Vụ Mistral là “cái tát vào mặt” các anh hùng Pháp

18:19, 18/09/2015
|

(VnMedia) - Việc Quốc hội Pháp bỏ phiếu thông qua thỏa thuận bồi thường cho Nga để hủy bỏ hợp đồng tàu chiến lớp Mistral là “cái tát vào mặt những người anh hùng của phi đoàn Normandie-Niemen từng sát cánh chiến đấu bên cạnh Lực lượng Không quân Xô-viết trong thế chiến II", một nghị sĩ Pháp hôm qua (17/9) đã nhận xét như vậy.
 

Ảnh minh họa

Tàu chiến lớp Mistral


Quốc hội Pháp thông qua thỏa thuận bồi thường 1 tỉ USD cho Nga

 
Quốc hội Pháp hôm qua (17/9) đã thông qua một dự luật về việc trả tiền bồi thường trị giá 949,7 triệu euro (tương đương 1 tỉ USD) cho Nga vì việc đã đơn phương phá bỏ hợp đồng giao hai chiếc siêu tàu chiến lớp Mistral cho khách hàng Moscow.
 
Thượng viện Pháp sẽ tiến hành xem xét dự luật trên vào ngày 30/9.
 
Dự luật bồi thường của Pháp nhận được sự ủng hộ rộng khắp của các nghị sĩ Đảng Xã hội trong khi các đại diện của Đảng Cộng hòa theo đường lối trung hữu bỏ phiếu cả ủng hộ và phản đối.
 
Trong cuộc tranh luận, các nghị sĩ Pháp chỉ trích kịch liệt Tổng thống Francois Hollande về quyết định hủy bỏ hợp đồng với Nga, miêu tả hành động đó là cú giáng mạnh vào ngân sách của Pháp cũng như hình ảnh của Pháp với tư cách là một đối tác kinh doanh.
 
Liên minh Đảng Cánh Tả bao gồm những nghị sĩ theo chủ nghĩa cộng sản đã bỏ phiếu chống lại dự luật.
 
Dự luật của Pháp đã đưa ra con số bồi thường đầy đủ cho Nga, bao gồm khoản tiền mà Nga đã thanh toán trước cho Pháp để mua hai tàu lớp Mistral. Khoản tiền này trị giá 893 triệu euro. Paris cũng sẽ phải trả thêm cho Moscow khoản tiền 56,7 triệu euro. Đây là số tiền chi phí thêm mà Nga phải bỏ ra cho hoạt động huấn luyện các thủy thủ cũng như trang bị thiết bị cho hai siêu tàu Mistral. Tổng số tiền bồi thường là 949,7 triệu euro.
 
Hồi đầu tháng 8, Nga và Pahsp đã đạt được một thỏa thuận chính thức hủy bỏ hợp đồng Mistral. Theo thỏa thuận, Nga sẽ lấy lại tiền và các thiết bị được lắp đắt trên hai tàu Mistral. Về phần mình, Pháp sau đó sẽ có quyền sử dụng hai chiếc tàu chiến Mistral của mình.
 
“Cái tát vào mặt phi đoàn anh hùng Normandie-Niemen”
 
Cao trào trong sự phản đối của các nghị sĩ Pháp đối với dự luật bồi thường là việc một nghị sĩ Pháp hôm qua đã miêu tả việc Quốc hội Pháp thông qua dự luật mới là một “cái tát vào mặt phi đoàn anh hùng Normandie-Niemen”. Phi đoàn này từng chiến đấu vai kề vai, sát cánh với Lực lượng Không quân Liên Xô trong cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ II.
 
“Có 8 người trong chúng tôi – những người yêu nước, bỏ phiếu chống lại quyết định của chính phủ trong việc không bàn giao hai siêu tàu chiến lớp Mistral cho Nga và 13 người ủng hộ điều đó”, nghị sĩ Quốc hội Pháp – ông Nicolas Duic cho biết trong hội nghị bàn tròn về tình hữu nghị Nga- Pháp ở thủ đô Paris.
 
“Chúng ta vẫn còn nhớ lễ kỷ niệm ngày 9/5 ở Quảng trường Đỏ và tôi cho rằng những người anh hùng của phi đoàn Normandie-Niemen dù đang yên nghỉ trong ngôi mộ của họ cũng phải tức giận sau khi biết về cuộc bỏ phiếu đó”, ông Duic nói thêm.
 
“Mistral là những chiếc tàu chiến rất tốt và tôi muốn các thủy thủ Nga được uống sâm panh trên đó chứ không phải là người Ả-rập Xê-út mặc dù tôi chẳng có gì để chống đối Ả-rập Xê-út”, nghị sĩ Duic phát biểu thêm.
 
Phi đoàn Normandie-Niemen là một phi đoàn thuộc Không quân Pháp chiến đấu tại mặt trận phía đông Châu Âu trong thế chiến II. Đây là một đơn vị đặc biệt vì chỉ có hai đơn vị không quân của đồng minh phương Tây chiến đấu cùng chiến tuyến với Liên Xô.
 
Đến cuối cuộc chiến tranh thế giới thứ II, đơn vị Normandie-Niemen đã bắn hạ 273 máy bay địch, đạt nhiều chiến tích trứ danh và được báo chí đề cao. Phi đoàn này được nhận nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý đến từ cả Pháp và Liên Xô. Liên Xô đáp nghĩa bằng cách tặng 37 chiếc Yakovlev Yak-3 cho quân đội Pháp. Các phi công thuộc Phi đoàn Normandie-Niemen trở về Pháp trong tư cách chiến sĩ anh hùng ngày 20 tháng 6 năm 1945. Các phi công Pháp Marcel Albert, Marcel Lefèvre, Jacques André và Roland de La Poype được tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.
 
Nga đã ký hợp đồng mua 2 siêu tàu chiến lớp Mistral của Pháp với trị giá 1,2 tỉ euro (1,5 tỉ USD) từ hồi tháng 6 năm 2011. Theo hợp đồng, Pháp phải bàn giao chiếc tàu chiến đầu tiên được đặt tên là Vladivostok cho Nga vào ngày 14/11 năm ngoái trong khi chiếc thứ hai mang tên Sevastopol sẽ được bàn giao trong mùa thu này. Tuy nhiên, hợp đồng này mới đây đã bị hủy bỏ.
 
Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đổ lỗi cho Moscow đứng đằng sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine , châm ngòi cho cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông nước này. Dù Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên nhưng Mỹ và đồng minh EU vẫn gây sức ép với Moscow trên mọi mặt trận từ chính trị, kinh tế, ngoại giao đến quân sự. Trong một động thái nhằm trừng phạt Nga trên mặt trận quân sự, Mỹ và các đồng minh đã gây sức ép mạnh mẽ để buộc Pháp phải ngừng bàn giao siêu tàu chiến lớp Mistral cho Nga.
 
Việc chính quyền của Tổng thống Hollande quyết định phá bỏ hợp đồng Mistral với Nga đã gây tranh cãi rất lớn trong nội bộ Pháp bởi trên thực tế, Paris phải hứng chịu tổn thất rất lớn cả về mặt kinh tế lẫn chính trị, quân sự và ngoại giao vì bước đi này.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc