Nga bỏ rơi quân ly khai, làm lành với Kiev?

17:12, 05/10/2015
|

(VnMedia) - Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko hôm qua (4/10) tiết lộ, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hứa sẽ yêu cầu lực lượng ly khai hoãn các cuộc bầu cử vốn được xem là hành động thách thức đối với Kiev. Thông tin này khiến người ta đặt câu hỏi liệu có phải Nga đang quay lưng lại với quân ly khai miền đông Ukraine và đang muốn làm lành với chính quyền Kiev.
 

Ảnh minh họa

Cuộc họp của Bộ Tứ Normandy


Theo các điều khoản của thoả thuận hoà bình được ký kết ở thủ đô Minsk của Belarus hồi tháng Hai, các cuộc bầu cử địa phương sẽ được tổ chức ở những khu vực ly khai miền đông cùng với phần còn lại của Ukraine vào mùa thu năm nay. Tuy nhiên, Kiev khăng khăng cho rằng, họ chưa thể tổ chức các cuộc bầu cử ở miền đông trong bối cảnh vẫn còn những vấn đề an ninh tồn tại ở đó.
 
Đáp lại, lực lượng ly khai miền đông Ukraine đã thể hiện sự thách thức với Kiev bằng cách tự lập kế hoạch tổ chức các cuộc bầu cử riêng lần lượt vào tháng 10 và tháng 11. Điều này khiến Kiev không khỏi tức giận, tuyên bố sẽ không thừa nhận kết quả của các cuộc bầu cử đó.
 
Trong một diễn biến đầy bất ngờ, Tổng thống Poroshenko hôm qua đã tiết lộ trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình rằng, "Tổng thống Nga Putin đã cam kết sẽ nỗ lực hết sức để thuyết phục lực lượng ly khai miền đông hoãn các cuộc bầu cử lại. Nga sẽ thông báo kết quả của việc này trước ngày thứ Ba".
 
Tiết lộ trên được đưa ra sau các cuộc đàm phán trong khuôn khổ Bộ Tứ Normandy diễn ra vào cuối tuần vừa rồi. Tại đây, lãnh đạo của 4 nước gồm Nga, Pháp, Đức và Ukraine đã gặp gỡ để thảo luận về tiến trình hoà bình ở Ukraine. Tổng thống Pháp Francois Hollande cho rằng, sẽ mất thời gian để tổ chức các cuộc bầu cử theo tiêu chuẩn quốc tế ở miền đông Ukraine. Điều này đồng nghĩa với việc tiến trình hoà bình Minsk sẽ không đạt được đúng hạn định đưa ra trong thoả thuận mà sẽ kéo dài đến tận năm sau.
 
Sau những cuộc đàm phán kéo dài được lên kế hoạch từ lâu, giới chức Nga và Ukraine đều bày tỏ sự lạc quan một cách thận trọng về khả năng tìm kiếm được một lối thoát cho cuộc xung đột ở miền đông Ukraine, khiến hơn 8.000 người thiệt mạng.
 
Một phát ngôn viên của điện Kremlin miêu tả, các cuộc hội đàm trong khuôn khổ Bộ Tứ Normandy hồi cuối tuần vừa rồi diễn ra rất thiết thực.
 
Đánh giá của Nga nhận được sự chia sẻ của phía Đức. Thủ tướng Angela Merkel cho rằng, “dù có sự trì hoãn trong việc thực hiện thoả thuận Minsk nhưng vẫn có hy vọng bởi các bước đi tiếp tục được tiến hành và nhìn toàn diện chúng ta có thể thảo luận với nhau trong không khí tích cực và đã bàn với nhau về những vấn đề quan trọng”.
 
Lực lượng ly khai Donetsk dự kiến sẽ tổ chức bầu cử vào ngày 18/10 trong khi nước cộng hoà nhân dân tự xưng Luhansk lên kế hoạch bầu cử vào ngày 1/11. Tuy nhiên, Kiev không muốn điều này. Bộ Tứ Normandy thống nhất với nhau rằng, các cuộc bầu cử ở miền đông Ukraine phải được tổ chức theo đúng luật của Ukraine và vì thế, kế hoạch bầu cử của Donetsk cũng như Luhansk nên hoãn lại.
 
Có thể nói, với việc Kiev và lực lượng ly khai miền đông Ukraine đều đã mệt mỏi với những cuộc giao tranh, đụng độ, người ta tin rằng, “sẽ có một giải pháp dù không hoàn hảo và không dễ chịu được đưa ra” để tháo gỡ tình hình Ukraine. Điều này sẽ chỉ đạt được khi các bên phải có sự thoả hiệp, nhượng bộ lẫn nhau.
 
Vì thế, việc Nga đồng ý thuyết phục lực lượng ly khai hoãn bầu cử được xem là một bước thoả hiệp nhằm tiến tới một giải pháp giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Đổi lại, Kiev cũng phải đồng ý đưa ra điều luật công nhận tính hợp pháp của các cuộc bầu cử ở miền đông Ukraine cũng như ân xá cho giới lãnh đạo của Donetsk và Luhansk.
 
Tín hiệu sáng trên chiến trường và tín hiệu tốt trên bàn đàm phán
 
Một trong những tín hiệu sáng trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine chính là việc lệnh ngừng bắn ở miền đông đang được duy trì ổn định và tình hình an ninh đang được cải thiện, Tổng thống Pháp Hollande đã thừa nhận như vậy trong cuộc họp của Bộ Tứ Normandy.
 
Bản thân giới lãnh đạo ở miền đông Ukraine cũng khẳng định, cuộc nội chiến ở khu vực đã kết thúc và giờ là thời điểm giải quyết những vấn đề khác.
 
Trên bàn đàm phán, tín hiệu tốt cũng đã xuất hiện. Theo Thủ tướng Merkel, Tổng thống Putin và người đồng cấp Poroshenko đã tiến lại gần với nhau hơn về quan điểm. Những hình ảnh ghi lại trước thềm cuộc gặp của Bộ Tứ Normandy cho thấy hai nhà lãnh đạo Nga, Ukraine đã bắt tay nhau.
 
Cuộc họp kéo dài gần 5 giờ đồng hồ của Bộ Tứ Normandy đã kết thúc với một kết quả khả quan và đáng hy vọng.
 
Tín hiệu tốt trên chiến trường và tín hiệu tốt trên bàn đàm phán là cơ sở để người ta có quyền hy vọng vào viễn cảnh chấm dứt cuộc đổ máu ở miền đông Ukraine cũng như cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở quốc gia Đông Âu.
 
Ngoài ra, các nước có liên quan hiện tại đều nóng lòng muốn nhanh chóng giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine và đây sẽ là động lực để họ chấp nhận một số thoả hiệp, nhượng bộ nhằm thúc đẩy tiến trình hoà bình.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc