Nga đang bị Ukraine thách thức quá đáng?

16:01, 17/09/2015
|

(VnMedia) - Ukraine hôm qua (16/9) đã tăng cường việc vận động để tước quyền phủ quyết của Nga trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Nỗ lực ít có khả năng thành công này được đưa ra trong bối cảnh sắp diễn ra cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

 

Ảnh minh họa

Ukraine đang thách thức nước láng giềng Nga một cách cao độ.


Nhiều nước từ lâu đã tỏ ra khó chịu với Nga khi nước này cùng với một thành viên có quyền phủ quyết khác của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là Trung Quốc nhiều lần bỏ phiếu ngăn chặn việc thông qua các nghị quyết của Liên Hợp Quốc nhằm áp đặt trừng phạt đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

 

Tuy nhiên, Kiev đặc biệt nổi giận với Moscow khi nước láng giềng phá vỡ nỗ lực của họ trong việc lên án cái mà Kiev gọi là “cuộc xâm lược của Nga” dẫn đến cuộc xung đột khiến gần 8.000 người thiệt mạng ở miền đông Ukraine.

 

Nga miêu tả cuộc khủng hoảng kéo dài 17 tháng qua ở Ukraine là một “cuộc nội chiến” và khẳng định Moscow không đóng bất kỳ vai trò nào trong cuộc nội chiến đó.

 

Quốc hội Ukraine ngày hôm qua đã nhất trí bỏ phiếu ủng hộ đơn kiến nghị Liên Hợp Quốc huỷ bỏ quyền phủ quyết của Nga tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khi “các cuộc xung đột ngày càng trở nên ác liệt ".

 

Đại sứ Liên Hợp Quốc tại thủ đô Kiev - ông Yuriy Sergeyev cho hay, 67 trong số 193 thành viên của Quốc hội Ukraine đã đồng ý với sáng kiến trên.

 

Mỹ cùng với Anh và Pháp là ba nước có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và là những nước ủng hộ cho giới lãnh đạo thân phương tây của Ukraine . Tuy nhiên, đến nay, ba nước trên vẫn kiềm chế không công khai ủng hộ chiến dịch vận động nói trên của Kiev nhằm chống lại Nga và Tổng thống Vladimir Putin.


Moscow nhanh chóng bác bỏ kiến nghị của Kiev về việc tước quyền phủ quyết của Nga đồng thời lên án gay gắt nỗ lực của Kiev trong việc tìm cách mở rộng quyền phủ quyết cho thêm 10 thành viên không thường trực khác của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

 

Ukraine hy vọng được bầu làm một trong những đại diện luân phiên mới của Hội đồng Bảo an tại cuộc bỏ phiếu ở New York dự kiến diễn ra vào ngày 15/10 tới.

 

"Chúng tôi ủng hộ việc duy trì quyền phủ quyết cho 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an”, hãng tin RIA Novosti dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov cho biết. Ông Gatilov miêu tả những cuộc tranh luận về việc cho phép 10 thành viên khác của Hội đồng Bảo an có quyền phủ quyết là “hấp tấp, vội vã”.

 

Quan hệ giữa Nga và Kiev hiện nay giống như những “kẻ thù không đội trời chung”. Cuộc đối đầu giữa hai bên xuất phát từ cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng bùng lên ở Ukraine hồi cuối năm 2013.


Chính quyền Kiev hiện nay đang theo đuổi một chính sách chống Nga mạnh mẽ và quyết liệt. Trong suốt hơn 16 tháng qua, Kiev liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở đất nước của họ cũng như kích động cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông. Kiev tố cáo Moscow đưa quân và vũ khí vào hậu thuẫn cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine .


Đáp lại, Nga bác bỏ mọi lời cáo buộc như trên, đồng thời tố cáo ngược lại rằng Kiev hoàn toàn không muốn thúc đẩy tiến trình hoà bình ở nước này và chỉ muốn đối đầu với Nga.


Việc chính quyền Kiev đối đầu không khoan nhượng với Moscow được cho là một chính sách không có lợi. Một số nhà phân tích tin rằng, nếu biết tạo sự cân bằng trong chính sách, Kiev sẽ được hưởng lợi từ cả mối quan hệ với phương Tây lẫn với Nga.

 

Ý tưởng của Pháp

 

Ý tưởng áp đặt những giới hạn đối với quyền phủ quyết của các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an trong một số trường hợp đặc biệt đã lần đầu tiên được Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đề xuất hồi tháng 10 năm 2013.

 

Moscow Washington sau đó đã rơi vào một cuộc đối đầu đặc biệt cay đắng vì cáo buộc chính quyền của Tổng thống Syria Assad sử dụng vũ khí hoá học.

 

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cân nhắc lựa chọn phương án tiến hành chiến dịch không kích các căn cứ quân sự của Syria – một ý tưởng mà Tổng thống Nga Putin kịch liệt phản đối.

 

Ý định của Tổng thống Obama sau đó đã bị chặn lại bởi một quyết định của Quốc hội Mỹ về việc cấm nước này can thiệp quân sự trực tiếp vào quốc gia Trung Đông. Nga cũng tuyên bố sẽ ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào của Mỹ nhằm tìm kiếm sự thông qua của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho một chiến dịch quân sự ở Syria .

 

Ngoại trưởng Pháp Fabius gợi ý, những tranh chấp như kiểu của Mỹ và Nga như trên có thể được giải quyết ổn thoả hơn nếu 5 cường quốc có thể “điều chỉnh quyền của họ trong việc thực thi lá phiếu phủ quyết ".

 

"Tiêu chuẩn cho việc thực hiện sẽ đơn giản: theo yêu cầu của ít nhất 50 quốc gia thành viên, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc sẽ được yêu cầu đưa ra phán quyết cho bản chất của vụ việc. Một khi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đưa ra ý kiến, một bộ quy tắc ứng xử sẽ ngay lập tức được áp dụng”, ông Fabius cho hay.

 

Sáng kiến trên sau đó đã được Tổng thống Francois Hollande chính thức đề xuất và nó nhanh chóng được Mexico ủng hộ.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc