêu cường số 1 thế giới mà còn giúp họ kiềm chế một đối thủ đang vươn lên mạnh mẽ trong khu vực là Trung Quốc.
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức được 12 nước tham gia ký kết vào khoảng 18h ngày hôm qua (5/10) sau 5 năm đàm phán với rất nhiều những cuộc đàm phán căng thẳng và rất nhiều trì hoãn. Việc TPP được ký kết vào thời điểm này là rất đúng lúc để Tổng thống Mỹ Obama có thể thể hiện cam kết được đưa ra trước đó về một chiến lược xoay trục sang lục địa đông dân nhất thế giới.
Với sự lúng túng thể hiện ở Trung Đông và cụ thể nhất là ở Syria, ông Obama đang phải đối mặt với “cơn mưa” của sự chỉ trích. Trong bối cảnh này, với TPP, Tổng thống Obama có thể nhận đây là một thành công ngoại giao thực sự mà ông đạt được vào thời điểm còn chưa đầy 16 tháng nữa là kết thúc nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông. Tất nhiên, ông chủ Nhà Trắng vẫn còn phải vượt qua một trở ngại nữa là Quốc hội Mỹ.
Đóng vai trò là trọng tâm trong chính sách đối ngoại, chiến lược “”xoay trục” sang Châu Á được Mỹ tích cực thực hiện trong suốt mấy năm qua là nhằm hướng nhiều hơn các nguồn lực kinh tế, an ninh, ngoại giao cũng như sự chú ý đến khu vực này sau một thập kỷ Washington bị mắc kẹt trong vũng lầy ở Trung Đông với hai cuộc chiến tranh đầy tổn thất và mệt mỏi ở Afghanistan cũng như Iraq.
Thỏa thuận TPP được ký kết hôm thứ Hai (5/10) “sẽ củng cố mối quan hệ chiến lược của chúng ta với các đối tác và đồng minh trong một khu vực đóng vai trò có tính sống còn đối với thế kỷ 21”, Tổng thống Obama đã phát biểu như vậy.
Có một điều đáng chú ý là Trung Quốc không phải là một bên tham gia vào TPP – một thỏa thuận kết nối 12 quốc gia chiếm đến 40% nền kinh tế toàn cầu.
Khi lần đầu tiên bước vào Nhà Trắng cách đây gần 7 năm, Tổng thống Obama từng thể hiện ý định vạch ra một con đường mới. “Với tư cách là Tổng thống Thái Bình Dương đầu tiên của Mỹ, tôi cam kết với các bạn rằng quốc gia Thái Bình Dương (Mỹ) sẽ củng cố và duy trì vai trò lãnh đạo của chúng tôi ở khu vực có vai trò sống còn đối với thế giới này", ông Obama phát biểu ở thủ đô Tokyo hồi tháng 11 năm 2009 khi ông khởi động chuyến công du đầu tiên đến Châu Á.
"Tương lai của Mỹ và Châu Á gắn bó chặt chẽ không thể tách rời", ông Obama nhấn mạnh khi thông báo ý định của Washington trong việc “củng cố mối quan hệ với các đồng minh cũ và xây dựng mối quan hệ đối tác mới” trong khu vực.
Theo nhà phân tích Douglas Paal đến từ tổ chức Hòa bình quốc tế Carnegie Endowment, hiệp định thương mại được ký ở Atlanta, Georgia đã “tạo ra năng lượng mới thực sự" cho chiến lược xoay trục của Mỹ và củng cố “cho tôn chỉ của Mỹ trong việc can dự sâu vào Châu Á”.
Bắc Kinh không tạo ra luật
10 ngày sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Washington, Tổng thống Obama hôm 5/10 đã cẩn thận nhấn mạnh sự cần thiết phải tạo thế đối trọng với Bắc Kinh trong khu vực.
"Khi hơn 95% khách hàng tiềm năng của chúng ta sống bên ngoài biên giới của chúng ta thì chúng ta không thể để cho những quốc gia như Trung Quốc viết ra các quy định, luật lệ cho nền kinh tế toàn cầu”, ông Obama nhấn mạnh.
Lời phát biểu trên rõ ràng có sức nặng về mặt chính trị. Tổng thống Obama biết rõ, việc thuyết phục Quốc hội thông qua hiệp định TPP là điều không hề dễ dàng bởi Quốc hội do Đảng Cộng hòa kiểm soát vốn không muốn trao cho Tổng thống của Đảng Dân chủ một chiến thắng rõ ràng. Vì thế, ông Obama có ý định tận dụng sự hoài nghi lớn về Bắc Kinh ở Đồi Capitol để làm lay chuyển các đối thủ.
Ông chủ Nhà Trắng thậm chí còn phải đối mặt với sự phản đối trong nội bộ Đảng Dân chủ của mình bởi một số nghị sĩ sợ rằng hiệp định TPP sẽ dẫn đến viễn cảnh mất việc làm của người dân Mỹ. Đảng Cộng hòa vốn có truyền thống ủng hộ mạnh mẽ hơn cho thương mại tự do nhưng năm nay đang có sự thiếu thống nhất giữa các thành viên của đảng về TPP.
Tuy vậy, đối với các nhà phân tích, TPP thực sự là “một thông điệp mà Mỹ muốn nhắn gửi tới Bắc Kinh”. Thông điệp đó là Mỹ thực sự quyết tâm củng cố vai trò đầy ảnh hưởng của mình ở Châu Á.
Ý kiến bạn đọc